Qua rà soát, có tới 94 ứng viên giáo sư, phó giáo sư có đơn thư tố cáo, hồ sơ cần xác minh thêm
Chiều tối 1-3, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, nhiều vấn đề nóng đã được đặt ra: ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017 tăng đột biến so với năm trước, phương án giải quyết trạm BOT Cai Lậy, tục đốt vàng mã…
Không đủ điều kiện thì không công nhận
Giải trình về việc ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 tăng đột biến, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Mạnh Hùng cho biết do thời gian tiếp nhận hồ sơ các ứng viên của năm 2017 kéo dài hơn 6 tháng so với năm 2016. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân là do nhà nước có chính sách hỗ trợ nên số người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có nhiều bài báo quốc tế, công trình khoa học lớn… cũng tăng lên; các trường đại học, các cơ sở giáo dục muốn nâng cao chất lượng giảng viên nên số lượng cán bộ được tạo điều kiện để đạt các chức danh GS, PGS cũng tăng.
"Theo kết quả Hội đồng Chức danh GS nhà nước công bố, tổng số ứng viên đạt là 1.226/1.537 (đạt 79,76%). Tỉ lệ 79,76% cũng chỉ tương đương những năm trước" - ông Hùng nhận định.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết trước ý kiến của dư luận, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu rà soát kỹ các hồ sơ ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. "Nếu phát hiện trường hợp không đáp ứng sẽ kiên quyết không công nhận. Với những trường hợp bị đơn thư tố cáo thì cũng sẽ xem xét, xử lý theo pháp luật về tố cáo" - ông Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết ngay khi có ý kiến dư luận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ các chức danh GS, PGS. "Bộ GD-ĐT và Hội đồng Chức danh GS nhà nước báo cáo qua rà soát, có tới 94 ứng viên giáo sư, phó giáo sư có đơn thư tố cáo, hồ sơ cần xác minh thêm" - ông Mai Tiến Dũng thông tin và nhấn mạnh quan điểm của Thủ tướng là làm nghiêm túc việc này, từ đó đánh giá thực chất các ứng viên.
Với câu hỏi về thông tin Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nằm trong danh sách phải rà soát vì có khiếu nại, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết nếu có khiếu nại thì bộ sẽ tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của Luật Khiếu nại tố cáo.
Sau nhiều vụ phản ứng của tài xế, Thủ tướng Chính phủ có quyết định tạm dừng trạm BOT Cai Lậy và giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, báo cáo các phương án Ảnh: LÊ PHONG
Đã trình 4 phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ có quyết định tạm dừng trạm BOT Cai Lậy và giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, báo cáo các phương án. Trên cơ sở đó, bộ đã báo cáo Chính phủ từ ngày 17-1 và đưa ra 4 phương án. "Các phương án này đều có ưu điểm và hạn chế, liên quan đến yếu tố ban đầu về hợp đồng có điều chỉnh và thời gian thu phí cũng sẽ có khác nhau. Ví dụ: có phương án đề nghị dừng thu phí thì cần xem xét có nguồn tiền nào để trả và trả theo thời gian, cùng với đó, phải đàm phán với nhà đầu tư. Với phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì phải theo dõi lượng xe để tính toán lại thời gian. Nếu thu cả 2 trạm trên Quốc lộ 1 và tuyến tránh thì cũng phải tính khác…" - Thứ trưởng Đông cho biết và thông tin thêm: Bộ vẫn tiếp tục nghiên cứu và sẽ sớm báo cáo về những phương án tiếp theo, trong đó có phương án giảm mức phí cho phương tiện từ 30%-100% cho một số xã lân cận.
Liên quan đến tập tục đốt vàng mã, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng việc tuyên truyền nhận thức về tập tục này còn hạn chế dù vài năm gần đây đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị người dân hạn chế đốt vàng mã. "Chúng tôi ủng hộ và đồng tình với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về đề nghị hướng dẫn phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo" - bà Thủy cho hay.
Một sự kiện khác cũng được đề cập là chủ Công ty TNHH Texwell Vina (Trảng Bom, Đồng Nai) bỏ về nước, nợ lương của gần 2.000 công nhân. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã tạm ứng ngân sách để trả nửa tháng lương cho người lao động và giao cho các sở, ngành liên quan rà soát để bảo đảm quyền lợi chính sách như trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng hỗ trợ quà, tiền cho người lao động.
Vụ khách hàng Eximbank mất tiền: Bảo đảm quyền lợi người gửi
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới việc khách hàng Eximbank mất 245 tỉ đồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết vụ việc này diễn ra năm 2017 và cuối năm này, Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án. "Đến nay, Eximbank đã có những động thái tích cực bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Đây là ưu tiên hàng đầu" - bà Hồng nói và khẳng định Ngân hàng Nhà nước không có chỉ đạo nào về phân biệt khách hàng VIP và thông thường.
Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã hết nhiệm vụ lịch sử? Mỗi năm, hàng trăm giáo sư, phó giáo sư làm hồ sơ để được công nhận và hàng chục hội đồng xét duyệt chức danh ... |
Lộ 94 GS, PGS chưa đủ chuẩn, đã hết chưa? (Người Việt) - Thông tin được cung cấp tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ: Có 94 người chưa đủ tiêu chuẩn vẫn được ... |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: \'Chúng tôi sẽ xử lý nếu nhận được đơn khiếu nại xét giáo sư cho Bộ trưởng Tiến\' Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết Bộ sẽ xử lý nếu nhận được đơn khiếu nại, tố cáo ... |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa tiêu chuẩn xét giáo sư Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y đánh giá Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đủ và thậm chí thừa tiêu chuẩn ... |