Đã đến lúc mỗi công dân Việt Nam không thể thờ ơ trước nạn xả rác. Rác nhiều đến mức như một thứ giặc tấn công con người, rác đang giết chết sự văn minh mà con người đang cố gắng xây dựng, rác đang hủy hoại cái gọi là văn hóa mà con người vốn tự hào.

Bãi rác thải Da Lợn, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Tiến Nguyễn

Rác làm cho chúng ta xấu hổ trước thế giới văn minh. Rác làm cho chúng ta thấp bé trong con mắt khách quốc tế. Rác xua đuổi du khách khiến cho ngành du lịch quốc gia không ngóc lên nổi. Rác đe dọa sức khỏe của cả cộng đồng.

Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến ngập rác, nhiều hồ của TP.Hà Nội biến thành nơi đổ rác, mùi xú uế là nỗi ám ảnh của cư dân trong vùng. TPHCM cũng ngập rác, có nơi xử lý rác là bãi rác Đa Phước, thì nơi đó gây ra mùi hôi thối kinh khủng, nhờ cậy các nhà khoa học tìm cách cứu chữa, nhưng vẫn chưa tìm ra kế.

Đảo Phú Quốc là đảo ngọc, là địa chỉ du lịch nổi tiếng của Việt Nam được thế giới biết đến, nhưng hiện nay nó là một hòn đảo rác. Đến Phú Quốc, người có nhận thức về môi trường cảm thấy nổi giận, bởi vì người ta đang hủy diệt một thắng cảnh tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng.

Núi thiêng Yên Tử cũng là một núi rác. Khách hành hương cứ mạnh tay xả rác vào rừng, năm này qua tháng khác, thiên nhiên không đủ sức tự làm sạch, và nhiều nơi của ngọn núi bị ô nhiễm và bị đánh mất đi cái đẹp của cây cỏ, thay vào đó là rác.

Nhiều di tích, thắng cảnh của Việt Nam bị rác tấn công, làm cho xấu xí, dơ bẩn, ô nhiễm. Nhiều tuyến phố trong các thành phố, thị trấn của Việt Nam là những con đường rác.

Người có ý thức không xả rác thì quá ít, người xả rác đông gấp ngàn lần. Trai thanh gái lịch nhưng vừa đi, vừa ăn, vừa xả rác; người giàu có ngồi trong xe hơi sang trọng nhưng vứt rác ra đường. Nhiều khu phố sở hữu những đống rác to ngay dưới tấm bảng “Khu phố văn hóa”.

Nhiều nước, không chỉ là những nước giàu có và văn minh không bao giờ có nạn xả rác. Đừng nói Singapore vì quá cũ, Lào cũng là một đất nước sạch sẽ, không có tình trạng xả rác.

Một quốc gia sẽ không thể trưởng thành khi công dân của quốc gia đó xả rác bừa bãi. Làm quan chức trong một địa phương có nhiều rác thì phải thấy xấu hổ và nhận trách nhiệm của mình. Làm công dân của một quốc gia đầy rác cũng phải tự thấy xấu hổ và nhận trách nhiệm.

“Cuộc chiến” với rác - bao giờ có giải pháp hữu hiệu?

Rác lổn ngổn trên bãi tắm, rác dập dềnh trên biển, rác ngập trong khu dân cư, tràn ra cả tuyến lộ... Hình ảnh dơ ...

Cuộc chiến với rác thải nhựa tại Phú Quốc lên báo nước ngoài

Người dân Phú Quốc lo ngại khách du lịch sẽ không quay trở lại hòn đảo nếu biển ô nhiễm, song nhiều người vẫn quen ...

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nguoi-viet-phai-xau-ho-vi-rac-570249.ldo

/ Lê Thanh Phong/Báo Lao động