Ngọn lửa bùng lên, bén vào áo cao cổ khi cô bé Sáu đang nấu cám, làm dính liền đầu và cổ, vĩnh viễn đẩy hàm răng Sáu nhô ra.

Tai nạn năm 6 tuổi khiến cô bé Nguyễn Thị Sáu sống chung với nỗi đau đến tận giờ, khi đã 54 tuổi, tại xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Quét lá rụng đầy sân, bà Sáu ngồi thở bên thềm. Trong nhà vọng ra tiếng gọi lớn: "Sáu, sao chưa cho tao ăn cơm?".

Bà Sáu lạch bạch chạy vào, vuốt lưng bà mẹ 91 tuổi đang nằm trong buồng: "Bà vừa ăn rồi. Con cho bà 2 bát xới với tép đó thôi". Cụ Nhã gật gật như hiểu, rồi lại lẩm bẩm: "Ăn lúc nào mà ăn. Mày không cho tao ăn uống gì cả. Trời ơi là trời!", nói rồi cụ gào khóc.

Bà Sáu lại lục đục xuống bếp, vét nốt bát cơm còn lại trong nồi với ít tép trong chạn, đưa lên dựng cụ Nhã dậy, nựng: "Nào, bà há mồm ra con đút cơm cho. Ăn xong rồi ngủ, chiều con nấu sớm bà ăn tiếp nhé". Cụ Nhã nghe xong lại gật gật, há mồm ăn nhồm nhoàm, đôi mắt nhìn vào vô định. 

10 năm trước, bị ngã, cụ Bùi Thị Nhã (91 tuổi) - mẹ bà Sáu - đập đầu xuống đất gây biến chứng não. Từ đó cụ lúc tỉnh lúc mơ, nhiều lúc ăn uống vệ sinh phải phục vụ tận giường. "Khi nào tỉnh, cụ vẫn đi lại được, quét cái nhà cái cửa giúp tôi. Khi mệt thì cụ nằm liệt giường, phải gọi y tá tới tiêm cho vài mũi mới trụ được đến nay đó", bà Sáu trầm ngâm kể.

Những lần phẫu thuật chữa bỏng ngày nhỏ khiến da mặt kéo căng các phía, làm lộ hết răng của bà Sáu. Ảnh: Hải Hiền.

Nói rồi, bà Sáu vét nốt mấy thìa cơm mẹ ăn không hết vào miệng. Dù cơm và rau đều được nấu nát nhưng bà nhai vẫn rất khó nhọc. Thỉnh thoảng những cơn đau từ hàm kéo giật lên đỉnh đầu khiến bà nhăn mặt, phải dừng lại, uống ngụm nước để cho cơm trôi nốt. Bà Sáu cho hay gần 50 năm nay ăn uống chẳng biết ngon, mỗi bữa ăn kéo dài đến 30 phút.

Khách đến nhà, chốc chốc lại phải chạy đến ngồi trước mặt bà Sáu nói chuyện, vì bà không thể ngoái cổ được. Tai nạn ngày nhỏ khiến bà bỏng nặng, toàn bộ da trước ngực và cổ bị cháy co rút lại, liền thành một khối nham nhở. Những cuộc phẫu thuật vá da đã co kéo vùng mặt khiến hàm dưới chìa ra, ăn uống như cực hình. 

Cô bé Sáu chưa bao giờ được đến trường, vì người mẹ nghèo một mình nuôi 4 con. Tuổi thơ của em quẩn quanh góc nhà và ruộng. Mỗi lần ra đồng, Sáu đều lấy khăn che mặt lại, sợ trẻ con trong xóm nhìn thấy khóc thét. 

Nhiều hôm người mẹ ứa nước mắt khi nhìn thấy cảnh con gái vừa gánh rau lợn vừa chạy khóc ngoài đường làng, theo sau là đám trẻ con hò reo "Đồ con Sáu sẹo". "Lâu dần tôi mặc kệ, người ta nói mãi nên chán, sau chẳng gọi nữa", bà Sáu hồi tưởng. 

Thành thiếu nữ, Sáu chỉ biết cắm đầu vào làm ruộng, nuôi gà lợn, gương chẳng dám soi. Nhiều lần họ hàng, làng xóm đến mời đám cưới, Sáu đều trốn ra sau nhà ngồi khóc. "Mình xấu kinh thế này thì ai thèm ngó!".

Từ 17 tuổi, Sáu trở thành trụ cột cho cả nhà, khi hỗ trợ nuôi cả mẹ lẫn người chị gái thứ hai đau ốm, mất sức lao động, bị chồng bỏ. 

