“Thứ nhất chọn nghề. Thứ nhì làm nhà. Thứ ba lấy vợ” - Đó là ba cái sự quan trọng nhất trong đời một người đàn ông. Bình thường sẽ là “Người chọn nghề”. Chọn nghề đúng sở trường sở đoản của mình, đó là nền tảng để có một tương lai bền vững.
Tinh dầu trầm, một sản phẩm cao cấp của Công ty Trầm hương Khánh Hòa |
Nhưng cũng có những trường hợp mà “nghề lại chọn người” và khi nhìn vào sự nghiệp người đó gây dựng được và khát vọng của họ cho sự phát triển của ngành nghề họ theo đuổi thì càng thấy rõ “Trời giao cho họ làm công việc đó.”
Và một trong những người như vậy đó là doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa.
Nếu theo kiểu “người chọn nghề” thì Nguyễn Văn Tưởng đã trở thành một anh cán bộ kỹ thuật viễn thông, hoặc một nhà báo - bởi vì anh được học về nghề kỹ thuật, và khởi nghiệp bằng công việc của một anh cán bộ kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam, thường trú tại Tây Nguyên.
Nhưng rồi cuộc đời xô đẩy, khiến anh đi vào con đường kinh doanh Trầm hương - Một loại cây có thể gọi là “Quốc bảo” của Việt Nam.
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa |
Thật ra, cây Trầm cũng có ở một số quốc gia khác như Indonesia; Malaysia; Myanmar…Nhưng Trầm hương của Việt Nam mà tập trung nhiều nhất ở tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Đắk Lắk… là Trầm hương tốt nhất, có giá trị cao nhất thế giới, và cũng là loại cây được giới nhà giàu ở Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan săn lùng nhiều nhất.
Thế giới biết dùng Trầm hương từ thời cổ đại. Trầm hương đã là vật trao đổi, buôn bán thời đó vì họ coi Trầm hương là loại cây linh thiêng nhất, khói Trầm là có thể kết nối giữa người trần với thế giới tâm linh. Đây chính là nguyên nhân để Trầm hương trở thành báu vật của các tôn giáo.
Nói về những giá trị của cây Trầm thì mất nhiều trang giấy và cũng đã có rất nhiều tài liệu của nhiều quốc gia nghiên cứu về Trầm. Trung Quốc, chẳng có cây Trầm nào, nhưng họ tiêu thụ Trầm nhiều nhất thế giới và có hẳn một Viên nghiên cứu Trầm hương. Còn chuyện về “ngậm ngải tìm trầm” của Việt Nam thì đã có từ xửa từ xưa và bên cạnh những sự thật về nỗi cơ cực của người tìm trầm thì thường pha chút huyền thoại, chút linh thiêng…
Nguyễn Văn Tưởng lao vào kinh doanh, chế tác và nghiên cứu trồng, phát triển cây Trầm (hay còn gọi là cây Dó Bầu) - loại cây duy nhất sản sinh ra Trầm - như một định mệnh, và dường như anh được chọn để làm người “Phụng sự cây Trầm”.
Khi bắt đầu gắn bó với Trầm, Nguyễn Văn Tưởng gặp không ít khó khăn, thậm chí còn bị ông bạn lừa bán gần sạch cơ nghiệp dựng được ở Hà Nội. Nhưng không một lời trách móc bạn, không oán thán… Tưởng lao vào gây dựng từ đâu. Và dường như tấm lòng của anh với Trầm hương đã cảm được với thần linh và từ năm 2007, anh làm ăn tương đối thuận lợi . Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng cũng tự nhận thấy mình là người gặp may trong nghề làm Trầm hiếm có.
Bây giờ, chưa nói đến khối tài sản khổng lồ là những khối Trầm, Kỳ Nam trong Bảo tàng Trầm hương tại thành phố Nha Trang, Tưởng còn có một khu trồng cây Trầm rộng hàng nghìn hecta, và có cơ sở chế tác các vật phẩm bằng gỗ Trầm, cơ sở chiết xuất tinh dầu Trầm ở một số địa phương.
Bảo tàng Trầm hương của doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng đang là một điểm thăm quan rất được chú ý ở Nha Trang. Trung bình mỗi ngày có trên dưới 1000 ngàn khách tới chiêm ngưỡng những tác phẩm cực kỳ độc đáo của thiên nhiên ban tặng và của những bàn tay các nghệ nhân Việt và cái hay là không phải trả tiền, mà lại còn được phục vụ chu đáo về nước uống, nơi nghỉ chân.
