Những trận động đất mật độ ngày càng dày, cường độ có xu hướng mạnh dần khiến cuộc sống người dân ở vùng tâm chấn đảo lộn, ai cũng mang trong mình tâm thế bất an.
Chỉ trong vòng bốn ngày từ 15 đến 18/4, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra 21 trận động đất với cường độ khác nhau. Trận động đất mạnh nhất những ngày qua có độ lớn 4,5 độ, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, hồi 12 giờ 54 phút 22 giây trưa 18/4.
Một ngày sau trận động đất này, cuộc sống của người dân nơi đây đã trở lại bình thường song trên khuôn mặt của họ vẫn lộ vẻ lo lắng, bất an. Còn những căn nhà ở đây đã có dấu hiệu bị nứt, nghiêng sau trận động đất cường độ lớn chưa từng có ở khu vực này.
Phụ chồng lợp căn nhà gỗ mới làm, chị Y Long (29 tuổi) chỉ dám đứng bên ngoài, lúc nào cần chị mới vào bên trong, với tâm thế cảnh giác. "Căn nhà mới dựng, phải thận trọng chứ không động đất mạnh dễ bị sập", chị Long nói và cho biết vẫn còn ám ảnh với trận động đất hồi 13h chiều 18/4.
Thời điểm này, chị đang cùng chồng ngồi ăn cơm trong căn nhà sàn ở thôn Đăk Tăng, bất ngờ có tiếng động rất lớn vang lên, sau đó mọi thứ trong nhà đều rung lắc, bát dĩa, nồi cơm dịch chuyển. "Cả hai vợ chồng sợ hãi, thả vội bát cơm chạy khỏi nhà, ra bãi đất trống phía trước trong hoảng loạn. Lúc ấy, tôi thấy đất dưới chân mình như sắp sụp xuống", chị Long nhớ lại.
Khoảng 20 giây sau, mọi thứ bình yên trở lại, vợ chồng chị Y Long mới dám quay lại vào nhà. Lo lắng cho hai con gái (6 tuổi và 12 tuổi) đang đi học, chị Y Long gọi ngay cho cô giáo để hỏi thăm tình hình. Còn chồng chị thì nhanh tay dọn dẹp mâm cơm vương vãi khắp sàn và đồ đạc từ trên bàn rơi xuống.
"Những trận động đất xảy ra liên tục như thời gian qua, chủ yếu lúc 9-10h, 20-21h khiến cuộc sống gia đình không còn bình yên. Lúc ở nhà hoặc trên nương, vợ chồng tôi cứ thấp thỏm lo cho an toàn hai đứa con", chị Y Long lo lắng.
Cách nhà chị Long khoảng 500 mét, bà Y Xuân (49 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng vì những trận động đất xảy ra liên tục. Bà Xuân cho biết mấy ngày gần đây, chưa đêm nào bà được ngủ ngon giấc. "Đêm nào tôi cũng giật mình tỉnh giấc vì ám ảnh bởi những cơn động đất vừa qua. Đêm không dám ngủ vì sợ nhà sập. Ban ngày lên rừng làm, thấy cây cối rung chuyển, cành cây rơi gãy cũng không yên tâm chút nào", bà Xuân rầu rĩ.
Gia đình của bà Xuân trước đây nằm trong diện di dời do ảnh hưởng của lòng hồ thủy điện thượng Kon Tum. Năm 2016, gia đình bà chuyển lên khu tái định cư Đăk Tăng. Những tưởng sẽ được ổn định cuộc sống thế nhưng khoảng một năm trở lại đây bà bắt đẩu cảm nhận sự rung lắc do động đất. Nền nhà xuất hiện vết nứt dài hơn một mét càng khiến bà lo lắng, bất an bội phần.
Ông Nguyễn Văn Bay, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, cho biết thời gian trước động đất có xảy ra nhưng cường độ nhẹ, nhưng đến tháng 4 sự rung lắc mạnh hơn. Chưa ghi nhận thiệt hại về tài sản và tính mạng, song người dân hoang mang, lo lắng vì tần suất động đất liên tục. Xã đã tăng cường tuyên truyền với người dân khi ứng phó với các cấp của động đất để họ yên tâm.
Trong khi đó, theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, vào ngày 4/1 trên địa bàn huyện có 5 xã (Đăk Tăng, Măng Bút, Ngọc Tem, Măng Đen, Măng Cành) bị ảnh hưởng bởi dư chấn động đất 3,6 độ, kéo dài khoảng 3 giây. Sau đó, số lần dư chấn động đất thêm nhiều đợt kéo dài đến ngày 6/1. Các đợt dư chấn không gây thiệt hại về người nhưng làm nứt vách tường một số phòng bán trú, phòng học ở trường phổ thông dân tộc bán trú Đăk Nên và trường tiểu học Đăk Ring.
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh kon Tum cho biết, những trận động đất như vừa qua chưa gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên với tần suất động đất ở địa bàn ngày càng dày đặc, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương bám sát tình hình để có phản ứng kịp thời. Trước mắt là chuẩn bị các phương án để ứng phó.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa họp với các bộ, ngành, chuyên gia để ứng phó các tình huống có thể xảy ra do động đất ở tỉnh Kon Tum, hôm 19/4.
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho hay theo đánh giá sơ bộ, khả năng đây là động đất kích thích. Nghĩa là do đập thủy điện hay tác nhân nào đó tác động vào, kích hoạt tạo ra động đất. Gần đây thủy điện Thượng Kon Tum có tích nước, sau đó liên tiếp xảy ra các trận động đất. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác vẫn cần có nghiên cứu bài bản.
“Với tình huống hiện tại cần tiếp tục quan trắc hoạt động động đất, nghiên cứu các đứt gãy ở khu vực và vấn đề tích nước của các hồ”, ông Xuân Anh nhấn mạnh, đồng thời nhận định tại huyện Kon Plông thời gian tới có thể có động đất 5-5,5 độ Richter. Tuy nhiên, để có kết luận đầy đủ thì vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu.