Từ khi chào đời, Anh Thư đã không nhìn thấy ánh sáng, nhưng nhờ 18 năm đồng hành của mẹ mà cô bé trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên của Nhạc viện TP HCM.

Trong căn phòng nhỏ ở lầu 4 của một khu chung cư cũ trên khu phố Mỹ Cảnh (quận 7), Đỗ Nguyễn Anh Thư lướt tay trên những phím đàn, bản Cây trúc xinh vang lên. Bị mù bẩm sinh nên khi vừa bấm xong một phím đàn, đôi tay Thư phải lập tức di chuyển đến phím tiếp theo, thay vì thong thả vừa đàn, vừa nhìn bản nhạc trước mặt như người bình thường. Để chơi được bản nhạc này, Anh Thư phải thuộc lòng bản nhạc lý hàng chục trang.

Mẹ Anh Thư, chị Nguyễn Thị Hoa Hồng tâm sự: "Lúc trước, tôi cho con học đàn và học nhiều môn khác như bơi, vẽ, đánh cờ... để cuộc sống của con có thêm nhiều màu sắc hơn. Tôi không dám nghĩ một ngày con được vào nhạc viện, biểu diễn cùng những nhạc công người bình thường trong dàn hợp xướng trước hàng trăm khán giả".

2247 7

Anh Thư (váy trắng) đang biểu diễn với dàn nhạc mà những nhạc công đều là người bình thường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mười tám năm trước, cô bé Anh Thư, quê Rạch Giá, Kiên Giang, chào đời khi mới "nằm trong bụng mẹ 28 tuần". Sau hơn một tháng nằm lồng kính, về nhà, dù thấy con khỏe mạnh bụ bẫm nhưng người mẹ trẻ thấy bất an khi nhìn vào đôi mắt vô hồn của con. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán Anh Thư bị mù vĩnh viễn, nguyên nhân có thể do việc bong võng mạc bởi sinh non.

Từ ngày đó, chị Hồng thường thử nhắm mắt lúc đi lại trong nhà để hiểu cảm giác và cách sinh hoạt của người mù, chuẩn bị cho những tháng ngày đồng hành cùng con.

Mất đi đôi mắt nhưng bù lại, đôi tai của Thư cảm nhận âm thanh rất tốt. Từ năm một tuổi, em đã phân biệt được nhiều âm thanh, giọng nói của những người trong nhà. Khi nghe tiếng các vị khách đến thăm, Anh Thư lắng nghe và luôn đoán đúng số lượng người.

Ở Rạch Giá lúc bấy giờ chưa có trường dành cho trẻ em khiếm thị. Con lên ba tuổi, nhưng không trường mẫu giáo nào nhận, người mẹ đành tự dạy cho con ở nhà. Để mô phỏng bảng chữ nổi của người mù, chị Hồng lấy những hột cườm đính vào bìa cứng để dạy chữ, đánh vần. Ban đầu, chị làm chữ cái với những hạt lớn, dần dần thu nhỏ lại để tay con khéo léo hơn.

Thấy con thích múa hát, có năng khiếu về nghệ thuật, người mẹ mang con đến nhà cô giáo học đàn organ. Không có giáo trình dành riêng cho người mù, chị lại phải tự chuyển từ giáo trình bình thường sang dạng chữ nổi bằng hạt cườm để dạy con. Những buổi học đàn của con cũng là những buổi học đàn của mẹ.

"Tôi nói với con rằng, nếu con không có đôi mắt để nhìn thì hãy hít thở thật sâu, hãy lắng nghe thật kỹ và sờ mọi vật xung quanh thật nhiều để bù lại khiếm khuyết của mình", chị Hồng chia sẻ.

Con chuẩn bị lên lớp một, chị Hồng giấu gia đình, nói mang con lên Sài Gòn khám mắt, nhưng thực ra là đến trường Nguyễn Đình Chiểu để xin nhập học. Con được nhận cũng là lúc người mẹ xin nghỉ việc ở quê, khăn gói lên Sài Gòn thuê nhà trọ sống.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong một công ty viễn thông lớn ở quê nhà, chị Hồng dễ dàng tìm được việc mới với mức lương khá cao ở thành phố. Nhưng công việc cũng buộc chị phải ra khỏi nhà từ sáng sớm, đón con khi học sinh trong trường đã về hết, chỉ còn Thư chờ mẹ ở phòng bảo vệ.

Năm Anh Thư học lớp 2, một lần dò bài ở trường, vì căng thẳng nên lên cơn co giật phải vào cấp cứu. Trên đường đến viện, chị nghĩ: "Mục đích mình lên Sài Gòn là lo cho con đi học chứ không phải kiếm tiền. Thấy con nằm bất động với chằng chịt dây ống trên người, tôi quyết định mình phải làm việc khác, để có thời gian lo cho con".

