Rời tâm dịch phía Nam để về quê , không ít người lao động đang đối mặt với nỗi lo thường trực: Thất nghiệp.
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài dai dẳng vô tình đẩy hàng vạn lao động khắp mọi miền quê lâm cảnh thất nghiệp, ùn ùn khăn gói rời tâm dịch TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Hồi hương, ai nấy khấp khởi hy vọng tìm về chốn nương thân bình yên trước “cơn thịnh nộ” của dịch bệnh. Thế nhưng, cũng chính những cuộc hồi hương bất đắc dĩ đã tạo ra áp lực không hề nhỏ cho từng người hồi hương và cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phòng chống dịch bệnh lẫn công tác an sinh xã hội trước mắt và lâu dài bởi 2 chữ: Việc làm.
Dùng dằng đi - ở và nỗi lo việc làm
Năm 2018, 5 người trong gia đình anh Tâm, chị Hảo (Lục Nam, Bắc Giang) dắt díu nhau vào TP.HCM lập nghiệp. Trước khi đi, anh chị quyết định bán hết ruộng vườn ở quê để lấy vốn làm ăn. Chuyến tàu tha hương năm đó mang theo biết bao ước mơ, tuổi trẻ của anh chị khi quyết tâm khởi nghiệp tại một thành phố lớn.
Tưởng rằng sẽ yên ổn làm ăn thì COVID-19 ập tới, chiếc xe bán hàng ăn vỉa hè của anh chị phải dừng hoạt động. 4 tháng trời, anh chị chỉ quanh ra quẩn vào với căn nhà trọ rộng chừng 20m2 cho 5 người gồm hai vợ chồng và 3 đứa con nhỏ.
Số tiền dành dụm để chi tiêu và chăm lo cho con cái cũng dần hết, không nhà cửa, không người thân, anh chị đành tính tới bước quay trở về quê.
Nhưng mọi chuyện lại chẳng như dự tính, ngày trước lên máy bay, con gái anh chị mắc COVID-19, mấy ngày sau lại đến lượt người bố là anh Tâm cũng dương tính giống con. Vậy là cả gia đình lại phải quay về xóm trọ, đồ ăn thì chẳng còn, gánh thêm tiền nhà, tiền thuốc…
Sau khi con gái được điều trị khỏi bệnh, cả gia đình an toàn, hai vợ chồng anh Tâm lại tiếp tục đăng ký về quê. Với họ lúc này, trở về quê là một niềm khao khát. Ngày về đang đến gần, nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng nặng trĩu hơn.
Bây giờ về quê, cả nhà 5 miệng ăn lại chẳng biết sẽ sống sao, ruộng vườn ngày trước đã bán hết, hai vợ chồng không bằng cấp, không nghề nghiệp, họ không biết mình sẽ làm được công việc gì? Con cái học hành thì dở dang bởi bạn bè ở quê đã đi học trước cả tháng trời. “Ở quê ruộng vườn canh tác khó khăn nên em mới bán để vào Sài Gòn làm ăn. Giờ về quê đến ruộng cũng chẳng còn, muốn đi làm các công ty, xí nghiệp thì lại phải chấp nhận cả nhà đèo bòng nhau đi xa tiếp thôi”, chị Hảo chia sẻ.
Trong dòng người từ TP.HCM về Bắc Giang, tương tự như hoàn cảnh gia đình anh Tâm, hai vợ chồng anh Minh thuê trọ ở thành phố, bây giờ dịch công ty đóng cửa, họ lại phải quay trở về quê. Ngày trước, mỗi tháng anh Minh nhận đều đặn 8 triệu đồng từ công ty dưới Bình Dương, tuy nhiên hiện giờ nguồn thu nhập bị mất đột ngột nên nhiều lúc cơm còn chẳng đủ ăn. Anh Minh cho biết, doanh nghiệp hứa hẹn khi nào phục hồi sẽ gọi công nhân quay lại làm việc, nhưng anh thiết nghĩ chẳng biết đến bao giờ, lần này chắc một đi không trở lại.
Hai tháng trước, công ty ở Bình Dương đóng cửa vì dịch, cả nhà anh Nguyễn Văn Tài, thôn Phú Hòa, xã Ia le, huyện Chư Pưh không còn lựa chọn nào khác khả dĩ hơn là khăn gói về quê.
