Tay cầm phích nước, đầu đội chiếc nón đã cũ sờn, bà Thuỷ đi chân đất từ phía cuối xưởng lên tiếp chúng tôi. Vừa mời khách vào, bà vừa giải thích “phải giám sát công nhân liên tục, không lại làm láo báo cáo hay”.

 

 

 

Tay cầm phích nước, đầu đội chiếc nón đã cũ sờn, bà Trần Thị Thuỷ đi chân đất từ phía cuối xưởng lên tiếp chúng tôi. Vừa mời khách vào, bà vừa giải thích “phải giám sát công nhân liên tục, không lại làm láo báo cáo hay”.

 

Chỉ vào suất quà đặt trên bàn, bà khoe công ty chuẩn bị đi tặng quà cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, người già neo đơn - một hoạt động thiện nguyện thường xuyên của bà.

Khi được đề nghị chia sẻ về cuộc đời mình, người phụ nữ 62 tuổi (quê Lạng Giang, Bắc Giang) nói rằng, cuộc đời bà là chuỗi những đoạn đường đau khổ nhưng không ngừng vươn lên.

Giống như hầu hết gia đình nông thôn khác, bà Thuỷ sinh ra trong một gia đình nghèo có 9 người con. Bà học chưa hết lớp 3 - vừa đủ để biết đọc biết viết thì phải nghỉ học. Sau đó, bà đi lấy chồng theo sự sắp đặt của gia đình.

Sinh được bốn người con, hằng ngày ngoài công việc đồng áng, bà đi mò cua, bắt ốc, ai thuê gì làm nấy, chỉ để có tiền bữa rau bữa cháo nuôi con qua ngày.

Cuộc đời bà thay đổi sau một sự việc bất ngờ. Khoảng năm 1980, gần nhà bà xảy ra một vụ tai nạn xe máy, nạn nhân là hai người thanh niên. Thương tình, bà dìu họ vào nhà cứu giúp. Trong nhà chỉ còn mấy bơ gạo và con gà ngoài vườn, không suy nghĩ nhiều, bà nấu cơm, làm thịt gà đãi khách.

Sáng hôm sau, một trong hai người dúi vào tay bà một xấp tiền, bảo “chị cầm mua gạo cho các cháu”. Dù nghèo, bà nhất quyết từ chối.

Mấy hôm sau, mẹ của hai thanh niên từ Lạng Sơn xuống tận nhà bà cảm ơn. Họ mua chăn màn, quần áo, nhu yếu phẩm tặng mẹ con bà và nhận bà Thuỷ làm con nuôi.

Gia đình ở Lạng Sơn mời mấy mẹ con bà lên nhà chơi. Theo mẹ nuôi ra chợ, bà thấy trên này cái gì cũng đắt gấp 3, gấp 5 quê mình. Bà nảy ra ý định đưa rau củ ở quê lên đây bán. Từ mớ rau lang, về sau bà mang cả cua, hến, gà, lợn từ Lạng Giang (Bắc Giang) lên Lạng Sơn bán. Được gia đình mẹ nuôi giúp đỡ, bà buôn bán ngày càng thuận lợi.

Tay chỉ vào mảnh đất dưới chân, bà bảo: “Tại sao tôi lại mua mảnh đất này? Bởi vì tôi lập nghiệp từ lòng sông này. Nơi đây chính là nơi tôi đã mò cua, bắt ốc thời trẻ”.

Cứ thế, đến năm 1990, bà có 100 triệu đồng trong tay. Bà quyết định cầm số tiền ấy đi mua xe tải để chở hàng.

Từ quê lên phố mua ô tô, xách túi tiền lo bị cướp, bà buộc tiền khắp người, từ chân lên đến cổ, rồi mặc áo mưa để che đi. Trời nắng chang chang, thấy bà ăn mặc thế, ai cũng bảo bà bị điên.

Bà hỏi đường, tìm đến một đại lý bán xe ở cầu Đuống (Hà Nội). Sợ người ta bắt nạt mình dân quê, bà không hỏi mua xe ngay, mà lăng xăng quét dọn ở đó để dò la giá cả.