Công ty Trầm hương Khánh Hòa của anh chưa bao giờ để các cơ quan quản lý doanh nghiệp của Khánh Hòa phải “lăn tăn” về hoạt động của Công ty: Thuế nộp đầy đủ, quyền lợi của người lao động được đảm bảo; có nhiều đóng góp lớn cho hoạt động an sinh xã hội của tỉnh Khánh Hòa và các địa phương có cơ sở sản xuất của công ty; tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa lớn, có tiếng vang giúp quảng bá cho ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa… Tuy vậy Nguyễn Văn Tưởng cũng là doanh nhân khá “kín tiếng” và biết tránh hư danh, hư vinh. Đặc biệt trong các hoạt động xã hội từ thiện, Tưởng đóng góp giúp đỡ cho người nghèo, xây dựng trường học… rất lặng lẽ và biết tránh xa sự soi mói của báo chí.
Bảo tàng Trầm hương |
Nhưng Nguyễn Văn Tưởng không bằng lòng với những gì anh đã làm được đối với cây Trầm.
Trời đã chọn anh để “phụng sự cây Trầm” vậy phải làm thế nào để xứng đáng với “lòng tin” linh thiêng - Đó là niềm day dứt khôn nguôi của Nguyễn Văn Tưởng.
Với anh, cây Trầm không phải là cây giúp nông dân “xóa đói giảm nghèo” mà là “giúp người nghèo làm giàu”. Nhưng để làm giàu bằng trồng cây Trầm, phải có thời gian lâu, thậm chí rất lâu… Anh cho biết một cây Trầm từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch được Trầm (chất lượng trung bình) thì phải mất ít nhất 15 năm. Còn để có Trầm chất lượng cao thì phải nhiều năm nữa. Chính vì vậy cần phải giúp người nông dân thay đổi tư duy về cây Trầm, và quan trọng là phải giúp họ trồng Trầm: Giúp bằng cây giống, bằng kỹ thuật, bằng phân bón và giúp họ phải có cái ăn, cái mặc trong lúc chờ đợi. Nhưng muốn làm được điều này cần phải có kế hoạch căn cơ, bài bản và phải đi từ gốc… Nghĩa là cần phải có những nghiên cứu khoa học về sự sinh trưởng, phát triển và tạo Trầm của cây. Phải biết được từng loại cây Trầm, rồi thổ nhưỡng nào phù hợp, lúc nào được trồng, lúc nào được tạo vết thương để cây tạo Trầm; rồi phải nghiên cứu để sử dụng Trầm sao cho hiệu quả kinh tế cao nhất và độc đáo nhất… Muốn vậy cần phải có một Viện Nghiên cứu Trầm hương. Cây Trầm và các chế phẩm của Trầm chỉ có thể vươn tầm thế giới, trở thành cây quốc bảo của Việt Nam khi đã có những nghiên cứu khoa học đầy đủ và ứng dụng được vào thực tiễn.
Nguyễn Văn Tưởng đang làm thủ tục để xin thành lập Viện Nghiên cứu Trầm hương và với tiềm lực tài chính của mình, chắc chắn Viện sẽ chiêu mộ được những nhà khoa học, sẽ có được những thiết bị khoa học tiên tiến nhất, để phân tích được tới… tận cùng của cây Trầm.
Một khát vọng nữa của doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng là xây dựng “Trung tâm Giao dịch Trầm hương thế giới” tại Nha Trang. Nếu có Trung tâm này, chắc chắn các doanh nhân kinh doanh Trầm trên thế giới, rồi giới nhà giàu của Trung Đông, Nhật Bản, Trung Quốc… sẽ phải đến để có được những sản phẩm từ cây Trầm mà không phải lo bị nhầm hàng kém chất lượng, hoặc hàng giả. Đến với Trung tâm giao dịch Trầm hương, họ cũng sẽ có được những sản phẩm mang tính “quốc bảo” từ một loại cây quốc bảo của Việt Nam.
Và một điều rất quan trọng mà doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng mong muốn là sẽ góp phần vào thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa.
Làm thế nào để cây Trầm không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn là một loại cây, cùng với sản phẩm từ cây Trầm; cách sử dụng, cách thưởng lãm sẽ mang đậm và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt - Đó là mong muốn, là khát vọng của doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng. Và nếu không làm được điều đó, thì anh là người có lỗi với cây Trầm.
Nguyễn Như Phong
Theo Tạp chí Phương Đông
Bảo tàng trầm hương hơn 200 tỷ đồng ở Nha Trang Bảo tàng hoạt động năm 2017 do ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch HĐQT Công ty Trầm hương Khánh Hòa xây dựng, trưng bày ... |
Trầm luân với... cây trầm hương: Kỳ 2 - Bao giờ trầm hết trầm luân? Ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty Cổ phần Trầm hương Khánh Hòa - nói, trầm hương là linh khí ... |
Trầm luân với... cây trầm hương “Khánh Hòa là xứ trầm hương. Nhắc đến trầm hương là nhắc đến Khánh Hòa và nói đến Khánh Hòa là nói đến trầm hương…”. |