Trong những nhà văn từng “hạ phóng” về vùng mỏ Quảng Ninh thập niên 60 của thế kỷ XX,   là nhà văn vạm vỡ, khỏe mạnh nhất, bình dị nhất.

Ông tự nhận mình là nhà văn nông dân, nay muốn khoác thêm áo xanh thợ mỏ, thả hồn vào Hạ Long kỳ vĩ. Ông giỏi hòa mình vào cuộc sống người thợ, thường ngồi ăn cơm với thợ lò, lái xe mỏ, chuyện trò thân mật, đùa vui với họ, đến nỗi ông Giám đốc Xí nghiệp Vận tải ôtô Cẩm Phả còn nhầm, vỗ vai Hoài An nhắc nhở: “Mấy hôm nay nhiều sương mù, phải nhớ bật đèn vàng và đi chậm thôi. Một chiếc xe bò tót có giá ngang một nhà máy diêm đấy!”. Hoài An cứ vâng dạ liên tục, ra hiệu cho mấy anh thợ trẻ im lặng để ông Giám đốc người Nam Bộ tiếp tục “chỉ đạo”... Thời kỳ này Hoài An đang viết về Anh hùng Lao động Voòng Nải Hoài, “chủ nhân” chiếc xe gấu 25 huyền thoại thuộc Đoàn xe Cọc Sáu, nên chưa hề gặp Giám đốc

Tôi biết nhà văn Hoài An đã nhiều lần đến nhà Voòng Nải Hoài, ngồi chuyện trò suốt cả buổi chiều với ông bố đẹp lão có gương mặt hao hao Tưởng Giới Thạch để nghe ông kể lại thời thơ ấu của người anh hùng như thế nào, có nghịch ngợm, lêu lổng, tai quái gì không... Có sống gần Hoài An mới biết ông bỏ rất nhiều công sức cho một bài ký chứ không thể “cưỡi ngựa xem hoa” rồi tỉa tót mây trời mưa gió thành thứ bút ký tụng ca chung chung, chỉ cần thay tên người tên đất. Tôi có cảm giác ông viết văn còn nhọc nhằn hơn đi cày, đào than. Nhiều đêm thức trắng chỉ vì chưa tìm ra được cái kết bài viết, hay chưa đặt nổi tên bài viết của mình. Nhưng khi ngồi ghế biên tập ông lại rất giỏi phát hiện cái hay của bài cộng tác viên và đổi tên bài cho họ rất tài.

Đọc những phóng sự bút ký của Hoài An, tôi nhận ra lối kể chuyện chân thật dí dỏm, phong lưu với hàng loạt chi tiết tỉ mẩn có khi dông dài mà rất thú vị. Văn chương Hoài An cũng vạm vỡ như sức vóc con người ông và cũng phong lưu như cuộc sống “quý tộc nghèo”, thích ăn sang mặc đẹp, thích sự sâu lắng của bậc quân tử, sẵn sàng bảo vệ cái đúng, cái đẹp đến cùng. Phóng sự, bút ký của Hoài An ngồn ngộn sự kiện, giàu thông tin nhưng lại rất Văn. Ông ít miêu tả mà cứ đủng đỉnh vừa kể chuyện vừa khám phá rồi bất ngờ buông một vài nhận xét gần như đúc kết kinh nghiệm sống, bài học về làm ăn, một sự thán phục nào đó giữa mênh mông thảo nguyên, núi rừng Tây Bắc hay sự cần cù sáng tạo phi thường của người ven con sông nhiều huyền thoại. Có những bút ký như Tủa Chùa miền đất lạ, ông đã miêu tả vùng đất nghèo xơ xác này như một bức tranh thủy mặc… Và thế là có những cô giáo dưới xuôi, vì đọc bài bút ký của ông, sinh mê những cành đào, những đỉnh núi ngập mây; nhưng tấm váy người Mông sặc sỡ xung phong lên dạy học. Rồi những bút ký Đồng cỏ Mộc Châu, Bông Nà Sản, Rừng mơ Sông Bôi… cũng đều là những bút ký thấm đẫm chất văn.

