Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các hãng nổi tiếng. Tuy nhiên tình trạng mua bán tràn lan các mặt hàng này vẫn không có dấu hiệu giảm đi.
- Mua hàng hiệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc: Đừng tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái
- Hàng giả, hàng nhái trên “chợ online”: Cách nào nhận biết?
- Sàn online tràn lan hàng giả, hàng nhái: Đừng đẩy trách nhiệm sang… “các bên”
Không chỉ được bán trên mạng, các loại hàng giả, kém chất lượng còn bày bán tràn lan trên các vỉa hè nhiều tuyến phố tại Hà Nội, khiến người tiêu dùng như bị lạc vào “ma trận”.
Tràn lan các “siêu thị di động”
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian gần đây, trên vỉa hè các tuyến đường, phố Hà Nội xuất hiện rất nhiều sạp hàng quần áo, giày dép, túi xách chăn ga gối đệm… mang nhãn mác các thương hiệu lớn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua tìm hiểu thực tế, người tiêu dùng đua nhau mua sắm, bất chấp lời cảnh báo về chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả. Đặc biệt các chủ bán hàng cũng bỏ ngoài tai sự kiểm soát của lực lượng chức năng, họ sẽ “ôm hàng” bỏ chạy khi bị kiểm tra.
Dọc theo đường Tố Hữu (quận Hà Đông), không khó để bắt gặp những “siêu thị di động”, tại đây được bày bán đủ loại mặt hàng như túi xách, giày dép, quần áo, mũ lưỡi chai, mũ bảo hiểm… Để mục sở thị, chúng tôi ghé một sạp hàng chuyên bày bán ba lô, túi du lịch và ví cầm tay…Tại đây, các loại túi đều mang thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton, Nike, Adidas… Giá cho mỗi sản phẩm chỉ vài chục nghìn đồng, đắt nhất cũng chỉ 100 nghìn đồng. Chị H (chủ sạp hàng) cho biết: “Ở đây có đủ loại túi xách, ba lô, ví da… đặc biệt là rất rẻ và thương hiệu nổi tiếng. Giá cũng rất bình dân. Em thích mua ủng hộ, mở hàng cho chị”.
Theo tiết lộ của chị H, những mặt hàng này chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, một đầu nậu lớn sẽ nhập về sau đó xuất cho những người bán nhỏ lẻ. Mỗi chiếc túi người bán lãi vài nghìn đồng, cao là vài chục nghìn đồng.
Tại tuyến đường Cienco 5 (đoạn khu đô thị Thanh Hà, Thanh Oai, Hà Nội) cũng là nơi ưa thích của những “siêu thị di động này”. Đủ các mặt hàng quần áo, giày dép, mũ nón và đều mang thương hiệu các hãng thời trang nổi tiếng như Adidas, Nike, Puma, điểm chung của các mặt hàng này là có giá rất rẻ. Theo quan sát, các cửa hàng này đặc biệt hút khách vào những khung giờ từ 16h30 khi người dân trên đường đi làm về. Chị Lê Thị Hương (cư dân khu đô thị Thanh Hà) cho biết: “Thực ra tôi biết tất cả những mặt hàng bán ở đây đều là hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn chọn mua vì giá rất rẻ, thuận tiện đi lại. Đa số những người mua sẽ không quan tâm nguồn gốc xuất xứ, họ chỉ quan tâm giá bao nhiêu và sản phẩm đó họ có cần hay không”.
Tại một sạp hàng chuyên bán giày da trên đường Cienco 5, khi chúng tôi có hỏi về nguồn gốc thì người bán cho hay, đây chủ yếu là các sản phẩm được gia công theo mẫu của các hãng nổi tiếng. Tuy nhiên khi mang ra vỉa hè bán thì chủ yếu là hàng lỗi trong quá trình sản xuất và được thanh lý với giá rẻ. “Sản phẩm được gia công cũng chia thành nhiều loại khác nhau như real 1, real 2 rồi fake 1, fake 2 thậm chí có cả fake 4. Điểm chung của các sản phẩm này đều không có nguồn gốc xuất xứ, thiếu tem, nhãn mác để đảm bảo chất lượng sản phẩm”, người bán hàng chia sẻ.
Tiếp tục đi thực tế khu vực vành đai 3, đoạn qua địa phận phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), các sạp hàng bán thắt lưng, ví da, ốp điện thoại với giá 50.000-100.000 đồng nhiều vô kể. Hàng gia dụng được quảng cáo là "hàng Nhật bãi" có giá từ vài chục nghìn đồng/sản phẩm. Anh Nguyễn Công Thế, người dân phường Yên Sở, chia sẻ: Hàng hóa tại đây được dán mác ngoại nhưng giá chỉ vài chục nghìn đồng, không biết chất lượng có được như lời giới thiệu hay không. “Tôi khẳng định đây là các loại hàng giả, hàng nhái thương hiệu, vì khi xem sản phẩm không có tem mác gì. Đặc biệt khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì họ dọn dẹp rất nhanh” - Anh Thế cho hay.
