Từ khi Thông tư 26 cho phép kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính trên 30 ngày, người bệnh như trút được gánh nặng, không còn phải tái khám mỗi tháng một lần.

Suốt hơn 10 năm điều trị tăng huyết áp, bà Lê Thị Mười (75 tuổi, Hà Nội) chưa thấy khi nào nhẹ nhõm như đầu tháng 7 vừa rồi - khi lần đầu cầm trên tay đơn thuốc có thời hạn ba tháng. Theo quy định cũ, đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính chỉ được kê tối đa 30 ngày. Hết thuốc, bà Mười lại phải lặn lội gần 8 km, chen chúc chờ khám chỉ để lấy một tờ giấy kê lại y hệt đơn thuốc cũ.

“Mỗi lần đi lấy thuốc là cuộc hành trình. Khám thì vài phút, chờ đợi có khi mất cả sáng, về đến nhà là mệt lử”, bà nhớ lại.

Mọi chuyện chỉ thay đổi sau khi Thông tư 26/2025 của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1/7, cho phép bác sĩ tuyến xã kê đơn điều trị các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường với thời hạn trên 30 ngày nếu tình trạng bệnh ổn định. Cuối tháng 5, trong lần tái khám, bà được bác sĩ thông báo sắp được cấp thuốc dài hạn. Đến đầu tháng 7, điều đó thành hiện thực.

“Cứ tưởng mình nghe nhầm, từ giờ không còn phải chạy đua từng tháng để lấy thuốc nữa”, bà rưng rưng kể.

Là công nhân kỹ thuật trong xưởng cơ khí, suốt 6 năm qua, anh Nguyễn Văn Bằng (55 tuổi, phường Cửa Nam, Hà Nội) gắn bó với thuốc tiểu đường và những lần xin nghỉ làm nửa ngày để tái khám.

“Có lần bận quá quên lịch khám, không có thuốc, người rã rời, choáng váng cả tuần”, anh kể. Giờ đây, nhờ chính sách mới, bác sĩ kê đơn cho anh dùng gần hai tháng. Anh chủ động theo dõi đường huyết bằng máy đo tại nhà và ghi lại chỉ số để cung cấp cho bác sĩ trong các buổi khám sau. “Cảm giác như được giải phóng vậy”, anh nói.

Nhóm bệnh nhân mạn tính thường là người già, đi lại khó khăn. (Ảnh minh hoạ: Như Loan)

Nhóm bệnh nhân mạn tính thường là người già, đi lại khó khăn. (Ảnh minh hoạ: Như Loan)

Từ ngày 1/7, Thông tư 26/2025 của Bộ Y tế có hiệu lực, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong điều trị bệnh mạn tính. Thay vì chỉ được kê đơn tối đa 30 ngày như quy định cũ, bệnh nhân nay có thể được cấp thuốc dài ngày lên đến 90 ngày nếu tình trạng sức khỏe ổn định.

Danh mục được mở rộng với 16 nhóm bệnh không lây nhiễm, bao gồm nhiễm trùng, ký sinh trùng, rối loạn máu, bệnh nội tiết, tâm thần, dinh dưỡng – chuyển hóa.

 

Các bệnh thường gặp như tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, COPD, trầm cảm, rối loạn lo âu cũng nằm trong danh sách. Ngoài ra, các bệnh như viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ, Thalassemia, xơ cứng teo cơ bên... cũng được áp dụng.

Thời gian kê đơn cụ thể sẽ do bác sĩ quyết định, dựa trên tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, tối đa không quá ba tháng.

TS.BS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết danh mục này được xây dựng dựa trên góp ý từ hơn 20 bệnh viện tuyến cuối và thông qua hội đồng chuyên môn thẩm định. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh không phải cứ mắc bệnh trong danh mục là được cấp thuốc 90 ngày; bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để kê đơn phù hợp, có thể 30, 60 hoặc 90 ngày.

Trước đó, theo Thông tư 52/2017, bệnh nhân mạn tính dù ổn định vẫn phải đến bệnh viện mỗi tháng để nhận lại đơn thuốc y hệt, một quy trình gây nhiều phiền toái, đặc biệt với người cao tuổi, đi lại khó khăn.

Các bác sĩ cho rằng, với những bệnh đã kiểm soát tốt, phác đồ điều trị ổn định, việc kê đơn dài ngày là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng khi thuốc sử dụng an toàn, không yêu cầu xét nghiệm thường xuyên. Đồng thời, người bệnh cần được tư vấn cụ thể để theo dõi sức khỏe tại nhà, đảm bảo không bỏ sót các dấu hiệu bất thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, nhóm bệnh nhân mạn tính thường là người già, thu nhập thấp, đi lại khó khăn, lại có nhiều bệnh đồng mắc.

“Việc kê đơn trên 30 ngày giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm nguy cơ lây nhiễm tại bệnh viện và tăng tính tuân thủ điều trị”, bác sĩ Bảy phân tích.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nguy cơ người bệnh chủ quan, bỏ thuốc, ăn uống thất thường hoặc quên ngày khám lại. “Ổn định không có nghĩa là khỏi hẳn. Bệnh mạn tính là cuộc chiến dài hơi”, ông nói.

Để triển khai hiệu quả, các cơ sở y tế cần chuẩn bị nguồn thuốc gấp 2-3 lần, đảm bảo nhân lực và hệ thống công nghệ thông tin kết nối liên thông từ phòng khám đến kho thuốc. Bác sĩ cần đánh giá kỹ từng bệnh nhân, lập lịch tái khám rõ ràng, hướng dẫn chi tiết cách theo dõi bệnh tại nhà và cung cấp kênh liên lạc như hotline hoặc Zalo để hỗ trợ khi cần.

https://vtcnews.vn/nguoi-benh-man-tinh-nhe-ganh-khi-khong-con-chay-dua-tung-thang-de-lay-thuoc-ar953247.html

Như Loan / VTC News