Số lượng tác phẩm của Hoài An không nhiều, không có những tiểu thuyết đồ sộ, nhưng ông thành công nhất ở thể loại bút ký, phóng sự. Có thể khẳng định rằng, vào những năm chống Mỹ ở miền Bắc và những năm trước thời kỳ đổi mới, bút ký và phóng sự của Nguyễn Hoài An trên báo Văn nghệ, cùng với ký của nhà văn Ngô Ngọc Bội đã tạo nên một bản sắc riêng của báo. Trong số các tác phẩm của Hoài An, đặc biệt xuất sắc phải là truyện ngắn Chiếc khánh đá, mà khi mới xuất bản có tên Con sáo biết nói. Chi tiết con sáo cứ đêm đêm bay vòng quanh trên mộ người chiến sĩ liên lạc đã hy sinh và cất tiếng gọi não nùng “Đuốc ơi! Đuốc ơi…!” khiến người đọc phải chảy nước mắt.

Hoài An là người tự học, tự tìm hiểu đủ mọi thứ, cập nhật rất nhanh những thành tựu của nhân loại. Có lần thấy tôi mua mơ về ngâm, ông liền tìm dao thớt, ngồi xổm đập từng quả mơ, tách hạt lấy nhân và giải thích: “Quả mơ quý nhất là cái nhân trong hạt, toàn vitamin PP là thứ chống lão hóa, tăng sức đề kháng hiệu nghiệm - người Nhật Bản phải kỳ công mãi mới tổng hợp được đấy. Quê tôi gần chùa Hương nhiều mơ, trẻ con cả ngày ăn mơ nên da dẻ hồng hào, ít bệnh”… Thời bao cấp khó khăn có anh thợ mỏ tự khai hoang trồng được một đồi sắn, nhờ đọc bài ký Bí mật củ sắn, con lợn Đại Lâm của Hoài An mà tự tìm về Đại Lâm học cách nấu rượu, chiết cồn và nuôi lợn giàu lên, sắm được xe hơi, nhà lầu… Tôi cũng tìm thấy nhiều kiến thức điển hình về nông thôn và người nông dân Việt Nam cho những sáng tác của mình từ bài ký này. Thú vị nhất là chính Hoài An đã khám phá ra cách làm giàu rất sớm, rất sáng tạo của người nông dân thời bao cấp với ước vọng nhân lên khắp đất nước mà tiếc thay hồi đó lãnh đạo nhiều cấp không hề đọc báo Văn nghệ. Hoài An là người đầu tiên tổng kết thành công thức: 100kg sắn + 10kg cám + 20kg rau = cho ra 30kg thịt lợn + 30 lít rượu sắn + 15 lít cồn 90 độ mà bí mật mang tính độc quyền là loại men nấu rượu có khả năng thải hết độc tố của sắn, kể cả sắn mốc của người Đại Lâm. Hồi ấy cả Quảng Ninh nhà nào cũng nuôi lợn đem đổi cho mỏ lấy mì chính cánh Nhật Bản, nên mấy chị cấp dưỡng hiền hậu ở nhà khách Cọc Sáu cũng rất thích Bí mật về củ sắn và con lợn của “ông nhà văn vạm vỡ phong lưu” - trông to cao chậm chạp mà nhanh nhẹn, chuyện trò nhỏ nhẹ, tình cảm chân thành... Ăn khỏe hơn thợ lò, mỗi tội không chịu nộp tem gạo...

Ngày Hoài An đi thực tế ở vùng mỏ, tôi thường phải năn nỉ văn phòng mỏ xuất tem gạo trả cho nhà ăn giúp ông Hoài An, nhưng “trường kỳ” mãi thì rất khó mà tôi biết ông không nỡ cắt tiêu chuẩn gạo của mình xuống mỏ, sợ vợ con ở nhà đói. Tôi đành phải nói thật với mấy anh bạn công an và lương thực thị xã nhờ họ giúp đỡ. Họ cũng quý trọng nhà văn Hoài An nên đã làm thủ tục đặc cách cấp cho ông có một cuốn sổ gạo có thời hạn “để đủ sức vào lò cùng thợ mỏ đào than...”.