Về quê tránh dịch nhưng vợ chồng anh Tài không thể tránh khỏi những khó khăn bủa vây, nhất là phải đối mặt với khoản nợ không nhỏ từ hồi vay vốn đầu tư trồng tiêu thất bát (năm 2016). Hiện tại, sổ đỏ của gia đình vẫn còn “cắm” ở ngân hàng.
Những ngày gần đây, anh Tài xin làm công việc thời vụ thu hoạch nông sản cho bà con trong vùng. Với số tiền ít ỏi mỗi ngày kiếm được, anh Tài cố gắng chi tiêu dè sẻn để lo cho 5 miệng ăn trong gia đình và trang trải khoản học phí cho đứa con út.
Đứa con trai lớn của anh Tài cũng xin đi làm rẫy thuê để mong đỡ đần phần nào khó khăn cho cha mẹ. Song, nếu không có việc làm lâu dài và ổn định, hết vụ mùa sẽ chẳng còn ai thuê nhân công, cả gia đình anh Tài rồi sẽ lại rơi vào bế tắc.
“Tôi và đứa con trai lớn cũng lên các diễn đàn xem có đăng thông tin tuyển việc làm không, nhưng mà dịch bệnh người ta ít có nhu cầu tuyển dụng. Nếu không có công việc ổn định thì khoản nợ to đùng không biết đến bao giờ mới xóa được”, anh Tài tâm sự.
Anh Rơ Mah Cya (làng Tào Roòng, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) là một số những lao động hồi hương khi chỉ mới vào Bình Dương làm việc chưa đầy nửa năm.
Dù về quê an toàn, song những ngày gần đây, cả gia đình anh Cya nặng trĩu nỗi lo lắng, bồn chồn vì dù tìm đủ mọi cách, liên hệ đủ mọi nơi nhưng vẫn không xin được việc.
Hiện tại, ở địa phương, anh Cya đang canh tác cà phê với chỉ vỏn vẹn dăm ba cây và nuôi một con bò. Nếu không có căn cơ hỗ trợ việc làm nào thì có lẽ, chừng ấy cũng không đủ để nuôi nổi cả gia đình trong thời gian dài.
“Từ hôm cả nhà tôi về tới nay, tiền dành dụm bấy lâu chỉ đủ lo cơm cháo qua ngày. Giờ chỉ mong dịch bệnh lắng xuống để cả nhà lại vào miền Nam làm lụng, ổn định cuộc sống”, anh Cya trải lòng.
Cứ 20 người lao động hồi hương thì có đến 10 người là không biết sắp tới sẽ làm gì, phần vì đất đai để canh tác không có, phần vì chưa tìm kiếm được công việc phù hợp tại các nhà máy xí nghiệp, ai trong số họ cũng đều ngập ngừng khi được hỏi về công việc sắp tới của mình.
Tròn 2 tháng hồi hương, anh Trần Đình Quốc (38 tuổi, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy Quảng Bình) buồn bã giãi bày: “Trở về quê lần này coi như công sức xây dựng bấy lâu ở TP.HCM đổ sông đổ bể. Thời gian qua, tôi cùng vợ con chỉ biết dựa vào mấy sào ruộng canh tác kiếm cơm. Về quê thì bình yên thật, nhưng việc làm không có, bây giờ đi không được, ở lại cũng không xong".
Theo anh Quốc, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bước đầu đã được kiểm soát, mọi hoạt động đã trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, để những người hồi hương như anh tìm được công việc là điều không hề dễ dàng.
Trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, vợ chồng chị Trần Thị Thúy (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) có cuộc sống tương đối ổn định ở TP.HCM nhờ nguồn thu từ công việc kinh doanh.
“Nào ngờ dịch ập đến khiến quán phải đóng cửa. Khi nguồn tiền dự trữ dần cạn kiệt, vợ chồng cùng con cái đành đèo nhau về quê để tránh dịch.
Mong muốn của cả nhà khi hồi hương là tìm được một công việc. Tuy nhiên, mấy tháng nay, hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo, tìm đỏ mắt vẫn không thoát khỏi cảnh thất nghiệp. Bây giờ chỉ còn nước cầm cự rau cháo qua ngày, chờ dịch lắng xuống để vợ chồng tôi vào miền Nam gầy lại sự nghiệp”, chị Thúy bộc bạch.
Chị Văn Thị Lẹ (ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) cho biết, hai vợ chồng chị chở theo đứa con 14 tháng tuổi từ Bình Dương về Kiên Giang sau khi không thể trụ nổi vì thất nghiệp quá lâu. Đây là hành trình về quê gian nan nhất đối với hai vợ chồng khi mất đến 18 tiếng mới về tới nơi.
