Sự tăng đột biến về số lượng người được công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS); tràn lan đào tạo sau đại học, số lượng thạc sĩ (ThS), tiến sĩ (TS) cũng tăng cao... nhưng nghịch lý thay các trường đại học tại Việt Nam vẫn “vắng bóng” trong bảng xếp hạng châu lục hay trên thế giới, tỉ lệ công bố khoa học thua xa các nước trong khu vực.
Việc tràn lan đào tạo sau đại học khiến số lượng thạc sĩ, tiến sĩ tăng cao (ảnh minh họa). Ảnh: P.V
Một phần nguyên nhân là do nghiên cứu khoa học (NCKH), đào tạo sau đại học (ĐH) và công nhận chức danh GS, PGS được nhiều chuyên gia cho rằng đang đi sai hướng.
Đào tạo sau đại học chưa gắn với nghiên cứu khoa học
Tại Hội nghị phản biện về đào tạo sau ĐH và bồi dưỡng nhân tài do Hội đồng Tư vấn khoa học - giáo dục và môi trường Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây, thành viên trong hội đồng đã thẳng thắn chỉ rõ nhiều bất cập. Theo đánh giá, số lượng công trình NCKH tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Việc áp dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Trên phương diện hội nhập quốc tế về NCKH, số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam còn khiêm tốn, không đồng đều giữa các chuyên ngành. Lĩnh vực khoa học xã hội có rất ít công bố ra quốc tế.
Theo GS Tạ Thành Văn - giảng viên Đại học Y Hà Nội: Đào tạo sau ĐH của nước ta chưa gắn kết với NCKH. Các trường ĐH không phải là cái nôi của khoa học và công nghệ. Chính những bất cập này đã dẫn đến hệ quả là chất lượng đội ngũ ThS, TS thấp hơn nhiều so với mặt bằng các nước trong khu vực, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của nền kinh tế đất nước.
GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Bậc ĐH và sau ĐH là bậc tự học và phải có sách. GS Hãn cho biết, những năm đầu hòa bình lập lại, TS hầu như không có. Tại Đại học Tự nhiên Hà Nội, thầy giáo vừa cầm cuốn sách vừa dịch tiếng nước ngoài cho sinh viên nghe. Thế mà, chúng ta vẫn có thế hệ các nhà khoa học tên tuổi, đóng góp nhiều cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước và xây dựng nước nhà. Lưu ý, vào năm 1975 số lượng TS của cả nước mới có hơn 1.000 người. Số lượng TS hiện nay đã tăng 23 lần thế nhưng sinh viên và thầy giáo đói sách triền miên. GS Hãn cho rằng việc hành chính hóa các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy đã áp đặt vào đội ngũ trí thức tinh hoa hơn 30 năm qua ở nước ta.
GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn khoa học - giáo dục và môi trường - cho rằng hiện nay tính cào bằng trong khoa học công nghệ chưa phù hợp dẫn đến chưa kịp thời khuyến khích phát triển tài năng. Vấn đề đào tạo sau ĐH phải khắc phục tình trạng đào tạo đại trà, gây ra chất lượng thấp. Thực tế trong thời gian qua những cơ sở đào tạo có chất lượng cao lại có xu hướng giảm số học viên.
Về vấn đề công nhận chức danh GS, PGS, TS Lê Văn Út - Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học và công nghệ, ĐH Tôn Đức Thắng - cho rằng ở Việt Nam, ứng viên nộp hồ sơ xét duyệt PGS, GS cấp nhà nước không hề có yêu cầu phải công bố ISI/Scopus. Điều này tạo điều kiện cho những công bố không hiệu quả “thượng vàng hạ cám”. Đồng thời, quy định cũng không yêu cầu người xét duyệt hồ sơ phải là tác giả chính của bài báo, vì thực tế có những bài được đăng nhưng là cả một nhóm tác giả.