Sau khi thôi việc, chị Hồng thuê một căn nhà rộng, bên dưới mở cửa hàng bán đặc sản quê nhà như nước mắm, khô cá, bên trên chia phòng nhỏ cho sinh viên thuê trọ. Cuộc sống chỉ xoay quanh việc đưa đón con và buôn bán, những lần về quê thăm chồng cũng thưa dần.

2325 8

Chị Hồng luôn chuẩn bị trang phục, trang điểm cho con gái thật đẹp khi biểu diễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từ năm Anh Thư 9 tuổi, chị Hồng bắt đầu cho con học đàn piano một cách bài bản. Trước khi tìm được nơi chịu nhận con, chị Hồng từng bị nhiều nơi từ chối bởi lý do đơn giản là giáo viên không biết làm thế nào để dạy cho người mù. "Nhiều người khuyên tôi nên cho con học nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, còn piano thì chưa có tiền lệ nên họ không dám nhận", chị Hồng kể.

Ở lớp, chị học cùng con, thay con bắt chuyện với các bạn khác trong lớp. Về nhà, hai mẹ con cùng ngồi chuyển ngữ những bản công-xéc-tô dài hàng trăm trang. Mẹ đọc tên nốt, con soạn lại bằng chữ nổi để tự tập luyện.

Năm 2017, Anh Thư giành giải nhì trong cuộc thi piano ở TP HCM với sự tham gia của 188 thí sinh Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia và trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên được đặc cách tuyển thẳng vào Nhạc viện thành phố.

Thạc sĩ Nguyễn Thùy Yên, giảng viên trực tiếp dạy piano cho Anh Thư chia sẻ: "Những kết quả mà Anh Thư đạt được cho đến hôm nay không thể thiếu công lao của mẹ Hồng. Tôi vẫn nhớ vào những buổi hội thảo, masterclass của khoa Piano tổ chức, mẹ Hồng luôn đồng hành cùng con. Anh Thư đã không hề vắng mặt một buổi nào. Khuôn mặt chăm chú lắng nghe say sưa của Thư, vẻ mặt hạnh phúc của mẹ Hồng làm tôi và những người xung quanh cảm giác hạnh phúc lây và lạc quan hơn".

Đang học năm cuối trình độ trung cấp hệ 4 năm ở khoa Piano, Thư đã có thể đi biểu diễn ở nhiều nơi. Song song với đam mê được mang những âm thanh đẹp của đàn piano lên sân khấu, Thư còn tham gia vào các lớp dạy piano thiện nguyện tại trường cũ Nguyễn Đình Chiểu.

"Ước mơ của em là trở thành một giáo viên dạy piano. Nên khi được làm người tiếp nối, chia sẻ và truyền lại những gì mình đã học cho người khác em thấy rất vui", Anh Thư nói.

2400 9

Trước khi lên sân khấu, em luôn được mẹ trang điểm và chọn những bộ trang phục sang trọng

Trước khi lên sân khấu, em luôn được mẹ trang điểm, tết tóc và chọn những bộ trang phục sang trọng. Lên sân khấu, khán giả ít người nhận ra Thư khiếm thị cho đến lúc em được người khác dìu ra để chào khán giả. "Không phải mình thấy con mù nên muốn cho con mặc gì thì mặc", chị Hồng phân trần.

"Giữa năm ngoái, con nhận dạy kèm piano cho một bé gái. Tháng lương đầu tiên, con đi mua quà cho mọi người trong nhà, món nào cũng chọn loại tốt nhất để tặng", chị Hồng khoe.

Tuy rằng đã cho mình hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ với con gái, nhưng trong lòng chị Hồng luôn cảm thấy có lỗi với chồng, với gia đình nội ngoại vì chưa làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người con.

"Đợt dịch Covid -19 năm ngoái, tôi và con mới có dịp về quê hơn một tháng. Nhìn căn nhà tuềnh toàng và những bộ đồ công sở nhăn nheo của chồng, tôi thấy mình có lỗi với anh ấy. Tôi mong gia đình sớm thoát cảnh "chồng một nơi, vợ con một nẻo" như suốt 12 năm nay, nhưng chưa biết đến lúc nào mới được", chị Hồng nói, mắt đỏ hoe nén thở dài.

Diệp Phan

Người mẹ giúp đứa con mù thành phó thống đốc Mỹ Người mẹ giúp đứa con mù thành phó thống đốc Mỹ
Cuộc chiến pháp lý của người mẹ đơn thân Cuộc chiến pháp lý của người mẹ đơn thân

/ vnexpress.net