'Cứ thấy ai bán bánh dày, cơm nắm ở Hà Nội là người Lạc Đạo' - cô Khanh, người bán bánh dày, cơm nắm gần 8 năm nay nói.
Cô Khanh bán cơm nắm, bánh dày và các loại quà sáng gần 8 năm nay. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Cung cấp cơm nắm, bánh dày cho khắp Hà Nội
Gần 8 năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, cứ 6 giờ 30 phút sáng, cô Khanh có mặt ở một góc phố Trần Duy Hưng (Hà Nội). Cô bày mẹt bánh dày giò, cơm nắm của mình ra phục vụ các khách hàng Thủ đô đi làm sớm.
Mẹt bánh của cô Khanh có đủ các thứ quà sáng: cơm nắm muối vừng, bánh dày giò, bánh chưng, bánh khoai, bánh khúc… và thêm cả mấy hộp sữa đậu nành. Khách hàng của cô là dân công sở, học sinh, sinh viên, xe ôm, đủ cả từ khách quen tới khách lạ.
\'Nhiều khách đi ô tô cũng dừng lại mua cơm nắm, bánh dày của tôi. Ăn vừa chắc bụng lại ngon, rẻ\' - cô Khanh, năm nay chừng 60 tuổi, chia sẻ trong lúc cắt miếng giò kẹp vào cặp bánh dày.
Hỏi ra mới biết, nhà cô ở tận xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên - cách chỗ cô ngồi bán bánh khoảng hơn 30 cây số. Để có mặt ở Trần Duy Hưng lúc 6 giờ 30 sáng, cô Khanh phải đi trước đó 1 tiếng đồng hồ.
\'Cả làng tôi đi bán bánh ngoài Hà Nội. Tôi với 2 đứa con gái sáng nào cũng đi xe máy ra đây. Mỗi người ngồi một phố. Một đứa ngồi ở Hoàng Đạo Thúy, một đứa ngồi ở Hoàng Minh Giám, còn tôi ngồi đây gần 8 năm nay\'.
Cô Khanh khoe, khắp các ngõ ngách Hà Nội đi đâu cũng gặp người Lạc Đạo. Người bán bánh dày, cơm nắm, người bán nem chua, giò chả, rượu… \'Làng tôi nhiều nghề lắm, từ làm bánh, bán bánh cho tới sản xuất loa thùng, bàn bi-a. Bọn trẻ thì đi làm công nhân cho công ty. Mỗi tháng thu nhập vài triệu thôi, nhưng còn đỡ vất vả hơn làm ruộng\' - cô kể.
Cả làng ngủ ngày cày đêm
Những chiếc bánh dày được nặn tay sau khi đã giã bằng máy. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Gia đình chị Dương Thị Lịch và anh Đỗ Văn Biên là một trong những hộ làm cơm nắm đầu tiên của xã Lạc Đạo. Chị Lịch cho biết, anh chị làm nghề đã được 23 năm nay.
\'Người đầu tiên nắm cơm đi bán ở xã này là cụ Đảo, hàng xóm nhà tôi. Giờ cụ đã mất. Ngày xưa, khi tàu đi qua ga Lạc Đạo, cụ Đảo thường nhảy lên tàu bán cho khách ở các ga. Người làng thấy cụ Đảo bán được hàng nên bắt chước và thành nghề từ đó\'.
Chị Lịch cho biết, làm cơm nắm không khó, chỉ cần nấu cơm nát, sau đó cho cơm vào vải xô, nặn tròn rồi ép cho thành miếng cơm dẹt.
Tuy nhiên, phải nắm cơm lúc còn đang nóng, để nguội sẽ bị khô, không nắm được. Loại gạo làm cơm nắm là gạo Khang Dân, không được trộn với loại khác, sẽ mất độ dẻo vừa phải. Cơm nắm chấm với muối vừng vừa lành bụng lại ngon.
\'Nhưng vì thời tiết nên cơm không để được lâu, để kịp bán sáng sớm người dân phải làm đêm. Mùa đông có thể làm sớm hơn mùa hè một chút\'.
Sau khi để bánh nguội, mỗi cặp bánh sẽ được bọc trong một chiếc lá dong, đóng thành từng túi. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Ngày xưa, nhà chị Lịch còn bán hàng nghìn nắm cơm. Hai vợ chồng phải làm cả đêm nên buổi sáng 9-10 giờ vẫn ngủ là chuyện bình thường. Bây giờ, sức khỏe yếu, hai vợ chồng lại bận trông cháu nên số lượng cơm nắm làm ra đã ít hơn nhiều.