*

Những cây bút trẻ ở Vùng Mỏ rất ngưỡng mộ Hoài An, coi ông là bậc thầy phóng sự, bút ký. Tôi may mắn được ông tin cậy, thường tâm sự, chỉ bảo như một người anh, người thầy và ông luôn coi tôi như người bạn dù ông hơn tôi đến gần hai chục tuổi (Hoài An sinh năm 1925). Nhớ lại mùa thu năm 1963, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với ông tại nhà người em ruột ông, nhà văn, nhà biên kịch phim hoạt hình Nguyễn Thế Hội cùng nhà văn, nhà biên kịch phim truyện Hứa Văn Định, từng là biên tập viên nổi tiếng của tờ báo Vùng Mỏ thuộc Đặc khu Hồng Quảng. Biết tôi đang dự Trại sáng tác Kịch bản sân khấu do Bộ Văn hóa và Hội Nghệ sỹ Sân khấu tổ chức, Hứa Văn Định cho biết: “Cục Điện ảnh cũng sắp mở trại sáng tác kịch bản phim truyện đầu tiên, thực chất là dạy viết kịch bản, có muốn dự thì tớ đăng ký cho”. Tôi reo lên sung sướng vì từ nhỏ tôi đã mê phim thường phải nhịn ăn để mua vé xem phim. Nhà văn Hoài An cùng một số nhà văn có uy tín cũng được mời tham dự trại sáng tác kịch bản phim truyện đầu tiên…

Thời kỳ này gia đình Hoài An đang ở trong Khu tập thể 1A Hoàng Văn Thụ, sát Quảng trường Ba Đình, gần Cục Điện ảnh, nên buổi trưa ông thường đãi cơm tôi và ông Hứa Văn Định. Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông, là một người phụ nữ hiền hậu, dịu dàng, hiếu khách, dù nghèo, vẫn luôn vui vẻ kỳ công làm những món ăn đơn giản mà rất ngon. Hứa Văn Định cho tôi biết: “Bà Mai là con gái nhà văn hóa kiêm thầy thuốc rất nổi tiếng Nguyễn Tử Siêu, từng là cây bút viết tiểu thuyết lịch sử nhiều nhất trước 1930”. Còn nhà văn Hoài An thì thừa nhận nhờ bà Mai và bố vợ động viên, khích lệ ông mới gắn bó với nghiệp văn chứ không bon chen quan lộ.

Cũng phải nói thêm rằng, Hoài An vốn chả được học hành gì tử tế. Ông lập gia đình khá sớm và cũng là do sự sắp đặt, gả bán của hai dòng họ có tiếng nhất ở thôn Bài Lâm, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Đông cũ. Khi ông đi bộ đội, ở Đại đoàn Quân Tiên Phong mà sau này có tên Sư đoàn 308, ông đã gặp bà Mai, khi đó, là cán bộ phụ nữ tỉnh Sơn Tây. Bà Mai là con nhà đại nho, nên chữ nghĩa rất nhiều và đặc biệt là cũng chỉ từ học lỏm, học mót từ các lớp học của Lương y - Nhà văn Nguyễn Tử Siêu. Chính bà Mai là người dạy thêm chữ nghĩa cho ông bằng việc khuyến khích ông viết báo liếp, báo tường ở đơn vị… Rồi ông viết tin, viết phóng sự ngắn cho báo Quân Du kích, rồi báo Quân Đội Nhân dân và trở thành phóng viên báo Quân đội Nhân dân khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Có thể khẳng định rằng, chính bà Mai và gia đình cụ Nguyễn Tử Siêu đã là động lực quan trọng nhất để anh nông dân Hoài An trở thành nhà văn.