Như vậy cũng không thể đảm bảo được chất lượng. Thực tế tại ĐH Tôn Đức Thắng, tiêu chuẩn để bảo vệ luận án TS đã phải có ít nhất một bài ISI/Scopus (tác giả chính) và yêu cầu luận án ở nhiều nước cũng vậy - không có bài ISI/Scopus thì không thể bảo vệ luận án TS. Theo TS Út, công bố ISI/Scopus mới hy vọng có kết quả nghiên cứu mới và đây hiện là chuẩn mực mà thế giới đang sử dụng để đánh giá năng lực NCKH của nhà khoa học, tổ chức khoa học và năng lực khoa học của các quốc gia.
Cần thay đổi lại thước đo, cách thức tổ chức
Trước những vấn đề nan giải trên, GS Nguyễn Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàm lâm Khoa học Việt Nam - nhấn mạnh về kiểm định chất lượng đại học: Thước đo của chất lượng ĐH phải được kiểm định ở các cơ quan kiểm định đạt chuẩn quốc tế, tiến tới hệ thống bằng cấp được công nhận tương đương.
“Chúng ta hãy xem cách thức Singapore đầu tư trong khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và thực thi các định hướng một cách nghiêm ngặt và xuất sắc tới mức nào. Chúng ta không nên tập trung phát triển về số lượng mà phải lấy chất lượng là chính. Việc hàng chục nghìn học viên mỗi năm được “ra lò” với sự đào tạo dễ dãi, tràn lan với “bằng thật và chất lượng giả” rất đáng báo động. Chỉ cần nhìn vào một viện nghiên cứu, hằng năm “sản xuất” ra hàng loạt TS với một số đề tài ngây ngô và quá non nớt thì thử hỏi chất lượng sẽ như thế nào” - ông Minh băn khoăn.
Còn GS Tạ Thành Văn đề xuất việc cần thành lập Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực quốc gia. Trung tâm này có chức năng khảo sát, theo dõi nhu cầu và sự biến động về nhân lực theo lĩnh vực ngành nghề, theo bậc đào tạo, theo chuyên ngành và theo địa dư vùng miền. Trên cơ sở các số liệu hằng năm, Nhà nước có chiến lược xây dựng, phân bố chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực ở các trình độ khác nhau, cho mỗi chuyên ngành khác nhau mà mỗi vùng miền khác nhau” - ông Văn kiến nghị.
Để nâng cao chất lượng PGS, GS cũng như chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học, GS-VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - cho rằng rõ ràng riêng năm 2017 số lượng người đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đã bằng 1/10 tổng số 35 năm về trước, như vậy, việc tăng đột biến khiến dư luận xôn xao và nghi ngờ về chất lượng là có cơ sở. “Tôi cho rằng, để cải thiện được chất lượng, không còn cách nào khác là phải chọn ra những người thực sự có chất lượng, yêu ngành, yêu nghề và đặc biệt là làm công tác đào tạo trong các trường ĐH và cao đẳng”.
Nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng để nâng cao chất lượng xét PGS, GS, quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của hội đồng ngành. Trong đó đặc biệt chú trọng chất lượng các thành viên ngồi trong các hội đồng ngành, phải làm sao để có những nhà khoa học có trình độ và thực sự công tâm, không để xảy ra tình trạng người có “tiếng” trong chuyên môn lại trượt ở vòng bỏ phiếu. Đồng thời, nhiều chuyên gia tiếp tục đề nghị thành lập hội đồng ngành qua cơ chế bỏ phiếu chứ không phải chỉ định như bây giờ. Những người tham gia bỏ phiếu là các PGS, GS đứng đầu của từng ngành. Cách làm này chắc chắn sẽ loại được ra khỏi hội đồng mới những thành phần có hiện tượng “ăn tiền”, làm việc thiếu công tâm hay không đủ chuyên môn.
Cần nhiệm kỳ cho chức danh giáo sư, phó giáo sư Vần đề về tăng đột biến số lượng giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đang tiếp tục gây nhiều tranh luận. Trong đó, nhiều ... |
Phong tặng Giáo sư, Phó giáo sư: Không dành cho người háo danh Giáo sư, Phó giáo sư là những người được có uy tín về đào tạo, cống hiến thức sự chonghiên cứu khoa học nên không ... |