Để có được sự thật, Tiến sĩ Shuping Wang phải đánh đổi bằng công việc, hôn nhân và hạnh phúc của mình.
Tiến sĩ Shuping Wang - người đã 2 lần tố giác bê bối của ngành y tế Trung Quốc |
Bà là người đã đứng lên tố giác quy trình y tế cẩu thả để cứu sống hàng chục ngàn người có nguy cơ nhiễm HIV vào năm những 1990 ở Trung Quốc.
Hệ quả là Tiến sĩ Shuping Wang đã bị mất việc, bị công kích và phòng khám của bà bị phá hoại sau khi bà lên tiếng.
Bà vừa qua đời ở Utah (Mỹ) – nơi bà chuyển đến sinh sống sau vụ bê bối.
Một vở kịch được lấy cảm hứng từ cuộc đời bà hiện đang được dựng ở London, trong đó biên kịch gọi bà là ‘người hùng y tế công cộng’.
Tại sao tiến sĩ Wang lên tiếng?
Năm 1991, tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, tiến sĩ Wang được phân công làm việc tại một cơ sở thu thập huyết tương. Thời điểm đó, nhiều người dân địa phương đã bán máu của mình cho các ngân hàng máu của chính quyền.
Không lâu sau bà nhận ra cơ sở này gây ra những tác động tiêu cực cho sức khoẻ cộng đồng.
Quy trình thu thập huyết tương không đảm bảo, trong đó có cả việc lây nhiễm chéo khiến nhiều người được nhận máu bị nhiễm viêm gan C từ những người hiến tặng.
Bà cảnh báo điều này lên cấp lãnh đạo cao hơn nhưng bị lờ đi. Bà cho biết, họ đã trả lời rằng việc thay đổi quy trình sẽ làm tăng chi phí.
Không nản lòng, bà báo cáo sự việc với Bộ Y tế. Kết quả là, Bộ này sau đó đã tuyên bố tất cả những người hiến máu cần phải sàng lọc viêm gan C để giảm nguy cơ lây lan bệnh.
Nhưng vì tố giác điều này mà bà bị mất việc.
Các lãnh đạo của bà nói rằng hành động của bà gây ‘cản trở việc kinh doanh’. Bà bị chuyển đi và được phân công làm việc ở một cơ sở y tế.
Nhưng vào năm 1995, bà lại phát hiện ra một vụ bê bối khác.
Tiến sĩ Wang phát hiện ra một người hiến máu dương tính với HIV nhưng vẫn bán máu ở 4 nơi khác nhau.
Ngay lập tức, bà báo cho lãnh đạo, yêu cầu xét nghiệm tất cả các cơ sở nhận máu ở tỉnh Hà Nam. Một lần nữa, bà được trả lời rằng việc này quá tốn kém.
Bà quyết định tự làm bằng cách mua bộ xét nghiệm và thu thập ngẫu nhiên hơn 400 mẫu máu từ những người hiến tặng.
Kết quả là 13% trong số đó dương tính với HIV.
Bà mang kết quả này tới gặp các quan chức ở Bắc Kinh. Nhưng khi trở về nhà, bà đã thành mục tiêu tấn công. Người đàn ông mà bà miêu tả là một ‘lãnh đạo đã nghỉ hưu ở cơ sở y tế’ đã tới trung tâm xét nghiệm của bà đập phá các trang thiết bị.
Khi cô gắng ngăn người đàn ông này lại, bà bị ông ta đánh bằng dùi cui.
‘Tôi không phải là đàn ông. Tôi là một phụ nữ’.
Năm 1996, tất cả địa điểm thu thập máu và huyết tương ở Trung Quốc phải ngừng hoạt động để cải chính. Khi chúng được mở cửa lại, người ta đã đưa tiêu chí xét nghiệm HIV vào quy trình nhận máu hiến tặng.
‘Tôi cảm thấy rất hài lòng, bởi vì công việc của tôi đã giúp bảo vệ người nghèo’ – bà nói. Nhưng việc bà làm khiến nhiều người không vui.
Trong một hội nghị y tế vào năm đó, một quan chức cấp cao đã phàn nàn về việc ‘một người đàn ông ở một trung tâm xét nghiệm lâm sàng của quận dám báo cáo trực tiếp việc lây nhiễm HIV cho chính quyền trung ương’.
‘Ông ấy nói, người đó là ai, tại sao dám báo cáo việc này?’ – tiến sĩ Wang chia sẻ với BBC trong một cuộc phỏng vấn.
‘Tôi đã đứng lên và nói rằng tôi không phải là một người đàn ông. Tôi là một người phụ nữ và tôi là người đã báo cáo việc này’.
Cũng trong năm đó, bà bị yêu cầu nghỉ việc. ‘Tôi bị mất việc. Họ bảo tôi hãy ở nhà, làm việc cho chồng tôi’ – tiến sĩ Wang kể.
Chồng bà – lúc ấy đang làm việc ở Bộ Y tế - bị các đồng nghiệp tẩy chay. Hôn nhân của bà cuối cùng cũng tan vỡ.
Một cảnh trong vở kịch lấy cảm hứng từ cuộc đời tiến sĩ Wang |
Năm 2001, bà chuyển tới Mỹ làm việc – nơi mà tự đặt cho mình tên tiếng Anh là ‘Sunshine’.
Cũng năm đó, chính quyền Trung Quốc thừa nhận rằng họ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng AIDS nghiêm trọng ở miền trung đất nước. Hơn nửa triệu người được cho là nhiễm bệnh do bị lây nhiễm sau khi bán máu cho các ngân hàng máu địa phương.
Hà Nam – nơi mà tiến sĩ Wang từng làm việc – là một trong những địa phương tồi tệ nhất trong các điểm dịch.
Chính phủ sau đó đã thành lập một phòng khám đặc biệt để chăm sóc cho những người mắc bệnh liên quan tới AIDS. Vài năm sau, tiến sĩ Wang tái hôn và cùng chồng là Gary Christensen chuyển tới thành phố Salt Lake. Ở đây, bà làm việc như một nghiên cứu viên y tế ở ĐH Utah.
Tiến sĩ Wang và Frances Ya-Chu - biên kịch vở 'Vua của cung điện địa ngục' |
Vở kịch về cuộc đời bà có tên là ‘The King of Hell’s Palace’ (Vua của cung điện địa ngục) đã được công chiếu tại nhà hát Hampstead ở London vào tháng 9 mới đây.
Tiến sĩ Wang qua đời vào ngày 21/9/2019 trong khi đang leo núi ở Salt Lake cùng bạn bè và chồng. Người ta cho rằng có thể bà đã lên cơn đau tim.
‘Việc tố giác của tôi phải trả giá bằng công việc, hôn nhân và hạnh phúc của tôi thời điểm đó, nhưng nó cũng giúp tôi cứu mạng hàng chục ngàn người’ – bà từng nói trong một cuộc phỏng vấn trước khi qua đời khoảng 1 tháng.
‘Cô ấy là một người phụ nữ kiên cường nhất, lạc quan nhất và nhiều tình yêu thương nhất’ – bạn bà David Cowhig chia sẻ sau khi biết tin bà qua đời.
‘Cô ấy chọn tên tiếng Anh Sunshine (ánh Mặt Trời) là có lý do’.
Nguyễn Thảo (Theo BBC)