“Khi tôi đang quét dọn lăng xăng ở đấy thì ông chủ ra quát "Con kia, ai bảo mày quét?”. Tôi đáp: “Con thấy bẩn thì con quét cho ông. Con không lấy tiền đâu”. Ông chủ lại bảo: ‘Tao không có tiền thuê người quét dọn’. Nhưng bà cứ thế lao vào dọn dẹp trong tiếng lẩm bẩm của ông chủ: ‘Sáng sớm ra đã gặp ngay con dở hơi’.

Đến bữa cơm, ông chủ mời nhưng bà không ăn mà chỉ chăm chăm đi theo những người mua xe. Quan sát cả buổi, thấy một chiếc xe ưng ý, bà mới ướm thử ý ông chủ: “Ông ơi, cái xe này đẹp nhỉ!”. Ông chủ thấy thế tuyên bố: “Mày mà có tiền, ông bán cho mày cái xe này bằng giá nhập”. “Bao nhiêu hả ông?” “Đúng 78 triệu ông mua từ nước ngoài về, chưa có thuế”.

Nghe vậy, bà bảo ông chủ: “Quân tử phải nhất ngôn ông nhé!”. Ông chủ xe lúc ấy vẫn tưởng bà có vấn đề về thần kinh nên quyết không tin. Ngay lập tức, bà cởi áo mưa, lấy dao cắt từng túi tiền trên người. Ông chủ lúc ấy mới ngã ngửa.

Nghe bà kể lại câu chuyện lập nghiệp của mình, ông bảo: “Đây đúng là một bài học cho ông. Ông tin mày nhất định làm nên sự nghiệp”.

Ông cũng cho người lái xe về tận nhà cho bà. Năm ấy, ô tô là một thứ xa lạ với người dân quê, nên khi xe về tới nhà, cả làng ùa ra xem ô tô nhà bà Thuỷ.

“Đến cả bố mẹ, anh chị em tôi cũng không tin vào mắt mình. Cả nhà hỏi tôi lấy tiền đâu ra mua xe. Tôi bảo những năm qua tôi lặn lội 90 cây số đi đi về về Lạng Sơn - Bắc Giang để buôn bán nên mới tích cóp được số tiền ấy. Tiền lãi tôi âm thầm chôn dưới gầm giường và gốc cây ngoài vườn. Khi ướm chừng đã đủ mua xe, tôi mới đào lên”.

Đến bây giờ, khi đã có trong tay 100 chiếc xe tải chở hàng khắp trong Nam ngoài Bắc, bà vẫn còn nhớ như in câu chuyện về chiếc xe tải đầu tiên thời lập nghiệp. 

Khi đã có xe, công việc buôn bán của bà ngày càng thuận lợi. Bà không phải phụ thuộc vào xe khách để vận chuyển hàng nữa, mà cứ khi nào gom đủ hàng là bà lại lên Lạng Sơn. Thấy chuyến về xe đi không lãng phí, bà thu gom phế liệu từ Lạng Sơn, chở về Bắc Ninh bán.

Đi nhiều, bà biết có một nhà máy sản xuất bình phun thuốc trừ sâu từ rác thải nhựa tái chế, bà tò mò muốn học theo.

Chia sẻ với bố nuôi về một nơi “biến rác thành tiền”, bà quyết định xin vào đây làm công nhân để quan sát, học nghề. Ban đầu, bà chỉ được giao làm việc vặt. Nếu như người ta chỉ làm 8-10 tiếng rồi về, thì bà làm việc không quản ngày đêm. Không chỉ làm tốt công việc của mình, bà còn chạy sang làm cả công việc của người khác. Bà cũng tự nguyện dọn dẹp nhà vệ sinh, giặt giũ, đánh giày dép cho các chuyên gia. Thấy bà nhanh nhẹn, chăm chỉ, cả nhà máy ai cũng quý.

Sau 3 năm, bà về Bắc Giang mở nhà máy sản xuất bình phun thuốc trừ sâu trên miếng đất mò cua, bắt ốc ngày xưa.

