Theo đề nghị của Bộ Tài chính, có thể đến ngày 15-11 hoặc 1-12 tới đây, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ. Thời điểm này, không chỉ khách hàng mà các đại lý ô tô cũng đang mòn mỏi ngóng chính sách được hiện thực hóa.
Các khách hàng và đại lý xe đều đang sốt ruột chờ đợi thời điểm chính thức được giảm 50% lệ phí trước bạ |
“Giờ G” sắp điểm?
Theo dự thảo Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được Bộ Tài chính trình Chính phủ, mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ bằng 50% mức thu hiện hành.
Dự kiến thời gian thực hiện chính sách và hiệu lực thi hành của Nghị định từ ngày 15-11-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15-11-2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định được quy định từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022. Như vậy, nếu theo đúng lộ trình này, chỉ còn ít ngày nữa là người mua xe sẽ được hưởng chính sách giảm lệ phí trước bạ, theo đó chi phí lăn bánh của mỗi chiếc xe ô tô có thể giảm từ chục triệu đến cả trăm triệu đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Đáng nói, Bộ Tài chính cho rằng chính sách này vẫn sẽ tác động tăng tổng thu ngân sách Nhà nước bởi dù việc giảm 50% mức thu LPTB sẽ làm giảm số thu LPTB theo chính sách, nhưng do số lượng xe ô tô tiêu thụ tăng lên nên tổng số thu ngân sách Nhà nước về LPTB, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng vẫn tăng lên.
Trên thực tế, trước đó, Chính phủ cũng đã áp dụng chính sách giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, ngày 28-6-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28-6-2020 đến hết ngày 31-12-2020. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, với chính sách này, lượng xe trong nước tiêu thụ tăng mạnh, có tháng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Qua đó, sau 6 tháng áp dụng, số thu thuế cho ngân sách Nhà nước từ ô tô đã tăng hơn 11.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 47,1%. Trong đó, riêng thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế Giá trị gia tăng (VAT) tăng hơn 8.200 tỉ đồng, tăng thu phí lệ phí trước bạ của các địa phương là hơn 3.000 tỉ đồng.
Hãng xe rục rịch tăng giá, khách hàng tranh thủ đặt cọc
Nếu việc giảm LPTB lần này được thông qua sẽ là thông tin rất vui và là “cú hích” lớn với thị trường ô tô nội. Vì khoảng thời gian cuối năm thường là lúc nhiều người mua sắm xe nhất, đặc biệt là sau thời gian dài thị trường ô tô chững lại vì dịch bệnh, nhu cầu mua xe bị “kìm nén”. Tuy nhiên, việc chính sách chưa chính thức được thông qua, khiến cả khách hàng lẫn các đại lý ô tô đều “thấp thỏm” chờ đợi.
Đến thời điểm này, rất nhiều dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã rục rịch tăng giá. Nguyên nhân được các đại lý cho biết, trong thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để khuyến khích tiêu thụ các đại lý đã giảm giá bán tối đa, thậm chí nhiều dòng xe phải chịu bán lỗ để đẩy hàng. |
Anh Đinh Hữu Sang (phường Thượng Thanh, Long Biên) cho biết, ngay từ cuối tháng 10, khi nghe tin tức đầu tiền về việc có thể được giảm LPTB, anh đã đi khảo sát tại nhiều đại lý xe khác nhau. Sau khi tham khảo, anh quyết định ký hợp đồng đặt cọc một chiếc Hyundai Santafe để giữ giá, vì theo đại lý xe kể từ tháng 11 giá các dòng xe Hyndai sẽ tăng giá hoặc cắt giảm khuyến mại.
Nguyên nhân tăng giá xe được các đại lý cho biết là do trong suốt giai đoạn dịch bệnh, đại lý đã chấp nhận giảm giá, thậm chí bán lỗ để giữ doanh số, nay sẽ phải tăng giá trở lại.
“Gia đình chúng tội lựa chọn ký hợp đồng đặt cọc sớm nhưng lấy xe sau để được hưởng ưu đãi kép. Tức là chúng tôi được mua xe với giá rẻ hơn khoảng hơn 40 triệu đồng so với mua sau thời điểm tháng 11 do chính sách hỗ trợ của hãng. Đồng thời đợi đến khi chính sách giảm LPTB có hiệu lực sẽ chính thức ký hợp đồng mua và đăng ký xe. Như vậy, chúng tôi có thể giảm thêm gần 70 triệu đồng lệ phí trước bạ nữa” - anh Sang cho biết.
Cũng giống như anh Sang, rất nhiều khách hàng cũng lựa chọn đặt cọc hoặc thậm chí thanh toán toàn bộ giá trị xe, nhưng chờ đến khi chính sách có hiệu lực mới ký hợp đồng mua bán chính thức, xuất hóa đơn và nhận xe làm thủ tục đăng ký. Đặc biệt, những ngày gần đây, khi thời điểm sớm nhất mà việc giảm LPTB có khả năng được hiện thực hóa, lượng khách tại các đại lý ô tô tăng mạnh, đa phần khách hàng khảo sát, tìm hiểu để đón đầu chính sách.
Theo Lê Thanh Bình - một nhân viên phụ trách marketing ô tô, riêng ngày cuối tuần (13-11), lượng khách tại showroom ô tô của anh tăng đột biến tới gần 30 lượt. Trong khi cả vài tháng trước đó chỉ lác đác vài lượt khách mỗi ngày và những khách hàng mua xe thời điểm đó thì 100% chỉ ký hợp đồng đặt cọc mà chưa nhận xe. “Khách hàng tăng có thể do họ có niềm tin rằng, thời gian áp dụng chính sách giảm LPTB chỉ khoảng ngày 15-11, hoặc muộn nhất là đầu tháng 12” - anh Bình nói.
Lượng khách đông ngoài dự báo khiến nhiều đại lý xe “trở tay không kịp”. Anh Bình cho biết đến thời điểm này, lượng xe trong kho của đại lý hầu hết là xe đã ký hợp đồng nhưng khách hàng chưa nhận bàn giao. Số xe có thể bán được không còn nhiều, trong khi kế hoạch trả xe của nhà máy cũng khó mà đáp ứng nếu nhu cầu tăng đột biến. “Bản thân chúng tôi trước đây cũng đã phải dự phòng rủi ro trong kế hoạch đặt xe với nhà máy, do dịch bệnh nên lượng xe đặt cũng hạn chế. Kể cả bây giờ đặt xe thì cũng phải 2 tháng sau nhà máy mới trả xe. Vì vậy, nếu chính sách LPTB rõ ràng, nhu cầu khách hàng tăng đột biến thì chắc chắn chúng tôi sẽ thiếu xe, khách hàng sẽ phải chờ, chưa kể giá có thể tăng” - anh Bình nói.
Theo khảo sát của phóng viên, đến thời điểm này, rất nhiều dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã rục rịch tăng giá. Nguyên nhân được các đại lý cho biết, trong thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để khuyến khích tiêu thụ các đại lý đã giảm giá bán tối đa, thậm chí nhiều dòng xe phải chịu bán lỗ để đẩy hàng. Chưa kể bản thân hãng cũng có chính sách giảm giá, khuyến mại cho một số dòng xe. Khi tiêu thụ tăng trở lại, các đại lý và hãng xe sẽ phải tăng giá nhằm bù đắp chi phí trước đó. Cùng với đó, việc khan hiếm xe hơn cũng khiến giá thành xe nhích tăng.
Đề xuất giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ ô tô Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ... |