Những ngày qua, nhiều người lao động ở khắp các tỉnh miền Tây quay trở lại TP.HCM sau quãng thời gian dài nghỉ vì dịch.
Nhằm thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các địa phương đã bắt đầu gỡ chốt kiểm soát dịch liên tỉnh.
Người lao động quê các tỉnh miền Tây đã quay trở lại TP.HCM (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Ngày 19/10, theo ghi nhận của PV VTC News, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 liên tỉnh giữa Long An và TP.HCM, người dân từ khắp các tỉnh miền Tây liên tục đổ về làm thủ tục vào TP.HCM.
Anh Khang từ Bến Tre trở lại TP.HCM (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Những người này đa phần là công nhân, sinh viên, giáo viên, thợ sửa xe, thợ cắt tóc đã rời TP.HCM để tránh dịch. Nay họ quay lại làm việc theo lời mời gọi từ các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh.
Anh Nguyễn Khang cho biết từ sáng sớm đã lái xe máy di chuyển từ tỉnh Bến Tre lên TP.HCM. Anh Khang là giáo viên dạy Tiếng Anh tại một trung tâm ở quận 7. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch, trung tâm dạy học tạm đóng cửa nên anh Khang về quê. “Biết tin trung tâm chuẩn bị hoạt động trở lại nên tôi đã quay trở lại TP.HCM làm việc”, anh Khang nói.
Chuẩn bị giấy xét nghiệm COVID-19 khi qua chốt kiểm soát dịch (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Quãng đường di chuyển của anh Khang dài gần 100km, đi qua các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An đến TP.HCM. Anh Khang cho hay đến hôm nay việc di chuyển liên tỉnh đã dễ dàng hơn rất nhiều, đặc biệt khi tới địa phận giáp ranh giữa tỉnh Long An và TP.HCM, anh được cán bộ trực chốt hướng dẫn khai báo y tế, trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. “Việc khai báo y tế diễn ra nhanh chóng”, anh Khang nói.
Người không có điện thoại thông minh được hướng dẫn khai báo y tế trên mẫu phiếu thu thập thông tin (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Theo ghi nhận, người lao động khi di chuyển vào địa phận TP.HCM đều phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 và khai báo y tế, tuy nhiên cũng có một số trường hợp không có điện thoại thông minh để khai báo y tế điện tử. Anh Phạm Minh Vương (SN 1985, quê Long An) lúng túng khi không biết làm cách nào để hoàn thành thủ tục khai báo y tế vì trên người chỉ có mỗi chiếc điện thoại “cục gạch”.
Người dân miền Tây chở theo đồ đạc khi quay trở lại TP.HCM làm việc (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Sau đó, cán bộ y tế hướng dẫn anh Vương thực hiện khai báo y tế bằng mẫu phiếu thu thập thông tin có sẵn ở chốt trực. Mừng rỡ vì được qua chốt nhanh chóng, anh Vương khoe: “Qua được TP.HCM thì tôi đi thẳng về Bình Dương làm việc luôn. Hôm qua công ty còn hứa lên làm việc sớm thì sẽ tăng lương, tăng trợ cấp. Mất việc mấy tháng nay, giờ được đi làm lại tôi mừng lắm”.
Cán bộ trực chốt đang hướng dân người dân khai báo y tế điện tử (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Không chỉ người lao động mà đến cả sinh viên cũng vượt quãng đường xa để trở về TP.HCM học tập. Trần Minh Tân (sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) kể một số bạn bè ở cùng dãy trọ với Tân cũng đã bắt đầu quay lại.
Hơn 134.000 người đã trở lại các KCN - KCX làm việc
Một cán bộ trực chốt cho biết hai tuần qua lượng người lao động từ các tỉnh miền Tây đổ về TP.HCM ngày một đông hơn. Riêng ngày 18/10, số lượng người khai báo y tế để vào địa phận TP.HCM tăng đột biến.
Quét mã QR code tại chốt kiểm soát dịch (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết đã có khoảng 134.850 người lao động quay trở lại làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghệ cao. Ngoài ra, có hơn 5.000 người lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM ngày 18/10, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết dự kiến trong thời gian tới, số lượng lao động ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Trung trở lại sẽ nhiều hơn.
Nhiều người lao động quay trở lại làm việc là tín hiệu đáng mừng cho TP.HCM (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Để trở lại TP.HCM, người lao động bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện như phải có kế hoạch làm việc được các doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo, đã được tiêm vắc xin mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế; Có xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực theo quy định. Người lao động phải được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển (đối với địa phương là vùng cam, vùng đỏ) để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Người dân ùn ùn đổ về miền Tây: Một số tỉnh miễn phí xét nghiệm, cách ly Một số tỉnh miền Tây tổ chức xét nghiệm, cách ly tập trung miễn phí cho người dân trở về từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình ... |
Người dân ùn ùn đổ về miền Tây được cách ly thế nào? Các tỉnh miền Tây sau khi đón người dân trở về từ địa phương khác sẽ tiến hành các biện pháp cách ly phòng dịch, ... |
Quân đội, công an hỗ trợ đưa người dân từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây Chiều 1/10, lực lượng chức năng TP.HCM gồm quân đội, công an, nhân viên y tế phối hợp đưa người dân chờ đợi tại chốt ... |