Sau vụ tai nạn tàu hỏa chết người ở miền Trung Hy Lạp, nỗi đau buồn đã trở thành cơn thịnh nộ của người dân đối với các chính phủ trong quá khứ và hiện tại. Với các cuộc bầu cử đang đến gần, chính quyền hiện tại đang nỗ lực kiểm soát thiệt hại.
- Vụ va chạm tàu ở Hy Lạp: Nhiều thi thể không nguyên vẹn, phải xét nghiệm ADN để nhận dạng
- Hai tàu hoả đâm trực diện ở Hy Lạp, ít nhất 29 người thiệt mạng
Hàng trăm nghìn người Hy Lạp phản đối những chính sách sai lầm dẫn đến thảm kịch đường sắt |
Dòng chữ “57 người chết” được in bằng mực đỏ được dán trên áo len một phụ nữ 58 tuổi ở Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai ở Hy Lạp. Đó là số người thiệt mạng trong vụ va chạm kinh hoàng khi hai đoàn tàu chạy với tốc độ cao đâm trực diện ngay bên ngoài làng Tempi gần thành phố Larissa vào tối 28-2. Người phụ nữ này chỉ là một trong số hàng trăm nghìn người xuống đường tại hơn 50 thị trấn và thành phố trên khắp Hy Lạp hôm 8-3. Đối với bà và 20.000 người khác xuống đường ở trung tâm thành phố Thessaloniki, toàn bộ hệ thống chính trị phải nhận trách nhiệm về vụ tai nạn thảm khốc đó.
Những ngày này, không phải các chính trị gia mà tiếng nói của các thành viên công đoàn như ông Thodoris Varidakis được lắng nghe hơn cả. Ông Varidakis chịu trách nhiệm bảo trì xe lửa tại Công ty xe lửa tư nhân Hellenic và nhiều năm liền ông đã nói lên thực trạng nhức nhối của ngành. Ông Varidakis nói rằng công ty thường xuyên thiếu vốn và thiếu nhân sự, nhưng không ai làm gì cả. Ông bác bỏ những động thái của chính phủ sau vụ tai nạn. “Việc để một bộ trưởng từ chức là chưa đủ. Không thể chấp nhận được vào ngày xảy ra tai nạn, Thủ tướng đã chỉ tay vào trưởng ga và đổ lỗi cho anh ta”, ông Thodoris Varidakis giận dữ nói, đồng thời cảnh báo rằng sự an toàn của các phương tiện giao thông khác như xe buýt, máy bay và tàu thủy… cũng đã bị bỏ quên.
Hầu như ngày nào các phương tiện truyền thông Hy Lạp cũng tiết lộ về tình trạng thảm khốc của hệ thống đường sắt nước này. Tờ Kathimerini gần đây đã đưa tin về những sai sót trong quá trình hiện đại hóa hệ thống điều hành và tín hiệu tự động, được biết đến từ năm 2018. Các hệ thống an toàn hiện đại được sử dụng để xác định lỗi của con người và ngăn ngừa hậu quả tiêu cực đã được lắp đặt từ lâu nhưng không hoạt động trên tuyến đường xảy ra vụ va chạm. Tờ Kathimerini kết luận rằng nếu hệ thống được triển khai đúng cách thì đã không có tai nạn xảy ra. Đáng chú ý là các chính phủ kế tiếp đã thờ ơ với vấn đề này.
Đối với nhiều người ở Hy Lạp, vụ tai nạn là biểu tượng của sự quản lý yếu kém và một loạt quyết định sai lầm của giới tinh hoa chính trị. Đường xấu, xe buýt cũ, lưới điện đứt đoạn… hầu hết người dân Hy Lạp miễn cưỡng chấp nhận những điều này, nhưng cái chết của 57 người không thể đơn giản bị gạt ra khỏi danh sách những thất bại về mặt điều hành. Hy vọng của nhiều người Hy Lạp đặt vào chức vụ Thủ tướng của ông Kyriakos Mitsotakis giờ đã nhường chỗ cho sự phẫn nộ và thất vọng, bởi họ không nhận được gì ngoài những lời hứa hẹn về sự tiến bộ và hiện đại hóa đã đưa ông Mitsotakis lên nắm quyền vào mùa hè năm 2019.
Ngày bầu cử năm nay vẫn chưa được ấn định. Mặc dù ban đầu người ta nói về ngày 9-4, nhưng kỳ bầu cử dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7. Theo các cuộc thăm dò ý kiến đầu tiên kể từ sau vụ tai nạn, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng của Thủ tướng Mitsotakis chỉ còn dưới 30%. Cố vấn chính trị Wolfango Piccoli, người chuyên về quản lý rủi ro và khủng hoảng nhận định: “Chính phủ đã quản lý khủng hoảng sai ngay từ đầu, tìm người để đổ lỗi. Sau đó, chúng tôi thấy Bộ trưởng Giao thông từ chức, nhưng không nhiều hơn thế nữa. Tôi nghĩ họ đã hiểu sai dư luận. Đối với chính phủ, khi cuộc bầu cử đang đến gần, họ cần xoa dịu cảm giác tức giận này, nhưng lại phải hết sức cẩn thận để không phô trương quá nhiều. Họ đang ở trong một không gian rất chật hẹp”.
https://www.anninhthudo.vn/nguoi-dan-hy-lap-tuc-gian-sau-tai-nan-duong-sat-tham-khoc-post534035.antd