2 năm sau, hai vợ chồng bà đường ai nấy đi. Công ty lại đứng tên chồng. Trước nguy cơ mất trắng gia sản, bà suy sụp đến mức nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử.

Đêm 30 Tết, bà viết thư tuyệt mệnh rồi lên tầng 2 định nhảy xuống. Bỗng dưng bà nhận thấy mình mà chết bây giờ thì thật vô nghĩa.

Cha mẹ nuôi khuyên bà đủ cách, bảo bà đưa con lên Lạng Sơn sống, làm lại từ đầu. Nhưng bà từ chối và nói “con ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đó”.

Bà lại quay về chở hàng đi buôn khắp nơi. Năm 2012, sau nhiều lần hầu toà để đòi lại tài sản, bà chính thức được giao lại công ty.

Cùng với việc quản lý xưởng sản xuất bình bơm, bà lấn sân sang ngành vận tải và xuất khẩu nông sản. Đến nay, công ty bà đã có 3 xưởng sản xuất với gần 300 công nhân. Nhà máy và văn phòng công ty nằm trên mảnh đất rộng 12.000m2 ở mặt đường quốc lộ 1A.

Trong kinh doanh bà coi trọng chữ tín, đã hứa là phải làm và phải làm cho đúng.

Trên chiếc bàn tiếp khách duy nhất ở văn phòng, phía dưới tấm kính lót bàn là những tờ giấy cam kết, bản kiểm điểm, có tờ được viết cách đây cả chục năm. Ở đó, có cả bản kiểm điểm của con trai bà khi mắc lỗi, có cả tờ xác nhận của phía ngân hàng đã làm sai sót, thậm chí có cả giấy xác nhận của nhà hàng xóm là con gà vô tình lạc sang nhà bà, chứ không phải bà ăn cắp.

Trên tường, bà treo những lời răn “10 lý do nghèo”, “10 lý do giàu” để răn dạy các con và những người làm công cho mình.

Bà tự nhận mình là người nóng tính nhưng có thưởng phạt rõ ràng. Các con bà nếu làm sai cũng phải chịu trách nhiệm.

Có lần anh con trai cả ham chơi bị bà bắt gặp, ngay lập tức bà gọi người thanh lý mấy chục chiếc xe tải, chịu giá lỗ một nửa. Một hàng dài xe tải mà bà đầu tư cho anh cứ thế nối đuôi nhau ra khỏi công ty, khiến anh sợ “xanh mặt”. Không còn xe, anh phải đi làm thuê như những người khác. Mấy năm sau, thấy con đã biết hối lỗi, bà mới rót vốn tiếp để anh làm ăn. 

Dắt chúng tôi đi tham quan nhà xưởng, bà đội chiếc nón lá, mặc áo bà ba nâu, chân đi đất. Bà giải thích “quanh năm tôi đi chân đất, mãi thành quen”.

Suốt mấy chục năm làm chủ doanh nghiệp, không ít lần bà khiến các đối tác ngã ngửa vì tưởng bà là người làm công. Có lần, một nhóm người đến công ty làm việc, thấy bà đang quét dọn ở sân, một cậu cất tiếng hỏi “cô cho cháu hỏi bà Thủy giám đốc” thì bị người đi cùng quát, “Dốt, đi hỏi bà lao công làm sao người ta biết!”.

Trong một chuyến hàng quan trọng khác, bà trực tiếp ngồi lên xe tải đi giao hàng cùng anh em. Suốt quãng đường, khách không hề biết người phụ nữ đi cùng là bà giám đốc. Mãi đến khi về công ty, khi vị khách hắng giọng “gọi bà Thủy ra đây”, bà mới đưa hóa đơn ra, đóng dấu và ký tên. Vị khách sững người, ngại ngùng xin lỗi bà.

Bà bảo, trước đây bà sống như thế nào thì bây giờ vẫn vậy. Cơm bà ăn chung mâm cùng công nhân. Công nhân ăn gì, bà ăn nấy.

Ở công ty, ai cũng quen với hình ảnh đó của bà Thủy. Nhưng mỗi khi có dịp đi đến những nơi sang trọng, trang nghiêm, bà cũng vẫn giữ nguyên hình ảnh ấy, không ít lần khiến người ta “sốc”.