Thói quen lang thang mua sắm hàng giá rẻ vỉa hè dường như đã khá quen thuộc với người dân khu vực đường Cầu Diễn, đoạn qua phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm). Vào mỗi buổi chiều, nhiều xe ôtô chở hàng chục chiếc chăn, ga gối, đệm hay ba lô, va li đỗ ngay trên vỉa hè. Các thương hiệu nổi tiếng như chăn Yuki, đệm Everon, ba lô Adidas... đã đổ bộ “chợ vỉa hè” với giá rẻ chưa từng có. Cụ thể, chiếc chăn được giới thiệu là lông cừu chỉ 200.000-300.000 đồng/chiếc. Đệm Everon có giá 300.000-500.000 đồng/chiếc... Khi được hỏi về nguồn gốc sản phẩm, người bán hàng chỉ trả lời qua loa là hàng nhà máy. Trong khi đó, bất chấp cảnh báo hàng giả, nhái, người tiêu dùng vẫn xuống tiền mua hàng.
Các “siêu thị di động” này không chỉ xuất hiện tại khu vực đường quốc lộ, mà còn tại các con phố tấp nập khu vực nội thành. Tại ngã tư Hàng Đường - Lãn Ông cũng thường xuyên xuất hiện những ki ốt bán hàng mỹ phẩm. Theo quan sát của phóng viên, tại đây bày bán loạt nước hoa của các hãng nổi tiếng như Chanel, Gucci, Nina Ricci… Lọ nước hoa Chanel Chance 100ml bán với giá 350.000 đồng; Dior Sauvage EDP 100ml giá 400.000 đồng… Tại các cửa hàng chính hãng, giá nước hoa Chanel Chance 100ml là 4,5 triệu đồng, Dior Sauvage EDP 100ml 3,2 triệu đồng… Người bán hàng nói rằng, nước hoa là loại 1:1 (chuẩn như hàng hãng), chỉ là tỷ lệ pha loãng hơn nên giá rẻ hơn chính hãng. Ngoài mỹ phẩm, nước hoa, mặt hàng bày bán nhiều nhất là túi, giày dép, quần áo. Rất nhiều thương hiệu túi cao cấp bày bán theo kiểu đổ đống, đồng giá. Túi xách Chanel, Louis Vuitton, Dior… được treo đồng giá 150.000 đồng tấp nập người mua; giầy dép, quần áo thể thao hãng Nike, Adidas, Puma đồng giá 100.000 đồng…
Cần sự phối hợp của nhiều lực lượng
Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra với những hình thức ngày càng tinh vi hơn.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong năm 2023, toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.760 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hơn 18,121 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 17,857 tỷ đồng. Nhiều vụ việc vi phạm bị xử lý có tính răn đe cao nên không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, dự báo, năm 2024, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn vì lợi nhuận thu được lớn.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, khó khăn nhất trong công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… ở Hà Nội hiện nay là địa bàn quản lý rộng, phức tạp với nhiều kho tàng, bến bãi, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, gây khó khăn trong công tác nắm bắt, quản lý địa bàn. Mặt khác, nhiều đối tượng thuê kho, bãi sẵn sàng chống đối (không tiếp xúc, không làm việc), gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm soát địa bàn.
Theo ông Kiên, trước mắt, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường về tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện ký cam kết với các tổ chức, cá nhân không kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về các vụ việc vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả bị bắt giữ; cách phân biệt hàng giả, hàng nhái đến đông đảo nhân dân. Mặt khác, đơn vị sẽ phối hợp thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu để phục vụ tốt hơn công tác chống buôn lậu, hàng giả…
Tại một buổi tọa đàm về “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, vấn đề này ngày càng trở nên sôi động, phức tạp và tinh vi hơn. Trong khoảng một năm trở lại đây, Tổng cục Quản lý thị trường liên tiếp nhận được yêu cầu, những vấn đề thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.
“Đối với phương thức kinh doanh sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng giả xuất phát từ nguồn nhập lậu, thẩm lậu từ các nước có đường biên giới với Việt Nam vào trong thị trường nội địa và nguồn hàng giả được sản xuất ở ngay trong nước. Những vụ việc được bắt giữ chúng tôi đánh giá rằng vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay”, ông Linh cho biết.
Thời gian vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường được Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng nhiều văn bản ở cấp nghị định, thông tư để có biện pháp kiểm tra cũng như có những chế tài có thể răn đe đối với những đối tượng làm hàng giả và hầu hết những mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay đối với hàng giả đều là khung cao nhất.
“Về mặt thực thi chúng tôi có những cách tổ chức để chống hàng giả là xây dựng những tuyến trọng điểm, địa bàn trọng điểm. Trong địa bàn có những tụ điểm nào nổi cộm về hàng giả thì ưu tiên xử lý những tụ điểm ấy trước. Chúng ta đều biết ở Hà Nội có một thời gian rất dài ở khu vực Hoàn Kiếm, xung quanh Bờ Hồ, Hàng Gai, Hàng Bông, chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào… bán hàng giả rất nhiều và khách mua là những người du lịch trong nước và nước ngoài. Nhưng bây giờ chúng ta có thể thấy rằng tỷ lệ bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở những tuyến chúng tôi gọi là tuyến địa bàn nổi cộm đã giảm đi rất nhiều”, ông Linh nói.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về “Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ” như sau: Đối với hành vi lấn chiếm sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, rửa xe, treo biển hiệu, biển quảng cáo… hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.
https://antg.cand.com.vn/Phong-su/nguoi-dan-lac-vao-ma-tran-cua-hang-gia-hang-nhai-i731206/