Người ngoài không hiểu tại sao phụ nữ lại yêu kẻ đánh đập và cho rằng thích là bỏ được ngay, nhưng không phải vậy.

Chúng ta thường yêu trước lúc biết con người thực sự của bạn đời. Và ngay từ trong giai đoạn đó đã có những dấu hiệu của kẻ bạo lực, lạm dụng mà chúng ta bỏ qua - bởi những người này thường rất giỏi quyến rũ và đến khi con mồi đã mắc câu thì họ mới hiện nguyên hình.

Có nghiên cứu đã cho thấy nạn nhân trung bình trải qua 7 lần bị bạo lực trước khi vĩnh viễn rời khỏi đối tác. Dưới đây là các lý do chính tại sao phụ nữ yêu và gắn bó với kiểu bạn đời này.

Chối từ bản thân

Người sinh trưởng trong một gia đình không đủ tình yêu và tôn trọng thì thường có tự trọng thấp và có xu hướng thành nạn nhân của bạo hành gia đình. Bạn không hy vọng được đối xử tốt hơn so với quá khứ bị cha mẹ kiểm soát, trừng phạt hoặc hạ bệ. Không hẳn bạn không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng bạn giảm thiểu hoặc hợp lý hóa chuyện bị bạo lực, hoặc cũng có trường hợp bạn không thật sự nhận ra mình là nạn nhân.

Khi được xoa dịu và tình yêu được kết nối trở lại, bạn ngừng tổn thương và lại thấy an toàn trở lại.

nghich ly phu nu yeu va gan bo voi ke danh minh
Phụ nữ cam chịu bạo lực và ở lại với người đánh đập mình vì rất nhiều lý do. Ảnh: Psychcentral.

Ảo tưởng quá mức

Khi yêu, nếu bạn không vượt qua được chấn thương từ thời thơ ấu thì rất dễ lý tưởng hoá đối tác.

Bạn sẽ có xu hướng tìm một người hoặc bị thu hút bởi người có nét tương tự như cha/mẹ mình - người gây ra một lỗ khuyết trong quá khứ cho bạn chưa được giải quyết. Vô thức, bạn đang cố gắng sửa chữa quá khứ, với hy vọng mình làm chủ được tình hình, có thể sửa đổi đối phương và nhận được tình yêu ngày còn nhỏ. Đây là hiện tượng tâm lý "repetition compulsion" vô tình khiến bạn bỏ qua các dấu hiệu bị lạm dụng ngay từ lúc mới bắt đầu mối quan hệ.

Chu kỳ lạm dụng

Sau một lần bị đánh mắng, thường có một khoảng thời gian "trăng mật". Đây là một phần của chu kỳ bạo lực. Kẻ gây chuyện thường tìm kiếm sự kết nối bằng các hành động lãng mạn, xin lỗi hay tỏ ra hối hận.

Dù là gì, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm vì giờ đã hòa bình, bởi với bạn, tình trạng mối quan hệ căng thẳng còn tồi tệ hơn so với bị "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Bạn khao khát được "cơm lành, canh ngọt".

Thường kẻ bạo lực sẽ nhân danh tình yêu, còn bạn thì muốn tin vào lời họ nói. Điều này như cái vòng luẩn quẩn, giống người nghiện rượu, sau cuộc say nào cũng hứa sẽ cai.

Lòng tự trọng thấp

Do tự trọng thấp, bạn tin sự hạ bệ, đổ lỗi, chỉ trích của chồng/vợ mình. Bạn bị "tẩy não", tin rằng khi bản thân thay đổi thì mối quan hệ sẽ tốt. Bạn dễ dàng bị thao túng, tự trách mình và cố gắng nhiều hơn để làm vui lòng bạn đời.

Bạn có thể nguỵ biện họ tốt với bạn khi sex, kiếm tiền về đưa hết cho vợ, ngoài những lúc đánh vợ thì hiền lành... là dấu hiệu của tình yêu. Nếu như vậy, càng ngày niềm tin vào bản thân của bạn càng suy giảm, tình yêu của bạn và sự lý tưởng hoá với kẻ gây bạo lực thì vẫn còn nguyên.

Đồng cảm

Nhiều người trong chúng ta thấu cảm cho kẻ đánh mình, nhưng với bản thân lại không. Chúng ta không nhận thức được điều mình cần và sẽ cảm thấy ngượng nếu yêu cầu bạn đời tôn trọng.

Điều này khiến bạn dễ bị thao túng nếu đối tác đóng vai nạn nhân, phóng đại cảm giác tội lỗi, tỏ ra hối hận, đổ lỗi cho bạn hoặc nói về quá khứ tổn thương...

Sự đồng cảm này được nuôi dưỡng từ hệ thống chối từ bản thân, đó là đưa ra các biện minh, hợp lý hoá và giảm thiểu nỗi đau mà bạn đã phải chịu. Hầu hết các nạn nhân che giấu mình bị đánh đập vì sợ "vạch áo cho người xem lưng" hay "xấu chàng hổ ai".

Giữ bí mật là một sai lầm và làm như vậy là bạn đang trao cho kẻ đánh bạn nhiều quyền lực hơn.

Khía cạnh tích cực

Không phủ nhận đối tác của bạn có những mặt tính cực như chăm chỉ, có công việc tốt, có địa vị, kinh tế... Bạn dựa vào đó mỗi lúc bị đánh. Bạn tưởng tượng, nếu anh ấy kiểm soát tốt cơn giận hoặc chỉ cần thay đổi thì mối quan hệ sẽ tốt. Vì lẽ đó, bạn vẫn ở lại sau những lần bị người đầu gối tay ấp dùng nắm đấm.

Bảo Nhiên (Theo Psychologytoday)

nghich ly phu nu yeu va gan bo voi ke danh minh Người vợ bị chồng "võ sư" đánh đập như thời trung cổ rút đơn tố cáo, xin hòa giải

Công an phường Thạch Bàn quận Long Biên cho biết, chị Vũ Thị T.L. đã xin hòa giải và rút đơn tố cáo chồng bạo ...

nghich ly phu nu yeu va gan bo voi ke danh minh Đằng sau các vụ đánh vợ như đánh kẻ thù

Người ta thường chú ý đến “cái kéo” của người vợ, bàn tay của anh chồng, hay cái hất bím tóc đầy thách thức của ...

/ vnexpress.net