Bà Sáu trở thành nhân lực chính nuôi mẹ và chị gái đau yếu từ năm 16 tuổi. Ảnh: Hải Hiền.

Làm quần quật nhưng chẳng đủ ăn, trong khi tiền thuốc men của mẹ và chị gái chẳng thể thiếu, năm 1997, bà Sáu nghe người quen giới thiệu vào Đăk Lăk để làm giúp việc và hái cà phê, mỗi năm được chủ trả công 2 triệu. 

"Đến năm thứ 9, vết thương khiến tôi đau đớn, tôi xin nhà chủ đi khám bệnh, họ xúc phạm khiến tôi tự ái rồi nghỉ việc, trong túi dắt theo 15 triệu đồng sau gần 10 năm tha hương", bà kể. 

"Cả đời tôi chưa bao giờ có được nhiều tiền như thế. Vì vậy đi đâu tôi cũng cất trong người, chỉ khi đi tắm mới tạm để ra ngoài vài phút", bà Sáu tâm sự.

Mang số tiền này về, một nửa bà Sáu đem trả nợ cho tiền thuốc của mẹ và chị, số còn lại vay mượn thêm, dựng một căn nhà cấp 4 xây bằng vôi và cát, không xi măng, sắt thép. Những năm gần đây, căn nhà xuống cấp, dột tứ phía khiến 3 mẹ con phải đi nương nhờ nhà hàng xóm mỗi khi mưa lớn.

Bà Sáu (phải) đứng bên người chị gái Nguyễn Thị Ổn. Hiện tại, nỗi sợ lớn nhất của bà là nhà đổ, vì không có xi măng, sắt thép. Ngôi nhà đã xuống cấp sau 11 năm. Ảnh: Hải Hiền.

Trở về quê hương, bà Sáu lại tiếp quản chăm 3 sào ruộng của gia đình, chăm lo hoàn toàn cho mẹ và chị. "Khổ vậy nhưng chưa bao giờ Sáu nó kêu than lấy một lời, vì nếu nó nằm đó thì ai chăm sóc mẹ và tôi", bà Nguyễn Thị Ổn, 56 tuổi, người chị gái gần như mù do tiểu đường, xơ gan giai đoạn cuối, nói.

Gần đây, do di chứng từ vết bỏng sâu nên trên ngực bà Sáu xuất hiện vết loét lớn, rỉ mủ, gây đau đớn. Từ năm ngoái đến nay, bà không thể tiếp tục làm đồng, chỉ quanh quẩn trong nhà cơm nước, chăm lo cho vài con vịt. Nhiều lần thấy chị gái than khổ, bà Sáu đều gạt đi: "Còn cái ăn là tốt rồi, sống đùm bọc nhau như thế này có phải hơn những người không nhà không cửa ngoài kia không!", khiến người chị ngừng thút thít. 

Ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư xã Quang Húc, cho biết gia đình bà Sáu là đặc biệt khó khăn. "Trước chị ấy còn đi làm được thì đỡ vất vả. Giờ cả nhà 3 người chỉ trông vào tiền trợ cấp hơn 600.000 đồng nên rất khó khăn. Anh chị em còn lại cũng nghèo khó nên ít khi giúp đỡ được gì".

Một nửa số tiền trợ cấp bà Sáu dành mua thuốc cho cả nhà. Nửa còn lại, bà thỉnh thoảng mua 10-20 nghìn đồng tiền tép ăn cả tuần với cơm, rau nhà. Ngày nhận tiền trợ cấp, bà mới dám mua ít thịt về để cải thiện.

Chiều tà, nghe tiếng sấm báo hiệu lại sắp mưa, bà Sáu vội chạy ra giếng gom hết xô chậu mang lên nhà. Gần một chục chiếc chậu được bà sắp đầy trên nền gạch, dưới những chỗ thủng trên mái. Sau đó, bà dựng mẹ và chị gái đang nằm trên giường dậy để sang trú nhờ nhà hàng xóm. "Nhỡ gió to đổ nhà thì biết đường nào mà sống", vừa dìu chị đi, bà Sáu vừa nói. 

Hải Hiền

Chuyện tình cổ tích: Cô gái bỏ nhà theo chàng trai tật nguyền bán kẹo kéo
Người đàn ông cưới vợ trẻ tật nguyền để có bạn chung mộ
Chiến lược gia tật nguyền nhưng khuynh đảo thời Chiến quốc
Bà chủ khuyết tật và chuyện tình cổ tích
Đôi tay diệu kỳ

/ vnexpress.net