Bệnh viện Bạch Mai bị cách ly để chống dịch Covid-19, bà Vũ Thị Huệ mất nhiều giờ đồng hồ thuyết phục cơ quan chức năng để được vào chăm con dâu và 3 sản phụ cùng phòng.

\\"nguoi
\\"nguoi
\\"nguoi

Đều đặn 6h sáng mỗi ngày, trong không gian tĩnh lặng của khoa Phụ sản, BV Bạch Mai những ngày cách ly, bà Vũ Thị Huệ (51 tuổi, ở huyện Mê Linh, Hà Nội) lại cầm phích rời phòng đi lấy nước sôi để pha sữa cho 4 sản phụ.

Hơn 1 tuần từ hôm xin được vào khu cách ly chăm con dâu và 3 “cô con nuôi”, bà Huệ chưa có một giấc ngủ trọn vẹn.

\\"nguoi
Bà Vũ Thị Huệ chăm sóc con dâu và cháu nội. Ảnh: Đoàn Bổng

Dù vất vả, nhưng khi được hỏi về hành trình vào chăm con khi bệnh viện bị phong tỏa, bà Huệ thở phào, cho rằng bản thân may mắn khi thuyết phục được lãnh đạo BV cho phép vào nơi được cho là “tâm dịch” của Hà Nội. Con dâu bà Huệ khi đó mới sinh, sức khỏe yếu.

“Sáng 28/3, tôi gom quần áo chạy vội đến BV để xin được vào chăm con và cháu nội, nhưng bị từ chối vì lúc này Bạch Mai đã bị cách ly. Tôi gọi điện cho lãnh đạo khoa trình bày nguyện vọng được vào đỡ đần các con. Xét hoàn cảnh của tôi, và thực tế phòng có 4 sản phụ mới sinh nhưng không có người thân bên cạnh nên BV đồng ý để tôi vào”, bà Huệ kể.

\\"nguoi
Các sản phụ trong phòng mới sinh con 10 ngày. Ảnh: Đoàn Bổng

Xuất thân từ vùng quê xã Tiền Phong, vợ chồng bà Huệ làm nông nghiệp nuôi các con trưởng thành. Bà có 2 con đều đã lập gia đình, bà lên chức bà nội, bà ngoại từ cách đây 3 năm.

“Từng làm mẹ, lại sinh con trong thời kì còn thiếu thốn, tôi luôn muốn dành những gì tốt nhất cho các con, nhất là thời điểm này”, bà kể.

Bà Huệ giúp con dâu và 3 sản phụ cùng phòng những việc cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày, đỡ đần thêm lúc đêm hôm. Những việc không tên như: lấy nước sôi, lấy giúp móc áo, tã lót, rửa bình sữa, hoặc trông nom trẻ khi sản phụ đi vệ sinh… nhưng cũng khiến bà tất bật cả ngày lẫn đêm.

\\"nguoi
Đều đặn mỗi sáng, bà Huệ lấy nước đun sôi cho các con pha sữa. Ảnh: Đoàn Bổng

Ôm con vừa tròn 10 ngày tuổi trong tay, chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1992, con dâu bà Huệ) kể, vì sức khỏe chị yếu nên dù BV đang cách ly, mẹ vẫn vào chăm sóc. \\"Mọi việc từ nhỏ nhất trong phòng đều tự tay mẹ lo. Có những hôm thấy mẹ ngồi cạnh rồi ngủ gật vì mệt, tôi thương mẹ nhưng không giúp được nhiều, chỉ động viên mẹ cố gắng để sớm về nhà\\".

Chị Vũ Thị Hồng Hạnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội), một trong 4 sản phụ được bà Huệ chăm sóc tâm sự: Lúc mới sinh, chưa tháo chỉ, đi lại còn khó khăn, một người không họ hàng lại giúp mình thế này, tôi rất xúc động và trân trọng.

\\"nguoi
Một mình bà Huệ chăm sóc 4 sản phụ trong phòng. Ảnh: Đoàn Bổng

Vất vả là thế, nhưng bà Huệ vẫn cảm thấy may mắn khi được vào đây. “Tôi không muốn kể lể công lao gì cả, những việc tôi làm chỉ mong giúp các cháu thêm lạc quan, yên tâm hơn khi có người ở bên cạnh”.

