Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là rất cấp thiết, làm căn cứ để xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.

Đến sáng 27/11, trong số 622 ca nhập viện vì liên quan vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa), còn 2 học sinh đang theo dõi sức khỏe tại bệnh viện. Trong đó, một bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa; ca còn lại điều trị ở Bệnh viện Vinmec. Như vậy, hơn 650 học sinh, giáo viên trường iSchool Nha Trang đã xuất viện sau vụ ngộ độc thực phẩm hôm 17/11.

Ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang: Ai chịu trách nhiệm? - 1

Phần ăn trưa 17/11 của học sinh Trường iSchool Nha Trang có món cánh gà (bên trái, dưới).

Từ góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, nhận định, ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang, Khánh Hòa, là vụ việc nghiêm trọng. Vấn đề xác định nguyên nhân ngộ độc là vô cùng cấp thiết, bởi đây chính là căn cứ, cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý của cá nhân, tổ chức liên quan.

"Các cơ quan chức năng cần làm rõ ngay ở những khâu ban đầu, đơn vị nào cung cấp nguyên liệu, nhằm xác minh quy trình nuôi trồng, chế biến thực phẩm đã tuân thủ đúng nguyên tắc, đảm bảo quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm hay chưa", luật sư Hùng cho biết.

Nếu xác định có độc tố trong thực phẩm và đó là nguyên nhân dẫn tới ngộ độc, đơn vị cung cấp thực phẩm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (có thể bị xem xét Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Bên cạnh đó, hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam - đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho Trường iSchool Nha Trang - sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho các nạn nhân.

Trường hợp hộ kinh doanh biết thực phẩm của cơ sở cung cấp không đảm bảo sức khỏe nhưng vẫn sử dụng để chế biến suất ăn, sẽ bị xử lý hình sự. Nếu xác định hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam tự nuôi trồng, sản xuất thực phẩm để chế biến thức ăn, trách nhiệm sẽ thuộc về chính đơn vị này.

Ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang: Ai chịu trách nhiệm? - 2

 Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, nhận định, ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang là vụ việc nghiêm trọng.

 

"Ngoài ra, cũng cần xem xét trách nhiệm của những người chế biến và nấu ăn nếu trường hợp ngộ độc do độc tố sinh ra trong quá trình chế biến thức ăn. Đầu bếp có được đào tạo không? Có hiểu biết về mức độ nguy hiểm khi kết hợp các nguyên liệu với nhau không hay chỉ làm việc theo thói quen và không biết về những vấn đề này", luật sư Hùng nói.

Ngoài ra, nhà trường lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn nên sẽ phải liên đới trách nhiệm, vì đã thiếu kiểm tra, giám sát đơn vị cung cấp dịch vụ nấu ăn cho học sinh.

Nếu nhà trường lựa chọn đơn vị không có năng lực hoặc thiếu kiểm tra giám sát việc cung cấp dịch vụ hoặc biết chất lượng thức ăn không đảm bảo, hiệu trưởng sẽ bị xử lý theo quy định của luật cán bộ công chức, thậm chí có thể bị khởi tố hình sự. Cụ thể, hiệu trưởng có thể bị xem xét khởi tố với vai trò đồng phạm theo Điều 317 Bộ Luật Hình sự về Vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu biết rõ đơn vị cung cấp dịch vụ cung cấp suất ăn không đảm bảo chất lượng.

Luật sư Hùng bày tỏ, lâu nay, ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi lo chung của toàn xã hội, đặc biệt ngộ độc thực phẩm trong nhà trường gây tâm lý hoang mang, bất an cho phụ huynh. Rất nhiều vụ việc phụ huynh lên tiếng phản ánh về chất lượng suất ăn bán trú ở địa phương. 

Về nguyên tắc, nhà trường có tổ chức bữa ăn bán trú sẽ đặt hàng cơ sở kinh doanh thực phẩm. Vì thế, phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của những cơ sở này. Nếu nhà trường thiếu trách nhiệm, bữa ăn bán trú vẫn bị bỏ ngỏ và tình trạng ngộ độc tập thể không chấm dứt.

Từ vụ việc đáng tiếc tại iSchool Nha Trang, luật sư Hùng cho rằng, ở độ tuổi của học sinh, việc ngộ động làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và quá trình phát triển của các em. Chính vì vậy, rất cần những người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm và có tâm, chú trọng hơn trong vấn để quản lý, kiểm duyệt suất ăn cho học sinh để những sự việc đau lòng không xảy ra.

Ngày 27/11, Trường iSchool Nha Trang gửi thư xin lỗi đến phụ huynh, học sinh, thầy, cô giáo và nhân viên nhà trường.

Hiệu trưởng iSchool Nha Trang cho biết, qua tham vấn ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ, ý kiến của phụ huynh, sự đồng thuận của Sở GD&ĐT Khánh Hòa, Trường iSchool Nha Trang tổ chức cho học sinh đi học trở lại từ ngày 28/11. Tần suất học một buổi/ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu và không tổ chức bán trú.

Ban giám hiệu nhà trường cam kết xây dựng lại toàn bộ quy trình, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan hoạt động bán trú, cho khử khuẩn toàn trường, đặc biệt là khu vực bếp, nơi bảo quản thực phẩm và chứa dụng cụ làm bếp.

Nhà trường cũng sẽ tìm đối tác cung cấp suất ăn mới được cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời có văn bản cam kết về nguồn gốc và chất lượng bữa ăn. Trường cũng phối hợp chặt chẽ cùng đại diện cha mẹ học sinh tham gia bán trú, lập tổ giám sát thường xuyên.

Trước đó, ngày 23/11, Công an tỉnh Khánh Hòa xác định có dấu hiệu phạm tội trong vụ ngộ độc khiến hơn 600 học sinh trường iSchool Nha Trang nhập viện, một em tử vong nên đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự.

https://vtc.vn/ngo-doc-thuc-pham-tai-truong-ischool-nha-trang-ai-chiu-trach-nhiem-ar716287.html

 

NGUYỄN GIA / VTC News