Bạn đọc hỏi: Hiện nay, việc các cửa hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ bán các mặt hàng quân trang, phù hiệu của Công an, Quân đội diễn ra khá phổ biến. Vậy việc buôn bán này có vi phạm pháp luật? Hà Tuấn Ngọc (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Luật sư Đặng Thành Chung trả lời:
Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh; Phòng 305- Toà nhà số 8 Láng hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 82/2016/NĐ-CP quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của quân đội nhân dân Việt Nam và khoản 5 Điều 1 Nghị định quy định cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng công an nhân dân, hành vi mua bán quân trang, phù hiệu của công an, quân đội bị nghiêm cấm. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính: Những tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này thuộc trường hợp kinh doanh hàng cấm, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP). Mức phạt tiền cao nhất là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện, tước giấy phép kinh doanh có thời hạn… và biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy hàng cấp, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp…
Nhiều hàng quần áo quân trang bày bán ở đường Lê Duẩn, Hà Nội (Ảnh minh họa)
Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Trong trường hợp buôn bán hàng cấm với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 BLHS về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” và Điều 192 BLHS “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù đối với cá nhân hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tổ chức.
Về xử lý kỷ luật: Trường hợp có cán bộ, nhân viên nhà nước phụ trách lĩnh vực về quân trang, phù hiệu mà có sự cấu kết với cá nhân, tổ chức buôn bán mặt hàng này thì có thể bị xem xét xử lý kỷ luật tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.
Lợi dụng dịch Covid-19 để giấu ma túy tinh vi qua chiếc khẩu trang Lợi dụng việc mọi người đeo khẩu trang để phòng bệnh Covid-19, đối tượng lớn tuổi đã dán gói ma túy hêrôin lên mặt, rồi ... |
Phát hiện, xử lý gần 5.000 vụ vi phạm về kinh doanh thiết bị y tế Ngày 23/2, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết tính từ 31.1 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã ... |
Hàng giả hàng nhái ngày càng “lan tỏa” tinh vi và công khai Hàng giả hàng nhái vẫn có chiều hướng gia tăng với các phương thức, thủ đoạn tinh vi khiến cho công tác bài trừ ngày ... |