Người đồng sáng lập WikiLeaks Julian Assange hôm 26/6 đã đến tòa án Mỹ ở Quần đảo Bắc Mariana, nơi ông dự kiến đồng ý nhận tội để được thả.

Theo RT, Assange bước vào Tòa án quận Quần đảo Bắc Mariana của Mỹ ở Saipan, hơn 24 giờ sau khi ông rời Vương quốc Anh trên một chuyến bay thuê. Người sáng lập WikiLeaks trước đó được thả khỏi nhà tù Belmarsh ở London.

Trong bộ vest đen, Assange không trả lời các câu hỏi của báo chí khi đi qua máy dò kim loại vào tòa án. Đi cùng ông là cựu Thủ tướng Australia kiêm đại sứ Australia hiện tại tại Mỹ, Kevin Rudd.

Người sáng lập WikiLeaks đến tòa Mỹ. (Ảnh: RT)

Người sáng lập WikiLeaks đến tòa Mỹ. (Ảnh: RT)

Trước đó, Assange được phép rời Belmarsh sau khi các luật sư của ông đạt được thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp Mỹ. Theo tài liệu tòa án, ông chủ cũ của WikiLeaks sẽ nhận tội âm mưu thu thập và phổ biến thông tin quốc phòng, nhận bản án 62 tháng tù. Năm năm Assange ở Anh sẽ được tính vào bản án này, có nghĩa là ông sẽ được tự do trở về quê hương Australia sau khi tòa tuyên án. 

Sau khi bị cảnh sát Anh bắt giữ vào năm 2010 vì cáo buộc tấn công tình dục nhưng sau đó cáo buộc được hủy bỏ, Assange tại ngoại vào năm 2012 và được cấp quy chế tị nạn tại đại sứ quán Ecuador ở London. Ông ta lại bị bắt vào năm 2019 khi Ecuador thu hồi quyền tị nạn này. Sau đó Assange trải qua 1.901 ngày tiếp theo trong nhà tù Belmarsh, phần lớn thời gian bị biệt giam.

Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng chống lại Assange vào ngày ông bị bắt, trong đó buộc 17 tội danh gián điệp. Assange đã dành 5 năm tiếp theo để đấu tranh pháp lý chống dẫn độ về Mỹ, nơi ông có thể phải đối mặt với mức án lên tới 175 năm sau song sắt nếu bị kết án.

Các cáo buộc chống lại Assange bắt nguồn từ việc Wikileaks công bố tài liệu mật mà một số người tố giác thu được, bao gồm các tài liệu của Lầu Năm Góc nêu chi tiết các cáo buộc tội ác chiến tranh của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

Phiên tòa hôm 26/6 sẽ đánh dấu chương cuối cùng trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 14 năm đối với Assange. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cảnh báo rằng vụ việc có thể khiến các nhà báo ngừng xuất bản các tài liệu mật trong tương lai.

Phương Anh / VTC News