Việc Nhật và Hàn Quốc tăng cường năng lực quân sự để đối phó với Triều Tiên sẽ dẫn đến một cuộc đua vũ trang ở châu Á.

nguy co chau a chay dua vu trang vi ten lua trieu tien
Đường bay 3.700 km của tên lửa Triều Tiên phóng qua Nhật Bản (bấm vào hình để xem chi tiết). Đồ họa: Việt Chung.

Triều Tiên sáng 15/9 phóng một tên lửa đạn đạo từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng về phía đông, bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Tên lửa bay khoảng 3.700 km, đạt độ cao tối đa 770 km, cao và xa hơn các lần thử trước đó. Giới chuyên gia cho rằng nếu Triều Tiên làm chủ được công nghệ tên lửa hạt nhân, châu Á có nguy cơ rơi vào một cuộc đua vũ trang chưa từng có từ thời Chiến tranh Lạnh, theo Nikkei.

Dù nhiều lần được Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết đảm bảo an ninh "100%", giới lãnh đạo Nhật Bản bắt đầu hoài nghi về hiệp ước liên minh Mỹ - Nhật, trong bối cảnh họ phải đối mặt với khả năng Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân.

"Khi Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, hiệp ước an ninh dù mạnh đến đâu cũng có thể không còn đủ sức đảm bảo an toàn cho Nhật Bản", một quan chức an ninh trong chính phủ Nhật Bản cho biết.

Khi Bình Nhưỡng ngày càng tiến gần tới khả năng sở hữu tên lửa hạt nhân, không chỉ có Tokyo cần xem xét lại chính sách và liên minh quốc phòng tồn tại hàng thập kỷ qua. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng cho phép triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên đất Hàn Quốc, đảo ngược cam kết khi tranh cử tổng thống. Giới hoạch định quân sự Nhật Bản khẳng định nước này cần nhanh chóng nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa trước mối đe dọa mới.

Một số chuyên gia dự đoán Triều Tiên có thể triển khai vũ khí hạt nhân trong vòng hai năm tới, bất chấp việc nước này phải chịu thêm các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc. Khi đó, châu Á sẽ chứng kiến một cuộc đua vũ trang chưa từng có từ thời Chiến tranh Lạnh.

"Dư luận Hàn Quốc ngày càng ủng hộ việc sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó Triều Tiên, trong khi Nhật Bản đang cân nhắc triển khai lá chắn tên lửa Aegis trên đất liền. Việc này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đặc biệt trong quan hệ với Nga và Trung Quốc", ông Masao Okonogi, chuyên gia Triều Tiên thuộc Đại học Quốc tế Tokyo, nhận định.

Giới phân tích cho rằng "hiệu ứng domino hạt nhân" sẽ khó xảy ra, do chính sách và cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc tăng cường năng lực quân sự sẽ dẫn đến rủi ro mới trong khu vực, vốn đã căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải trong những năm gần đây.

Trung Quốc nhiều lần phản đối quyết định bố trí hệ thống THAAD ở Hàn Quốc. Bất kỳ nỗ lực tăng cường an ninh nào của Tokyo cũng sẽ bị Bắc Kinh coi là mối đe dọa an ninh. "Có thể sẽ xảy ra nhiều biến cố ở khu vực Đông Bắc Á trong những năm tới", ông Tetsuo Kotani, học giả tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, nêu quan điểm.

Tokyo cho rằng Bình Nhưỡng khó có khả năng đánh phủ đầu họ bằng tên lửa hạt nhân. Điều đáng lo ngại nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thực hiện hành động quân sự với Triều Tiên mà không tham vấn trước với Nhật Bản.

Chạy đua vũ trang

Nhật Bản muốn nâng cấp đáng kể năng lực phòng thủ trước mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, trong đó bao gồm việc mua hệ thống Aegis mặt đất (Aegis Ashore) có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và hệ thống phòng không Patriot PAC-3 cải tiến.

Hệ thống Aegis Ashore có thể bảo vệ một khu vực rộng lớn, chỉ cần hai tổ hợp để bao trùm toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ mất vài năm, trong khi đơn giá 18,5 triệu USD cho mỗi quả đạn đánh chặn là quá đắt đỏ, buộc Nhật Bản phải tăng chi tiêu quốc phòng. Ngoài ra, Tokyo cũng đang cân nhắc xây dựng khả năng đánh phủ đầu các căn cứ chứa bệ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ở Hàn Quốc, Tổng thống Moon phản đối ý tưởng xây dựng kho vũ khí hạt nhân, nhưng cũng đang tăng chi tiêu quốc phòng. Ông dự kiến tăng ngân sách quốc phòng lên mức 38 tỷ USD trong năm 2018, cao hơn ba tỷ USD so với năm nay. Seoul cũng tuyên bố thành lập một đơn vị đặc nhiệm chuyên đột kích xuyên biên giới để ám sát ban lãnh đạo của Bình Nhưỡng.

"Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng của Tokyo và Seoul chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đua vũ trang trong khu vực. Quy mô và nhịp độ của họ khác hoàn toàn với Triều Tiên và Trung Quốc, buộc hai nước này phải đẩy mạnh năng lực quân sự để đáp trả", chuyên gia Kotani nhấn mạnh.

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/nguy-co-chau-a-chay-dua-vu-trang-vi-ten-lua-trieu-tien-3641838.html

/ vnexpress.net