Thậm chí, có lần một người quen đã giận bà vì ăn mặc quá đơn sơ, xuất hiện với tư cách một chủ doanh nghiệp được ông mời tới chia sẻ. Bà đã nhã nhặn xin lỗi và nói một câu với người anh rằng: “Dù em có là ai thì em vẫn mãi là người con gái thôn quê”.

Theo bà, “cái quý nhất ở người phụ nữ là bản chất không thay đổi”.

Có những người sau nhiều năm làm việc với bà đã nhận xét: “Chưa thấy một người phụ nữ nào vừa nghị lực, quyết liệt mà vẫn mềm dẻo đầy chất phụ nữ như chị”.

Bà bảo, phụ nữ làm kinh doanh, bà coi đó là một thuận lợi. “Bởi ít người đàn ông nào có khả năng nhẫn nhịn, khéo léo bằng phụ nữ”.

Khi được hỏi điều gì quan trọng nhất giúp bà có được cơ nghiệp ngày hôm nay, bà nói: “Tôi chẳng có bí quyết gì cả, chỉ có tấm lòng biết dang tay ra với mọi người. Tôi cho đi và được nhận lại sự giúp đỡ, tin tưởng của mọi người”.

Suốt mấy chục năm làm kinh doanh, bà đã góp tiền xây 25 ngôi nhà đại đoàn kết, tặng hàng trăm nồi cơm điện, chăn ấm cho người nghèo 4 xã trong huyện Lạng Giang.

Trước kia, bà nhường căn nhà đang sống để làm nơi chăm sóc gần 50 trẻ em nghèo, con phụ nữ đơn thân. Hằng năm, bà vẫn tổ chức những chuyến đi tặng quà cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bắc Giang, người già neo đơn.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, bà quyết định tặng 50 tấn gạo cho các điểm cách ly ở 3 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Ninh Bình.

Ban đầu, khi bà đề xuất ý kiến, chỉ có 50% anh em công ty đồng ý với bà. Sau khi ra sức thuyết phục, bà nhận được 100% cánh tay của những chiến hữu đã gắn bó với bà suốt nhiều năm qua.

“Bắc Giang và Lạng Sơn là quê hương của tôi. Còn Ninh Bình là mảnh đất có nhiều ý nghĩa với cuộc đời tôi. Đó là nơi nối liền Bắc - Trung, nơi tôi đi qua mỗi chuyến giao hàng trong Nam ngoài Bắc”.

Bà bảo, chết đi là về với cát bụi, chẳng ai có thể mang theo tiền. Nhiều người gọi bà là “bà Thủy hâm”, bà cũng chỉ cười.

Thấy trong mọi bức ảnh, bà đều mặc bộ trang phục bà ba màu nâu, chúng tôi hỏi có phải bà theo đạo Phật và thường xuyên đi chùa? Bà nói, bà chỉ lên chùa 1 lần duy nhất vào thời điểm bà tuyệt vọng vì mất hết cơ nghiệp. Bà cười bảo, bà không có thời gian đi chùa. Nếu có, cũng chỉ để vãn cảnh. “Phật là ở trong tâm mình, chứ không phải vì hay đi chùa mà có được”.

“Còn trang phục bà ba, tôi có vài chục bộ để mặc hằng ngày. Mặc đồ ấy, tôi thấy thoải mái và tự tin nhất”.

Cách đây 5 năm, bà trải qua ca phẫu thuật tim, không biết sống chết ra sao. Trên giường bệnh, bà viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho các tổ chức từ thiện. May mắn, bà thoát cơn hiểm nghèo nhưng đến giờ bà vẫn giữ ý định đó.

“Tôi không để lại cho các con nhiều tiền. Tôi chỉ để lại cho chúng ý chí vươn lên trong cuộc sống, lòng bao dung, biết sẻ chia với mọi người”.

Đại gia
Phi công Nguyễn Văn Bảy - người anh hùng chân đất
Cô gái kém 22 tuổi bị đồn lấy "đại gia chân đất" Trung Hiếu U50 là ai?

 

 

/ vietnamnet.vn