Những chỉ số tài chính sụt giảm của Đường Quảng Ngãi báo hiệu xu hướng cạnh tranh ngày càng gia tăng tại phân khúc sữa đậu nành.
Là doanh nghiệp đứng đầu mảng kinh doanh sữa đậu nành có thương hiệu, tuy nhiên Công ty cổ phần Đường Quãng Ngãi (mã CK: QNS) - đơn vị sở hữu 2 thương hiệu Fami và VinaSoy, vừa ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm tại phân khúc này - lần đầu tiên trong nhiều năm tăng trưởng nóng gần đây.
Theo báo cáo tài chính bán niên mới công bố, dù doanh thu mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi tăng 5% trong 6 tháng đầu năm, nhưng lợi nhuận gộp giảm gần 4%. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm từ 36,3% xuống 33,4%.
Trước đó, năm 2016 doanh thu của mảng kinh doanh này cũng lần đầu tiên sụt giảm sau một giai đoạn tăng trưởng liên tục. Doanh thu sữa đậu nành của công ty ghi nhận 3.683 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, Đường Quảng Ngãi đã có nhiều năm liên tục tăng trưởng nhờ giữ vị thế dẫn đầu “tuyệt đối” với ngành hàng này tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2016 áp lực cạnh tranh trên thị trường đã tăng lên đáng kể khiến tốc độ tăng trưởng sản lượng của công ty sụt giảm. Vị thế "ngôi vương" của Fami và VinaSoy cũng bị đe dọa với nhiều tân binh mới gia nhập.
Dù vẫn giữ vị thế dẫn đầu nhưng sữa đậu nành không còn là thị trường ngách dành riêng cho Đường Quảng Ngãi. |
Đường Quảng Ngãi thâm nhập thị trường sữa từ năm 1997 với việc thành lập VinaSoy thuộc nhà máy sữa Trường Xuân. Khởi đầu, công ty sản xuất nhiều sản phẩm như sữa tươi tiệt trùng, sữa chua, kem, và sữa đậu nành. Dù vậy, hoạt động kinh doanh của lĩnh vực này không mấy thuận lợi. Các sản phẩm của công ty vấp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn hơn nhiều như Vinamilk và FrieslandCampina với thương hiệu Dutch Lady.
Chật vật kinh doanh trong 3 năm tưởng chừng ép VinaSoy đến bước đường phá sản, nhưng "gió đã đổi chiều" vào năm 2001. Khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ chọn công ty sản xuất sữa đậu nành cho chương trình “dinh dưỡng học đường” tại Việt Nam với sản phẩm Fami. Mảng sữa của Đường Quảng Ngãi không chỉ được cứu, mà đây cũng là điểm khởi đầu cho việc thay đổi chiến lược kinh doanh của công ty.
Nhận thấy phân khúc sữa đậu nành là thị trường ngách với tiềm năng phát triển tốt, trong khi các phân khúc khác vấp phải sự cạnh tranh gay gắt, Đường Quảng Ngãi đã chớp lấy cơ hội thay đổi. Loại bỏ hầu hết các sản phẩm sữa trước đó, mảng kinh doanh này của công ty chỉ tập trung vào duy nhất phân khúc thị trường sữa đậu nành có thương hiệu - thời điểm đó không có doanh nghiệp lớn nào sản xuất sản phẩm này.
Chỉ sau 7 năm, năm 2010 Đường Quảng Ngãi đã vươn lên vị thế dẫn đầu thị trường sữa đậu nành có thương hiệu với thị phần hơn 50%, theo số liệu của Nielsen. Trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, thị phần của công ty tăng lên 84% với doanh thu tăng gấp 6 lần.
Tuy nhiên, sữa đậu nành sẽ không còn là thị trường ngách với riêng Đường Quảng Ngãi khi nhiều thương hiệu lớn đã bắt đầu rục rịch tham gia.
Năm 2015 thị trường chỉ có 4 nhà sản xuất chính là Đường Quảng Ngãi, Vinamilk, Tribeco và Tân Hiệp Phát. Trong đó riêng Đường Quảng Ngãi đã chiếm hơn 80% thị phần, 3 đơn vị còn lại chiếm 20%. Thì đến năm 2016, Nutifood đánh dấu sự có mặt tại phân khúc này với sản phẩm Nuti Canxi. Các thương hiệu nước ngoài khác cũng rục rịch mở rộng thị trường tại Việt Nam như Vitasoy, Homesoy hay Soy Secretz.
Điều này không hẳn không có căn cứ khi tiềm năng thị trường của sữa đậu nành có thương hiệu đang rộng mở. Theo nghiên cứu của A.S.Louken, người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng sản phẩm sữa đậu nành nhiều chỉ sau các sản phẩm nước trái cây. Nhờ xu hướng tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, giàu dinh dưỡng giúp cho ngành hàng này tăng trưởng 17% trong giai đoạn 2011-2016.
Tuy nhiên, dù Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều sữa đậu nành nhất thế giới theo số liệu của Tetra Pak, thì chỉ có một phần ba là sữa đậu nành có thương hiệu, phần còn lại chủ yếu là sữa tự nấu.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính, sản phẩm sữa đậu nành có thương hiệu sẽ đạt mức tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 9,2% mỗi năm từ 2016 đến 2026, dù giả định quy mô tiêu thụ toàn thị trường không đổi.
Nhiều "ông lớn" trên thị trường đã bắt đầu dòm ngó thị trường này, tạo áp lực đáng kể lên Đường Quảng Ngãi. Theo VDSC, một trong những rủi ro với công ty là danh mục sản phẩm hiện tại chưa đủ đa dạng để tăng sức cạnh tranh.
"Đường Quảng Ngãi hiện chỉ có Fami Socola và Vinasoy mè đen bên cạnh hương vị truyền thống là đậu nành. Trong khi ở những thị trường khác, các doanh nghiệp sản xuất sữa đậu nành như Alpro, Vitaysoy có 5, 6 sản phẩm khác nhau liên quan đến sữa đậu nành", báo cáo của VDSC viết.
Doanh thu sữa đậu nành trong 6 tháng đầu năm đạt 1.843 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ, nhưng chủ yếu nhờ sản lượng tăng 5,8% so với cùng kỳ trong khi giá bán bình quân giảm 1%. Áp lực cạnh tranh thể hiện rõ ràng khi lợi nhuận trước thuế mảng kinh doanh này chỉ tăng 0,7% do tăng chi phí.
Theo VCSC, một rủi ro khác với Đường Quảng Ngãi là việc cải tiến sản phẩm. Vì Đường Quảng Ngãi có thị phần lên đến 84% trên thị trường sữa đậu nành có thương hiệu, triển vọng của mảng kinh doanh này sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hút người tiêu dùng chuyển từ sữa đậu nành không có thương hiệu sang tiêu thụ sản phẩm có thương hiệu.
"Điều này lại tùy thuộc vào khả năng đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm. Vì từ năm 2013 đến nay, công ty không đạt được thành công nào trong khía cạnh này nên chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng", báo cáo VCSC viết.
Với quy mô lớn và thị phần gần như tuyệt đối, việc đánh bật Đường Quãng Ngãi tại thị trường sữa đậu nành là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh đang gia tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kỳ vọng tăng trưởng của công ty - điều mà theo VDSC đã khiến giá cổ phiếu của Đường Quảng Ngãi giảm mạnh trong thời gian gần đây.
(http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/ngoi-vuong-cua-fami-va-vinasoy-lung-lay-3634367.html)