Mỗi ngày chị làm khoảng 30kg gạo, mỗi cân nắm được khoảng 15-17 nắm cơm, cứ 100 nắm lại dùng mất hơn 1kg muối vừng.
Cô Khanh - người bán cơm nắm gần 8 năm nay cho biết, bây giờ cô không chỉ bán cơm nắm với muối vừng mà còn kèm theo miếng giò cho đỡ đơn điệu. Cứ mỗi nắm cơm hay cặp bánh dày kèm miếng giò đầy đặn, cô chỉ bán với giá 10 nghìn đồng. Bánh chưng, bánh khoai có giá 5 nghìn/chiếc.
Mỗi ngày, cô Khanh bán được 60-70 suất bánh các loại. Mỗi tháng thu nhập 3-4 triệu đồng, coi như thay việc đi cấy mà chỉ mất buổi sáng.
Khi được hỏi: \'Vì sao không bán đắt hơn?\', người phụ nữ có dáng vẻ tần tảo nói: ‘Không bán đắt được. Người ta ăn quen rồi’. Cô bảo, cứ ngày nào cũng hết hàng là thấy vui rồi.
Hàng chục nghề phụ
Con phố san sát nhà cao tầng ở trục đường chính của xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm nằm cách mặt đường quốc lộ 5 chừng 3-4km. Đầu xã là chiếc cổng chào to đẹp, vững chắc nằm trên con đường bê tông rộng rãi, 2 xe tải tránh nhau thoải mái.
Con đường trung tâm xã Lạc Đạo san sát nhà cao tầng, biệt thự, buôn bán nhộn nhịp không khác gì một con phố giữa lòng Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Đậu, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Đậu cho biết, xã có hơn 17 nghìn dân. Người dân trong xã làm rất nhiều nghề, từ làm bánh, bán bánh cho tới làm gỗ, sản xuất loa thùng, bàn bi-a, nấu rượu.
Theo ông Đậu, bây giờ dân làm nông nghiệp ít. Nghề nông cũng không còn là nghề chủ đạo kinh tế gia đình. Họ sản xuất bánh, còn lại là buôn bán, làm dịch vụ. Những người làm nông, thời gian nhàn rỗi có thể đi nặn bánh thuê, hoặc làm công ngày cho các cơ sở sản xuất khác.
\'Hiện trên địa bàn xã có 23 công ty. Nhiều người trẻ đi làm công nhân, thấp thì được 3-4 triệu/ tháng, nhiều thì 8-10 triệu. Số lượng xe ô tô con, xe tải của người dân trong xã lên tới khoảng hơn 300 chiếc. Mục đích sử dụng có cả đi lại và phục vụ cho việc buôn bán, sản xuất.
Có những gia đình 3-4 anh em chung nhau 1, 2 chiếc xe tải để chở hàng ra Hà Nội buôn bán. Nhìn chung, kinh tế của người dân trong xã tương đối ổn định, khá giả\' - ông Đạo cho hay.
Nhờ làm nhiều nghề phụ, kinh tế của người dân xã Lạc Đạo đi lên trông thấy. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Riêng nghề làm cơm nắm, bánh dày, ông Đạo cho biết đây là nghề lâu đời của người dân trong xã, đã có từ hơn 20 năm nay. Ngoài cơm nắm, bánh dày, các hộ gia đình còn làm thêm bánh chưng, bánh khúc, xôi, bánh khoai, bánh nếp, giò chả…. để bán kèm.
Cứ khoảng 3 rưỡi sáng, dọc con đường từ chợ Đậu đi xuống thôn Cầu và thôn Ngọc, xe máy xếp hàng đầy đường, người mua kẻ bán các món quà sáng để kịp ra Hà Nội đúng giờ đi làm, đi học.
Có những người bán qua trưa nhưng hầu hết 9-10 giờ là người dân Lạc Đạo lại đổ về nhà, ăn uống, ngủ nghỉ và chuẩn bị cho mẻ bánh ngày hôm sau.
Người không làm bánh thì mua lại của những hộ sản xuất lớn. Những hộ này sản xuất tới hàng nghìn chiếc bánh mỗi ngày. Công việc bắt đầu từ 1-2 giờ chiều cho tới nửa đêm mới xong. Vì thế, chuyện thức đêm, sáng ra ngủ bù là rất bình thường với người dân Lạc Đạo.
Nguyễn Thảo
Cơm nắm và những món đẹp không nỡ ăn từ hoa anh đào Nhật Bản Loài hoa anh đào lâu nay đã trở thành nguyên liệu chính trong nhiều món ăn ở xứ sở Phù Tang. Sự tinh tế trong ... |