Trực tiếp điều trị và phụ trách phòng của 4 sản phụ nói trên, bác sỹ Trần Đức Hùng chia sẻ, ở khoa Phụ sản mỗi người đều có một câu chuyện riêng, nhưng hình ảnh bà Huệ - người mẹ tất tả chăm lo cho 4 sản phụ khiến anh và các nhân viên ở đây ấn tượng.

“Công việc dù không quá nặng nhọc, việc làm dù rất khó đặt tên nhưng phải sống trong thời điểm này mới thấy trân quý, thấu hiểu công lao thầm lặng của người mẹ”, bác sỹ Hùng nói.

\\"nguoi

Cùng là những người mẹ có con nhỏ, nhưng 2 nữ điều dưỡng khoa Phụ sản là Nguyễn Xuân Quỳnh (SN 1991) và Vũ Thị Lệ Mỹ (SN 1988, đều trú huyện Thanh Trì, Hà Nội) phải xa các con gần 10 ngày nay vì lệnh cách ly.

Chị Lệ Mỹ tâm sự: “Tôi có 2 cháu, cháu lớn năm nay 7 tuổi, đứa bé mới 15 tháng tuổi, chưa kịp cai sữa mẹ. Nhìn con qua màn hình điện thoại, tôi cảm nhận được con cũng hờn dỗi vì phải xa mẹ. Có lúc con tránh mặt rồi nép vào lòng ông bà, tôi thật sự rất nhớ con và tủi thân”.

\\"nguoi
Điều dưỡng Xuân Quỳnh (trái) và Lệ Mỹ chăm sóc các trẻ sơ sinh. Ảnh: Đoàn Bổng

Với nữ điều dưỡng Xuân Quỳnh, buổi tối đến là thời điểm chị nhớ con nhiều nhất. Cháu bé mới 13 tháng tuổi, cũng chưa kịp cai sữa.

“Nhìn con qua điện thoại mà không thể chạy đến ôm chặt, chỉ biết gọi con ơi, nước mắt tự chảy vì rất, rất nhớ”, Quỳnh nghẹn ngào.

Nhớ con nhưng trong thời điểm đặc biệt này, 2 nữ điều dưỡng đều động viên nhau mạnh mẽ, vượt qua khó khăn, phục vụ người bệnh.

\\"nguoi
Những em bé sơ sinh tại khoa Phụ sản, BV Bạch Mai

“Dù nhớ nhà nhưng nghĩ đến các sản phụ, các bé sơ sinh đang cần mình, chúng tôi không cho phép bản thân rơi vào trạng thái bi quan.

Chúng tôi sẽ trở về nhà, ôm các con trong tâm thế của một người vợ, người mẹ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi tin các con khi lớn lên cũng sẽ tự hào vì điều đó”, Xuân Quỳnh chia sẻ.

2 nữ điều dưỡng dự định việc đầu tiên sẽ làm khi được về nhà là “chạy thật nhanh đến ôm con, rồi làm lành, xoa dịu hờn dỗi của các con những ngày xa cách”.

\\"nguoi
Trưởng khoa Phụ sản Phạm Bá Nha (thứ 2, bên phải) trực tiếp mổ một ca trong thời điểm BV bị cách ly

Trưởng khoa Phụ sản Phạm Bá Nha cho biết, trong 9 ngày qua, khoa đón 4 công dân mới chào đời, tất cả đều mẹ tròn, con vuông.

Khoa có 48 bệnh nhân, trong đó có 39 bé sơ sinh, 4 phụ nữ đang mang thai những tuần cuối với bệnh lý khá phức tạp như suy thận, tiền sản giật và có trường hợp bị nhồi máu não.

\\"nguoi
Khoa Phụ sản đồng lòng vì người bệnh

“Mọi việc đến nay khá trôi chảy. Trong thời điểm này sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định, tuy nhiên đó là khó khăn chung của toàn xã hội. Với chúng tôi, khi nghe các bệnh nhân báo về kết quả thụ thai thành công hay nghe tiếng khóc của các bé mới chào đời, vậy thôi là đủ để cuộc sống thêm lạc quan”, ông Nha tâm sự.

\\"nguoi 44 ca nCoV liên quan Bệnh viện Bạch Mai
\\"nguoi Bệnh viện Bạch Mai thông báo dừng tiếp nhận viện trợ
\\"nguoi Thêm 6 ca mắc Covid-19, có 1 ca liên quan đến Công ty Trường Sinh

/ vietnamnet.vn