Chịu ảnh hưởng của một gia phong văn hóa, nhân ái, nền nếp, bà Mai luôn chịu khó làm mọi việc nội trợ, nhận thêm việc may gia công để gánh bớt khó khăn, biết chia sẻ buồn vui với chồng. Bà không chỉ lo chăm sóc cho năm con của bà là Nguyễn Như Phong, Nguyễn Như Hương, Nguyễn Như Lan, Nguyễn Hoài Linh và Nguyễn Hoài Giang, mà còn đặc biệt quan tâm đến Nguyễn Thanh Tùng, là con người vợ đầu của ông. Năm người con của ông bà, sau này đều có vị trí trong xã hội…

Trở lại với phim và kịch. Tôi và nhà văn Hoài An từng trao đổi với nhau khá nhiều điều về hai thể loại này. Ông nói: “Nguyễn Đình Thi cũng mê kịch lắm! Đã là kịch thì phải có xung đột gay gắt, phải có đối thoại chan chát nhưng nhất thiết phải “có tích có tuồng” - nghĩa là phải có cốt chuyện hấp dẫn mới thu hút được người xem, mới lấy được nụ cười và nước mắt của họ. Còn phim thì... cần một nền công nghiệp điện ảnh hiện đại với những đạo diễn, diễn viên tài hoa thì mọi tác phẩm văn học hay đều có thể thành phim hay. Cái mà người ta đòi hỏi ngôn ngữ điện ảnh, hình tượng điện ảnh... chỉ là ngụy biện cho sự nghèo nàn văn chương trong một nền điện ảnh thích tụng ca”. Ông nhắc lại với tôi cái sự độc đáo của phim không lời Đảo Trụi của Nhật Bản, phim Đất của Liên Xô, giống như một bài phóng sự, bút ký bằng hình ảnh, càng nghĩ càng thấy hay và lạ. Cái cảnh hai vợ chồng người Nhật cứ lặng lẽ múc từng gáo nước tưới những gốc cây khô cằn, thay nhau tắm trong một thùng phi nước, rồi lại chèo, lại múc nước, chẳng may bà vợ làm đổ thùng nước bị người chồng tát mạnh... như tát thẳng vào mặt người xem... Hay cái cảnh người đàn bà mất đất, quằn quại, trần truồng chạy thẳng vào nhà thờ... không một lời nói mà khủng khiếp quá!... Đấy mới là văn học điện ảnh.

Tôi hỏi ông tại sao không viết tiểu thuyết và kịch bản phim, ví như truyện ký Chiếc khánh đá có thể là một phim thiếu nhi hấp dẫn, đầy đủ mọi yếu tố nhân văn đại chúng sâu sắc? Ông cười đôn hậu: “Chú đọc qua mà nhận ra được điều đó là nhờ sức tưởng tượng phong phú của một đạo diễn rồi đấy, cứ vậy mà phân cảnh... Còn tiểu thuyết không chỉ đòi hỏi sức tưởng tượng, hư cấu mà còn phải biết khái quát xã hội, liên kết các nhân vật thành truyện”… Thú thật tôi không giỏi hư cấu, không thể “cày ải” liên tục trên hàng trăm trang giấy. Kể chuyện vài chục trang đã mệt nhoài. Thội thì viết một bài ký, bài phóng sự hay, cung cấp cho người đọc những điều mới lạ, bổ ích thì hơn hẳn một cuốn tiểu thuyết nhạt nhẽo, giả tạo.

Có lẽ ít người biết Hoài An từng viết phê bình văn học rất sắc sảo, thậm chí hơi cực đoan. Khi báo Văn nghệ in bài phê bình của ông: Chủ nghĩa hình thức trong tiểu thuyết “Mở hầm” của Nguyễn Dậu. Tôi hỏi: “Nhiều người khen Mở hầm tươi mới lắm, sao lại hình thức?”. Ông đỏ mặt, vung mạnh tay: “Tươi mới như Hồn bướm mơ tiên của Tự Lực Văn Đoàn à! Nó lấy chuyện ở tận đâu đó thêm nước mắm thợ lò, bôi mặt mũi nhem nhuốc thành chuyện thợ lò sao được! Cứ hỏi nhà văn Võ Huy Tâm thì biết thợ mỏ sống thế nào, yêu thế nào... đến cách ngoại tình của họ cũng chu đáo, thơ mộng chứ không hùng hục như anh nông dân, không nhầy nhụa như tiểu tư sản. Vốn sống ngồn ngộn mà viết Những người thợ mỏ tập một Võ Huy Tâm còn bị “đánh” vì dự báo quá sớm căn bệnh thoái hóa, tham nhũng của những người thợ khi dễ dàng leo lên làm lãnh đạo, đành phải bỏ hẳn tập hai, huống chi chỉ xuống uống rượu vài bữa với thợ lò mà đòi Mở hầm khác biệt kể cũng liều”...

