Gần 3 năm, Hà Nội mới có một dự án nhà ở xã hội được mở bán, chính vì thế người dân đổ xô đến chen lấn tranh nhau suất mua, từ đó đã tạo ra một dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn thu hút được sự chú ý từ dư luận. Điều này cũng cho thấy, nhu cầu về loại hình nhà ở này đang rất lớn và nguồn cung thiếu trầm trọng đối với những đại đô thị như TP Hà Nội. Thế nhưng, cũng trên địa bàn Hà Nội lại có một dự án nhà ở xã hội vừa lập "kỷ lục": Sau 26 lần mở bán mà vẫn ế dù giá bán rẻ hơn rất nhiều so với dự án NHS Trung Văn. Tại sao lại có nghịch lý này?

Xếp hàng cả đêm chờ vận may

Chưa khi nào một dự án nhà ở xã hội mở bán lại thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận như dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong những ngày qua. Trong 2 tuần chủ đầu tư nhận hồ sơ đăng ký mua nhà, bất chấp cái nóng gay gắt, hàng nghìn người đã phải xếp hàng ngày đêm để lấy số đăng ký nộp hồ sơ. Kết thúc hạn nộp hồ sơ là ngày 11/4, không ít người dân đã phải xếp hàng đêm hôm, thậm chí có những người phải chờ đợi đến 3, 4 hôm để tìm "vận may".

Tuy vậy, câu chuyện vẫn chưa dừng lại. Dưới cái nắng nóng, oi bức của Hà Nội, từ sáng sớm ngày 20/5, hàng nghìn người có mặt tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy từ 4 giờ sáng để xếp hàng đợi bốc thăm quyền được mua nhà ở xã hội tại dự án này.

Nghịch lý nhà ở xã hội… -0
Nhu cầu nhà ở xã hội hiện rất lớn, tuy nhiên cần phải có quy hoạch tốt và vị trí hợp lý.

Dự án do Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS (đại diện liên danh chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS và Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 4) làm chủ đầu tư. Đây là dự án công bố mức giá dự kiến cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Mức giá hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT) và phí bảo trì hơn 371.000 đồng/m2. Để sở hữu căn nhỏ nhất (diện tích 69,9m2), người mua cần bỏ ra khoảng 1,39 tỷ đồng và căn lớn nhất (diện tích 76,8m2) người mua phải bỏ ra đến 1,52 tỷ đồng. Với người thuê nhà cũng phải bỏ ra khoảng 7 triệu đồng/tháng khi mức giá cho thuê là 99.081 đồng/tháng/m2 (đã bao gồm VAT và chi phí bảo trì). Trong số 1.300 hồ sơ đăng ký mua nhà hợp lệ bốc thăm chọn ra 149 hồ sơ. Như vậy, có đến 1.151 hồ sơ "bị loại", không được quyền mua căn hộ. Dù vất vả nhiều ngày nhưng cũng chỉ có số lượng ít ỏi người tìm được "vận may" khi được quyền mua căn hộ.

Thế nhưng, trái ngược hoàn toàn với dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, một dự án nhà ở xã hội khác lại vừa thiết lập kỷ lục buồn khi mở bán đến 26 lần vẫn chưa bán hết. Đó là Dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư. Tại lần mở bán và ký hợp đồng lần thứ 26 trong tháng 4 vừa qua, còn 42 căn hộ chưa bán được và 86 căn chưa có người thuê. Dự án có tổng số 1.496 căn hộ, trong đó có 264 căn bán thương mại, 911 căn hộ nhà ở xã hội để bán và 321 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê. Từ lần mở bán đầu tiên vào năm 2015 đến nay, dự án mới bán được 869 căn nhà xã hội và 235 căn nhà cho thuê. Đáng nói, giá bán dự kiến căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này chỉ hơn 14 triệu đồng/m2 (chưa gồm thuế VAT và 2% phí bảo trì). Giá cho thuê dự kiến là hơn 61.000 đồng/m2/tháng (chưa gồm thuế VAT)

Giải pháp nào cho tình trạng nơi thiếu, nơi thừa?

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành một phần với khoảng 345.488m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 4.168 căn hộ. Con số này đã bao gồm 1 dự án xây dựng nhà ở công nhân hoàn thành với khoảng 130 nghìn m2 sàn, khoảng 1.170 căn hộ. Ngoài ra, hiện có 40 dự án đang triển khai, gồm 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 với khoảng 869.000m2 sàn, 12.137 căn hộ. Có 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1.689.000m2 sàn, 22.400 căn hộ, trong đó có 6 dự án xây dựng nhà ở công nhân với khoảng 310 nghìn m2 sàn với gần 8.000 căn hộ nhà ở công nhân.

Có thể thấy, trước nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, hàng loạt dự án nhà ở xã hội đang được triển khai trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề cần phải được giải quyết ở đây là làm sao để các dự án triển khai không đi vào vết xe đổ như của dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long phải mở bán đến 26 lần, qua 8 năm mà vẫn ế. Hay như trước đó, một dự án cũng phải mở bán đến 20 lần là dự án Bamboo Garden (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). Với mức giá chưa đến 10 triệu đồng/m2 nhưng dự án này cũng phải mở bán ròng rã 6 năm, 20 lần mở bán mới hết 300 căn hộ.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, người dân mua nhà để ở và nơi đó còn phải có những công trình đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông… Các dự án nhà ở xã hội bán mãi không hết đó là do nằm ở các khu vực xa trung tâm, thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp.

"Điều này gây ra nghịch lý chỗ thiếu cứ thiếu, chỗ thừa vẫn thừa, thực tế nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất lớn, đặc biệt với những đối tượng có mức thu nhập thấp, trung bình. Nhà ở xã hội phải được đặt ở nơi có nhiều công nhân viên chức, công nhân lao động, đây là những đối tượng đang rất khó khăn về nhà ở hiện nay", ông Đính nhận định.

Ông Đính cho rằng, để nhà ở xã hội phát triển, Nhà nước phải đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quy hoạch và bố trí vị trí hợp lý cho các dự án nhà ở xã hội. Nếu đặt nhà ở xã hội ở những khu vực có mức sống đắt đỏ thì đối tượng là người nghèo, thu nhập thấp vào ở cũng sẽ phải chịu mức giá đắt đỏ ở khu vực này. Điều này là không hợp lý.

"Có những khu vực thực sự cần phát triển các dự án này thì không triển khai, chỗ không cần thì lại đặt vào đó. Nhà ở xã hội cần phải phát triển ở những khu vực đông công nhân, người lao động, người nghèo, người có thu nhập thấp để họ có thể dễ dàng tiếp cận. Còn những khu vực khác khi chủ đầu tư nhận quỹ đất làm nhà ở thương mại thì có trách nhiệm đóng góp kinh phí để nhà nước chủ động triển khai nhà ở xã hội. Do vậy, bây giờ quan trọng là nhà nước phải tính toán làm thế nào để xây dựng quy hoạch tốt, ở vị trí hợp lý và tạo ra nhiều sản phẩm loại hình nhà ở này phong phú", ông Đính nói.

https://cand.com.vn/doi-song/nghich-ly-nha-o-xa-hoi-i694853/

Phan Hoạt / cand.com.vn