30 năm kể từ khi thỏa thuận khai thác thương mại giữa Việt Nam và Malaysia tại vùng biển PM3 được ký kết, nguồn khí từ mỏ PM3-CAA và hệ thống khí PM3 – Cà Mau không ngừng phát huy hiệu quả, đem nguồn năng lượng quý giá về phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm bừng dậy sức sống mới cho vùng đất cực Nam Tổ quốc và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Lịch sử hình thành và phát triển Hệ thống khí PM3 – Cà Mau

Mỏ khí PM3-CAA nằm trong vùng “Thỏa thuận thương mại” giữa Việt Nam và Malaysia, có trữ lượng khoảng 52,3 tỷ m3 khí và lô 46/Cái Nước có trữ lượng khoảng 2 tỷ m3 khí được nhà thầu Lundin lập Kế hoạch phát triển mỏ chi tiết. Thỏa thuận thương mại về phân chia sản phẩm vùng mỏ PM3-CAA được ký kết vào ngày 25/8/1993 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas). 

Các đồng chí lãnh đạo Petrovietnam, PV GAS tham gia các chương trình an sinh xã hội vì Cà Mau 

Với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Dự án Hệ thống khí PM3 – Cà Mau được Petrovietnam triển khai với hệ thống đường ống khí dài 325 km đường ống 18’’ (298km đường ống biển và 27km đường ống bờ), 2 trạm khí và 1 Trung tâm phân phối khí để cung cấp khí cho 2 Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 với tổng công suất 1.500 MW, Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn urê/năm và Nhà máy Xử lý Khí (GPP) Cà Mau với công suất 600 tấn LPG và 34 tấn condensate/ngày. Công trình bắt đầu thi công từ tháng 6/2005, nhận dòng khí đầu tiên vào ngày 29/4/2007 và cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau 1, Nhà máy Điện Cà Mau 2, Nhà máy Đạm Cà Mau và GPP Cà Mau lần lượt vào các ngày 15/5/2007, 28/5/2008, 15/9/2011 và 6/12/2017.

Để tiếp nhận, quản lý, vận hành Hệ thống khí PM3 – Cà Mau, ngày 3/7/2006 Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã thành lập Công ty Khí Cà Mau (KCM) để tiếp nhận, quản lý, vận hành GPP Cà Mau - mảnh ghép hoàn thiện toàn bộ Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn bộ Hệ thống. 

Những cột mốc đáng nhớ của Hệ thống khí PM3 - Cà Mau

Trải qua 17 năm hoạt động, Hệ thống khí PM3 - Cà Mau luôn duy trì vận hành an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường; cung cấp hơn 27 tỷ m3 khí cho các hộ tiêu thụ tại khu vực để sản xuất hơn 9 triệu tấn urê, hơn 108 tỷ KWh điện, hơn 746 nghìn tấn LPG và hơn 48 nghìn tấn condensate. Doanh thu hàng năm từ Hệ thống khí PM3 – Cà Mau đạt hơn 3,5 nghìn tỷ đồng, tích lũy đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng; tổng nộp ngân sách tỉnh Cà Mau mỗi năm đạt hơn 800 tỷ đồng, tích lũy đến nay đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Hệ thống khí PM3 – Cà Mau đã thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 200 người lao động cho Công ty Khí Cà Mau và hơn 1.000 lao động cho Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

Thi công đường ống dẫn khí đoạn tiếp bờ vào Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau 

Những năm qua, KCM đã có nhiều sáng kiến, cải tiến được các cấp công nhận, mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị; đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng sáng tạo như được tuyển chọn vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021; đạt Giải Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức; đạt Giải Ba Cuộc thi “Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương” năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức cùng khá nhiều các tôn vinh cá nhân và tập thể các cấp, chứng nhận phong trào sáng tạo mạnh mẽ của KCM.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, KCM luôn đồng hành, chung tay với tỉnh Cà Mau và miền Tây thực hiện công tác an sinh xã hội. Tổng đóng góp tích lũy đến nay hơn 14 tỷ đồng với nhiều hoạt động ý nghĩa như hỗ trợ xây dựng cầu - đường - trường học, trao tặng học bổng, trao tặng tủ sách phát triển văn hoá đọc, phối hợp tổ chức các chương trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho người nghèo và nhiều chương trình thiết thực khác để góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương. 

Trung tâm phân phối khí Cà Mau

Với những cống hiến không ngừng nghỉ, tập thể Công ty Khí Cà Mau tự hào và vinh dự nhận được Huân chương Lao động Hạng 3, nhiều bằng khen/giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền và giấy chứng nhận “Doanh nghiệp Đạt chuẩn Văn hóa Kinh doanh” năm 2022.

Duy trì vị thế chủ đạo trong ngành công nghiệp khí khu vực Tây Nam Bộ

Để Công ty Khí Cà Mau phát triển bền vững, ổn định, đồng thời tiếp tục giữ vai trò chủ đạo ngành công nghiệp khí khu vực Tây Nam Bộ, bên cạnh việc duy trì vận hành an toàn - liên tục - hiệu quả hệ thống khí PM3 - Cà Mau hiện hữu, KCM còn đang tích cực phối hợp nghiên cứu, đánh giá để triển khai nhiều dự án khí tại khu vực Tây Nam Bộ như Lô B - Ô Môn, Nam Du - U Minh, hệ thống khí LNG, khả năng sản xuất Hydrogen xanh,… nhằm đảm bảo nguồn cung khí trong giai đoạn các nguồn khí hiện hữu đang suy giảm, cũng như tìm kiếm nguồn năng lượng mới phù hợp xu thế chuyển dịch năng lượng trong tương lai. 

Biểu tượng của Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau 

Với kinh nghiệm 17 năm hình thành và phát triển, với đội ngũ người lao động năng động sáng tạo, KCM đã khẳng định được vị thế tiên phong tại khu vực Tây Nam Bộ trong quản lý vận hành hiệu quả Hệ thống khí PM3 – Cà Mau, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khí, tôn vinh thương hiệu PV GAS, tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thành công của Hệ thống khí PM3 – Cà Mau đã và đang chứng thực quá trình sử dụng hiệu quả nguồn khí PM3-CAA và Block 46 - Cái Nước, góp phần vào thành công chung của Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, một công trình trọng điểm quốc gia, là “điểm sáng” của ngành Dầu khí.

 Nguồn năng lượng “thắp sáng” vùng cực Nam Tổ quốc (pvgas.com.vn)

PV / Cổng thông tin điện tử PV GAS