Một trong những “căn bệnh” phổ biến thời nay là né tránh. Cấp dưới né tránh cấp trên. Cấp trên né tránh cấp dưới. Đồng cấp né tránh lẫn nhau. Né tránh trong lúc đấu tranh phê bình, trong khi yêu cầu cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, ngay cả khi phải trả lời thẳng vào câu hỏi. Nghĩa là người có thói quen (tạm gọi thế) né tránh thì lúc nào cũng phòng thân bởi cái “áo giáp”.

Mới rồi chúng tôi tham dự đại hội đảng bộ cơ quan X. Phần góp ý vào công tác cán bộ, thấy nhiều ý kiến toàn “bắn chỉ thiên”. Khi nói về ưu điểm hay khuyết điểm của cấp ủy, bí thư trong công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí cán bộ, họ toàn nêu những dẫn chứng chung chung. Nào là, chúng ta đã có nhiều cố gắng, chuẩn bị quy hoạch một cách kĩ lưỡng, bài bản, cho nên danh sách quy hoạch cán bộ lúc nào cũng bảo đảm ba độ tuổi, cơ cấu hợp lí. Nào là chúng ta đã bảo đảm tính chất “động” và “mở” trong quy hoạch, cho nên đã tạo nguồn cán bộ dồi dào, để đến khi bước vào đại hội không phải đốt đuốc đi tìm. Hết ưu đến khuyết, đồng chí ấy phán rằng: Rất tiếc, một số trường hợp đã không thực hiện được quy hoạch, do những nguyên nhân khách quan về sắp xếp bộ máy tổ chức, do cấp ủy đã chưa thật sự kiên quyết, do động cơ phấn đấu của một vài cán bộ không trong sáng, có biểu hiện chạy chức, chạy quyền.

Giờ giải lao nhiều đại biểu bảo nhau: sao cái ông ấy nói cứnhư sách thế nhỉ? Mà lại là sách cũ, chẳng hề bám vào những chỉ thị, hướng dẫn mới nhất của Đảng. Lời rườm ý rỗng, chỉ tổ mất thì giờ. Người khác góp lời: Ông ấy “khôn” chán. Cái gì né được là né, đấy cũng là một cách chạy phiếu bầu. Ếch chết tại miệng. Đang lúc bầu bán, hớ hênh câu gì mất phiếu như bỡn. Ở chỗ chúng tôi phân công mấy đồng chí chuẩn bị tham luận, anh nào cũng xin kiếu, bảo rằng, thôi em “kém lí luận” anh giao đồng chí khác. Đấy, tìm cách “ngồi yên” cũng là né đấy.

Trong điều hành công việc, né tránh cũng biểu hiện muôn màu muôn vẻ. Có một sắc màu khá quen thuộc là “khẩu dụ”. Cứ nói phóng ra đấy. Sau này công việc trôi chảy không sao, hễ có gì sai sót là cấp dưới ăn đòn đủ. Ở địa phương nọ, một vị lãnh đạo chuyển công tác, để lại một khoản nợ hàng tỷ đồng. Mà không phải là nợ xây dựng, bảo tồn công trình gì cho cam, lại là nợ do… tiếp khách. Cũng khổ, cái địa phương ấy thuận đường xe cộ, non nước hữu tình nên cứ vào dịp lễ, tết, xe cộ kéo về nườm nượp. Mình đến địa phương “người ta” thì ở khách sạn 5 sao, ăn đủ sơn hào hải vị, giờ họ thăm mình, úi xùi sao được. Thế là thủ trưởng bèn chỉ thị mồm, đứng gần ông nào thì vỗ vai ông ấy, ông tài chính, ông kế hoạch, ông thuế, ông doanh nghiệp, ông văn phòng… Kèm vỗ vai là lời dặn: chú chủ chi nhé, nhớ có chút quà, nhớ là của cho không bằng cách cho. Nghe tiếng chỗ ấy chỗ nọ chơi đẹp, khách càng kéovề đông hơn. Khoản nợ cứ phình to như bánh mì thêm bột nở.

Đấy là khẩu dụ trong việc chi tiêu, còn có chỗ để xuân xiu, “tre có chỗ trẻ”. Gay go nhất là cấp trên lệnh mồm rằng cứ làm đi. Việc đấy có thể là làm sân vận động, đường giao thông, xây hội trường, trạm y tế… Hỏi đấu thầu thế nào. Cậu hỏi cậu sao lại hỏi tôi? Thế là “vận dụng”, thế là linh cảm vào “đèn xanh” của thủ trưởng. Khi có người chất vấn, khó thế sao cậu không đánh bài chuồn? Cấp dưới lắc đầu: Chuồn chết chắc! Để tránh tai vạ, có anh tham mưu đã cẩn thận làm văn bản trình thủ trưởng kí. Thủ trưởng sau mấy ngày trăn trở đã hạ bút: “Đồng ý về nguyên tắc. Thực hiện đúng pháp luật và các quy định hiện hành”. Trời ơi, cái nguyên tắc ấy là nguyên tắc nào? Cú bóng bổng lại sang chân anh tham mưu.

Nói đi cũng phải nói lại, thường ngày vẫn gặp những cán bộ lòng ngay dạ thẳng. “Có gan nhận khuyết điểm” thì mới có hướng sửa chữa, để người sau, lần sau không lặp lại. Hồi cuối tháng 5 vừa qua có câu chuyện đau lòng xảy ra tại một trường THCS ở TP Hồ Chí Minh. Một cây phượng bất ngờ đổ gãy, đè 18 học sinh, trong đó có một em tử vong. Thầy Hiệu trưởng nhà trường đã nhận trách nhiệm trước hết thuộc về mình:“Bây giờ nếu hỏi trách nhiệm để xảy ra cây xanh gãy đổ này là của ai thì rõ ràng người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm. Bản thân tôi là người chịu trách nhiệm trước, vì đây là tài sản nằm trong khuôn viên trường”. Thế nhưng sau đó, rất tiếc, lại xảy ra câu chuyện nhiều nơi bất ngờ đốn hạ cây phượng không thương tiếc, trong đó có những cây mới trồng vài năm, đang xanh tốt. Hỏi vì sao lại chặt thì không rõ cái lệnh ấy từ đâu ra. Hoặc có biết nhưng mà… không dám nói. 

Chuyện né tránh có cả nghìn lẻ một kiểu. Bởi né tránh mà công việc không chạy, mà sinh ra những nút thắt, chả có so sánh nào hay hơn hình ảnh chân gà mắc tóc.Né tránh thường đi liền với đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, khiến cho công việc trì trệ, gây mất đoàn kết nội bộ. Khi mọi người đều gắng lo tròn bổn phận, nêu cao tinh thần phụ trách thì cái nút thắt sẽ không có cơ sinh tồn. Chớ nên hiểu sai câu phương ngôn “Tránh voi chả xấu mặt nào”. Sự thật, chân lí, niềm tin và lòng dũng cảm sao lại phải đi sợ một con voi giấy nào đó?

                                                                                               Trần Quang

nghin le mot kieu ne tranh Luân chuyển cán bộ

Cụ tổ năm đời của tôi đậu phó bảng, làm quan nhiều nơi, song chưa bao giờ được bổ nhiệm làm quan ở nơi cụ ...

nghin le mot kieu ne tranh Khen mà như thế bằng mười hại nhau !

Mới rồi tại một hội nghị lớn dành cho những người chuyên đi nói cho người khác nghe, ông báo cáo viên vốn là một ...

nghin le mot kieu ne tranh Hà Nội nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên

Hà Nội yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện đón Tết Nguyên đán lành ...

/ Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống