Nhiều chính khách Philippines tỏ ra bất bình khi Tổng thống Duterte nói sẵn sàng gạt bỏ phán quyết Biển Đông để đổi lấy lợi ích kinh tế.
Trong cuộc phỏng vấn tối 10/9, ông Rodrigo Duterte cho biết tại cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh cuối tháng 8, nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ để Philippines hưởng phần lớn hơn trong đề xuất chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông theo tỷ lệ 60:40.
Đổi lại, Bắc Kinh muốn Manila gạt phán quyết Tòa trọng tài sang 1 bên.
"Đặt phán quyết sang một bên, chúng tôi sẽ cho phép mọi người kết nối với các công ty Trung Quốc", ông Duterte thuật lại lời của ông Tập.
Trước tuyên bố của Tổng thống, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định việc đảm bảo hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước không yêu cầu phải gạt phán quyết của Tòa Trọng tài sang một bên.
Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: EFE-EPA) |
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc gìn giữ các tài sản quốc gia, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quan trọng hơn nhiều so với các hoạt động kinh tế sắp tới ở EEZ. Khả năng hoạt động kinh tế tại EEZ vẫn luôn ở đó. Nhưng nếu chúng ta mất EEZ, chúng ta sẽ mất nó mãi mãi", ông del Rosario nói.
Vị cựu Ngoại trưởng Philippines dẫn ra một thống kê mới đây nói rằng 87% người Philippines tham gia một cuộc khảo sát kêu gọi chính quyền khẳng định quyền chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.
"Vì lợi ích của đất nước chúng ta, chính phủ phải lắng nghe người dân của mình. EEZ của Philippines không thuộc về Trung Quốc, nó thuộc về người Philippines, con cái chúng ta và các thế hệ người Philippines chưa được sinh ra. Theo quy định của Hiến pháp và là vấn đề danh dự quốc gia, người Philippines có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn quyền lợi của đất nước mình", ông nhấn mạnh.
Người kế nhiệm ông Rosario, Ngoại trưởng đương nhiệm Teodoro Locsin Jr. trong cuộc phỏng vấn với ANC mới đây khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài vượt lên trên thỏa hiệp, do đó không thể gạt sang một bên.
"Không thể gạt sang một bên. Đó là quyết định cuối cùng và ràng buộc tại tòa án quốc tế", ông Locsin nói, đề cập tới phán quyết Tòa Trọng tài đưa ra năm 2016 bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc.
"Nếu bạn muốn từ bỏ nó, bạn có thể từ bỏ nó nhưng phải chịu hậu quả", ông nói thêm.
Tháng 11/2018, Trung Quốc và Philippines ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí (MOU). Đề xuất phát triển tài nguyên chung ở Biển Đông cũng là một trong những chủ đề được thảo luận trong cuộc gặp song phương giữa ông Duterte và ông Tập tại Bắc Kinh cuối tháng trước.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí thành lập ban chỉ đạo thảo luận về các cách thức thực hiện MOU. Tuy nhiên, ông Tập vẫn khăng khăng rằng Trung Quốc sẽ không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài 2016.