Khu vực chôn lợn dịch của hộ dân ở ngoại thành Hà Nội nằm trong mảnh vườn rộng hơn 500 m2, cách khu dân cư khoảng 15 m.
Ngày 31/5, nhiều người dân tại thôn Cơ Giới, xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) phản đối việc chính quyền chôn hơn 6 tấn lợn mắc dịch tả châu Phi của hộ dân Lê Thị Nhung ngay trong vườn vào ngày 24/5.
"Chúng tôi không đồng ý khi một lượng lớn lợn dịch lại được chôn gần nhà dân, gần nguồn nước như vậy. Nhiều lợn như vậy không biết bao giờ mới phân hủy hết, nếu có rò rỉ thì sức khỏe của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng ra sao?", chị Trần Thị Hương Giang, người dân thôn Cơ Giới nói.
Điểm chôn dịch gần nhà dân ở Ba Vì. Ảnh: Người dân cung cấp |
Khu vực chôn lợn dịch nằm trong mảnh vườn rộng hơn 500 m2, hố chôn nằm trong góc vườn có đường kính 8 m, cách khu dân cư khoảng 15 m và gần nhiều giếng sinh hoạt của các hộ dân thôn Cơ Giới. Người dân nơi đây đề nghị chính quyền sớm có biện pháp di chuyển nơi chôn lấp.
Ông Nguyễn Đắc Nguyên, Chủ tịch UBND xã Thụy An cho biết, ổ dịch tại gia đình bà Nhung được xử lý theo phương châm 4 tại chỗ, chủ của ổ dịch đồng ý cho chôn tại vườn của gia đình mình, hiện không có mùi hôi thối.
"Luc đó chúng tôi xác định phải xử lý ngay không để dịch lây lan ra những hộ dân khác. Qúa trình chôn lấp cũng rất cẩn thận, có lớp bọc bên ngoài và đổ hóa chất đầy đủ", ông Nguyên nói.
Lãnh đạo xã Thụy An thừa nhận việc chôn lợn dịch gần nhà dân là không đúng theo quy định về khoảng cách chôn lấp động vật dịch bệnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. "Tuy nhiên, huyện Ba Vì cũng chưa có quy hoạch chôn lấp rõ ràng, nếu không chôn ở vườn nhà dân thì chúng tôi không biết chôn ở đâu?".
Điểm chôn lợn cách nhà dân khoảng 15 m. Ảnh: Người dân cung cấp |
Trả lời về kiến nghị di chuyển điểm chôn lợn, ông Nguyễn Đắc Nguyên cho rằng thời điểm hiện tại lợn đã bắt đầu phân hủy, việc di chuyển rất phức tạp. "Tôi khẳng định việc chôn lấp đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh. Tuy nhiên, xã cũng đã chuyển đề nghị lên huyện để tìm phương án xử lý thích hợp", ông Nguyên nói thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội cho biết chủ trương chống dịch là tiêu hủy chôn lấp tại chỗ tránh phát tán dịch khi vận chuyển, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ khoảng cách, độ sâu tránh ô nhiễm môi trường.
"Về trường hợp của xã Thụy An chúng tôi đã đề nghị xã phun thêm thuốc khử mùi và lấp đất sâu hơn", ông Sơn nói.
Xã Thụy An phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào ngày 18/4, đến nay xã này ghi nhận 9 hộ nuôi có dịch và tiêu hủy hơn 20 tấn lợn.
Quyết định số 3400/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phương pháp giết hủy gia súc, gia cầm bị bệnh. Theo đó khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các đô thị, các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, công trình văn hoá, khu du lịch, chùa chiền, bệnh viện, trạm y tế phải từ 3.000 m trở lên; Khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các cụm dân cư phải trên 300 m; Khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các công trình khai thác nước ngầm, nước bề mặt phụ vụ cấp nước cho sinh hoạt (ăn uống, tắm, giặt...) từ 50 đến 100 m; Khoảng cách từ bãi chôn lấp tới nguồn nước xung quanh (nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản) từ 30 m trở lên. |
Dịch tả lợn châu Phi lan tới 48 tỉnh ở Việt Nam Sáng 31.5, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có giải trình, làm rõ thêm ... |