“Về được đến nhà là mừng lắm rồi bởi 3 tháng nay ở Bình Dương không đi làm được. Hai vợ chồng cùng đứa con mới 14 tháng phải ráng sống qua ngày, trông chờ ngày Bình Dương cho phép đi lại để về quê. Giờ ở quê chờ tình hình dịch bệnh ổn định thì hai vợ chồng sẽ quay lại Bình Dương xin việc làm”, chị Lẹ bộc bạch.
Giải bài toán thất nghiệp cho người hồi hương
Dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ người thiếu việc làm lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Khi TP.HCM và các địa phương phía Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đón lao động trở lại, chính quyền các tỉnh đang tìm mọi phương án để giải bài toán thất nghiệp cho người hồi hương.
Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện tại, tỉnh đang chỉ đạo các cấp, ngành và các địa phương tổ chức đánh giá cụ thể mức độ tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với nhiều ngành nghề; xác định những thời cơ, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2022 và những năm tiếp theo.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân Thừa Thiên – Huế từ các địa phương khác trở về quê hương và người lao động mất việc làm gắn với an sinh xã hội là một trong những vấn đề địa phương đặc biệt quan tâm.
Thời gian tới, Thừa Thiên – Huế tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tạo thêm việc làm cho người lao động; quan tâm các mô hình sinh kế, nhất là các dự án đã có định hướng phát triển để thu hút người lao động.
"Tỉnh sẽ phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm giúp người lao động giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp để giải quyết việc làm cho những người dân có nhu cầu”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nói.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, số người hồi hương đang tiếp tục tăng thêm từng ngày. Do địa phương là tỉnh nông nghiệp chứ không phải công nghiệp nên hiện vấn đề việc làm cho bà con vừa trở về là nỗi trăn trở lớn của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, hiện nay, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP.HCM đang khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc. Nếu người dân có nhu cầu, tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa.
Ông Bình cũng dự đoán sẽ có nhiều lao động tự do chọn ở lại An Giang trong thời gian sắp tới nên địa phương cũng đang tính toán các phương án để đảm bảo sinh kế cho những người này.
“Mới đây, tỉnh tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất thu nhận các lao động tại địa phương để có nguồn lao động ổn định, đồng thời tạo công ăn việc làm cho những người hồi hương", ông Bình thông tin thêm.
Tại Đồng Tháp, ngay từ những ngày đầu người lao động ồ ạt trở về, Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu các ngành chức năng phân loại người hồi hương. Từ đó sẽ khảo sát, phân loại, lấy ý kiến, nguyện vọng của người lao động để có định hướng giới thiệu việc làm tại địa phương.
Qua khảo sát ban đầu, nhiều người lao động trở về từ các địa phương khác có nguyện vọng ở lại Đồng Tháp tìm việc làm. Bên cạnh đó, số lao động dự định quay lại các tỉnh, thành phố khác để tìm việc sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát cũng chiếm tỷ lệ lớn.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH rà soát, nắm bắt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tái sản xuất, khuyến khích sử dụng lao động tại chỗ vừa trở về địa phương.
Còn theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh, đến nay, số lao động trở về địa phương đã lên tới hàng vạn người. Hiện Sở đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát nguyện vọng, nhu cầu việc làm của những người vừa trở về để có phương án hỗ trợ.
“Những người muốn quay lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… thì địa phương sẽ kết nối và tạo điều kiện cho họ quay trở lại. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tư vấn, giới thiệu việc làm cho những người chọn ở lại quê với các công ty trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh chia sẻ thêm.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động. Cụ thể, Sở này đã phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp số lượng lao động từ các tỉnh trở về, phân loại theo ngành nghề, trình độ đào tạo, nhu cầu tìm việc để xây dựng phương án đặt hàng đào tạo hoặc cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nắm bắt đầy đủ thông tin để hỗ trợ, tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động bị thất nghiệp.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh - đã yêu cầu các ngành chức năng tạo điều kiện để bà con có công ăn việc làm sau khi hoàn thành cách ly.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, Ban điều hành khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam và UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét tạo điều kiện cho bà con học nghề, tham gia làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP hoặc chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp với sức khỏe, tuổi tác…nhằm giúp người dân sớm có việc làm, ổn định đời sống.
NHÓM PV