Nhiều người Hà Nội hôm qua có cơ hội biết đến những nét kiến trúc đặc trưng của Pháp, pha trộn với kiến trúc Việt Nam. 

nguoi ha noi thich thu ngam kien truc trong dai su quan phap
Các biệt thự kết hợp kiến trúc Pháp với mái ngói và mái gốm của Việt Nam. Ảnh: VA

Đại sứ quán Pháp đã mở cửa cho công chúng đến tham quan các công trình mà thông lệ không đón khách, nhân ngày Di sản châu Âu 16/9. Trước khi sự kiện diễn ra khoảng một tiếng, đông đảo người dân Hà Nội đã tập trung trên phố Trần Hưng Đạo để chờ.

"Di sản của Pháp là thuộc về tất cả mọi người, do đó chúng tôi muốn giới thiệu rộng rãi", ông Olivier Sigaud, Tham tán thứ nhất, Đại sứ quán Pháp cho biết.

Theo ông Sigaud, Toà nhà gia đình Đại sứ Pháp ở trong khuôn viên là một công trình điển hình của kiến trúc năm 1950. Ngôi nhà mang kiến trúc không đối xứng, các cửa sổ vươn ra để tránh mưa nắng, sử dụng loại sắt nhẹ. Cửa sổ "mắt bò" là đặc trưng của Pháp và có một khu cửa lấy gió ở cầu thang.

Công trình này trước đây là biệt thự dành cho cấp phó của Tướng Lattre de Tassigny. Ông Tassigny, Cao ủy và Tư lệnh cao cấp của quân đội Pháp ở Đông Dương, là người dùng toàn bộ khu đất làm nơi ở và làm việc từ năm 1950.

Trong ba biệt thự xây từ năm 1912, bên cạnh dấu vết đặc trưng của kiến trúc Pháp, còn có một số chi tiết kết hợp với kiến trúc Việt Nam. Các ngôi nhà này có khung cửa sổ phổ biến của thế kỷ 19, chìa ra bên ngoài, đón nắng hướng Đông để chủ nhân có thể ngồi đọc sách. Tường dày, trần nhà cao giúp cho ngôi nhà mát mẻ, vì thời đó chưa dùng điều hoà. Các biệt thự dùng các cột gỗ Pháp, nhưng mái ngói là của Việt Nam, các ô thoáng là gốm sứ Việt. Trên tường treo những bức tranh thể hiện sự đa dạng của thảm thực vật Việt Nam. Cầu thang gỗ cũng là một nét độc đáo của kiến trúc Pháp. Hiện các toà nhà này được cải tạo để làm nơi ở cho khách và nhân viên của Đại sứ quán.

Ông Sigaud cho biết thêm Đại sứ quán Pháp ban đầu là trụ sở của Công ty Rượu Đông Dương, do ông A. Fontaine thành lập vào năm 1901. Đây là một trong những công ty giàu mạnh nhất khu vực khi đó. Người chủ tiếp theo của khu đất là gia đình ông Louis Boyaval, phụ trách Công ty. Đường Trần Hưng Đạo thời đó mang tên Đại lộ Gambetta.

Nhà nước Pháp đã mua lại toàn bộ khu đất vào năm 1949. Sau Hiệp định Genève, hiệp định Phủ Lỗ đã góp phần giúp Pháp sở hữu mảnh đất này. Đây trở thành trụ sở của Phái đoàn của Chính phủ Pháp tại Hà Nội. Khi Mỹ ném bom tấn công miền Bắc, tòa nhà chính đã bị phá hủy vào tháng 10/1972. Phái đoàn của Pháp tại Việt Nam được xếp lên hàng đại sứ quán vào năm 1973, sau Hiệp định Paris.

nguoi ha noi thich thu ngam kien truc trong dai su quan phap
Cửa sổ \'Mắt bò\' tại Toà nhà của Đại sứ. Ảnh: VA

Đại sứ Pháp Berthand Lortholary cho biết việc tham quan giúp người dân tìm hiểu các công trình gắn kết giữa hai nước và sự biến đổi trong quan hệ hai bên. Ông lưu ý khuôn viên có một hệ thống các dự án nhỏ thuộc chương trình Đại sứ quán xanh năm 2017, trong nỗ lực bảo vệ môi trường của Pháp. Đó là vườn ươm với khoảng 20 loại cây mới, tổng số có 500 cây, một vườn rau vi sinh rộng 50 m2, phía sau có khu ủ phân vi sinh lấy từ nhà bếp, tăng các thảm thực vật xanh và tổ côn trùng thụ phấn.

"Bảo vệ môi trường là một trong các ưu tiên của Pháp, các cơn bão gần đây cho thấy mức độ tàn phá của biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong muốn mọi người đến Đại sứ quán để thấy được tầm quan trọng của nỗ lực bảo vệ môi trường và đưa ra sáng kiến của riêng mình", Đại sứ nói.

nguoi ha noi thich thu ngam kien truc trong dai su quan phap
Đại sứ quán Pháp toạ lạc trên vị trí trước đây là trụ sở Công ty Rượu Đông Dương. Ảnh: ĐSQ Pháp.

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nguoi-ha-noi-thich-thu-ngam-kien-truc-trong-dai-su-quan-phap-3642397.html

/ vnexpress.net