Tôi không dám tranh luận vì tự hiểu không đủ trình độ mặc dầu tôi cũng yêu quý nhà văn Nguyễn Dậu. Nhưng tôi thích cách lập luận thẳng thắn, sắc sảo của Hoài An mà nếu như ông chuyên sâu vào phê bình văn học sẽ rất bổ ích cho những cây bút biết lắng nghe vì ông không khen vuốt đuôi mà cứ thẳng thừng vạch ra những khiếm khuyết trong tác phẩm để tác giả rút kinh nghiệm, vươn lên.

Là một nhà văn kỹ tính, nhưng trong cuộc sống, có lúc Hoài An vui như trẻ thơ được ai đó tặng quà. Ông tỏ ra lạc hậu trước những tiện nghi hiện đại như xe máy, radio, casset... Có lần ông mượn xe máy Mobiles 54 của nhà văn Hứa Văn Định ở số 7 Điện Biên đi cả buổi, đến trưa mới về mồ hôi nhễ nhại, nói không ra hơi: “Hết xăng, mình phải đạp từ Bộ Ngoại giao, sao mà nặng thế hở trời!”. Thì ra ông không biết kéo núm chuyển chế độ sang xe đạp mà guồng cả máy không nổ thì không bị ngất là may. Ông Định ôm bụng cười: “Ông đích thị là nhà văn nông dân”. Hoài An thừ ra hồi lâu rồi quả quyết: “Kỳ này phải cố mua chiếc xe máy thật ngon, không thèm dùng loại cổ lỗ, mệt lắm!”.

Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với nhà văn Hoài An, nhà văn Hứa Văn Định, nhà văn Nguyễn Thế Hội và chịu nhiều ảnh hưởng của họ trong sáng tác, trong cách sống nhân ái, bao dung, chân thành. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoài An nhắn ông Định, bảo tôi chịu khó viết ký, truyện ngắn gửi cho báo Văn nghệ, ông sẽ biên tập cho. Tôi mang truyện ngắn: Một chàng thợ mỏ đáng yêu ở Đồi Trăng lên báo, không gặp ông nên gửi lại cho tòa soạn. Ông chỉ sửa lỗi chính tả, đổi tên thành Chuyện ở Đồi Trăng in ngay số Tết rồi đích thân mang báo đến cho ông Định, nói: “Chuyện này nó viết có duyên, làm phim được lắm!”. Ông Định đổi tên thành Kỷ niệm Đồi Trăng và giúp tôi viết thành kịch bản phim truyện. Đây là bộ phim truyện đầu tay của tôi, tạo được ấn tượng tốt với công chúng, có công rất lớn của nhà văn Hoài An và nhà văn Hứa Văn Định. Điều này tôi không bao giờ quên.

Tôi thực sự vui mừng khi được đọc lại những tác phẩm trong Tuyển tập Hoài An vừa xuất bản, dù chưa thật đầy đủ, nhưng vẫn toát lên sức sống lâu bền vạm vỡ đầy chất phong lưu mà rất nhiều câu chuyện ông kể mấy chục năm trước vẫn mang hơi thở của ngày hôm nay, vẫn giúp cho người đọc khám phá lại bao điều mới lạ.

Nguồn Văn nghệ số 42/2019

nguoi ke chuyen vam vo phong luu Nhà văn Hoài Hương và tình yêu trong trẻo với “Hà Nội hoa tình“
nguoi ke chuyen vam vo phong luu Nhà văn trẻ đánh bại bà Michelle Obama
nguoi ke chuyen vam vo phong luu Xuất bản cuốn “Giải phóng” của nhà báo, nhà văn Italy Tiziano Terzani
nguoi ke chuyen vam vo phong luu Hội Nhà văn Việt Nam kêu cứu

/ baovannghe.com.vn