Vụ va chạm giữa máy bay không người lái (UAV) Mỹ với tiêm kích Nga hôm 14/3 dấy lên lo ngại về nguy cơ từ tính toán sai lầm giữa quân đội hai nước.

Theo Bộ Tư lệnh châu Âu (EUCOM) của Mỹ, máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper bị bắn hạ khi đang “hoạt động trong không phận quốc tế”. Một trong 2 chiếc Su-27 của Nga đã “đâm vào cánh quạt của MQ-9” khiến nó bị rơi xuống biển Đen.

"Hành động gây hấn của Nga là nguy hiểm và có thể dẫn đến những tính toán sai lầm cũng như rủi ro leo thang ngoài ý muốn", tuyên bố của (EUCOM) nêu.

Tướng James Hecker, chỉ huy Lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, cho biết máy bay không người lái quân đội Mỹ thường xuyên "tiến hành các hoạt động trong không phận quốc tế", nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động bay tương tự sau sự vụ đồng thời kêu gọi người Nga “hành xử một cách chuyên nghiệp và an toàn”.

230314-MQ-9-Reaper-ew-108p-6c3-9989-9926-1678851566
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Đáp trả cáo buộc của Mỹ, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố UAV Mỹ rơi ở biển Đen không liên quan hai tiêm kích Su-27 của nước này. "Máy bay Nga không sử dụng vũ khí trên khoang, không tiếp xúc với thiết bị bay không người lái Mỹ và đã trở về sân bay an toàn", tuyên bố Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng cáo buộc UAV MQ-9 của Mỹ đã xâm phạm ranh giới không phận tạm thời được thiết lập tại bán đảo Crimea cho chiến dịch quân sự đặc biệt. 

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vẫn chưa nói chuyện được với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu về vụ việc. Cuộc điện đàm gần nhất giữa người đứng đầu quân đội 2 nước là vào tháng 10 năm ngoái.

Tháng 3/2022, Lầu Năm Góc thiết lập "đường dây giảm xung đột" để liên lạc trực tiếp với quân đội Nga nhằm ngăn chặn tính toán sai lầm và nguy cơ leo thang trong xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết một các cuộc gọi mà họ thực hiện trên đường dây nóng này không nhận được phản hồi từ Nga.

 

Các quan chức và chuyên gia quốc phòng hàng đầu của Mỹ đã nhanh chóng chỉ ra tính chất bất thường của vụ việc. Người đứng đầu Lực lượng không quân Mỹ - tướng Frank Kendall, sự cố UAV Mỹ bị rơi ở biển Đen trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine là điều không bình thường.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho rằng, các vụ chạm trán giữa máy bay Mỹ và Nga không phải là hiếm, từ đầu năm đến nay, một số trường hợp xảy ra gần không phận Alaska.

Tuy nhiên, vụ va chạm là sự cố trên không đầu tiên giữa Nga và một thành viên NATO kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Theo giới phân tích, điều này phản ánh thực tế rằng những hệ lụy từ cuộc chiến và nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến leo thang căng thẳng là rất lớn.

Vụ việc nhận sự quan tâm, phản ứng gay gắt từ nghị sĩ Quốc hội Mỹ. Hạ nghị sĩ Mike Rogers - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ gọi vụ việc là “bằng chứng cho thấy mối đe dọa mà Nga gây ra đối với Mỹ và NATO vẫn chưa giảm".

Phát biểu tại Thượng viện Mỹ, Lãnh đạo đa số Thượng viện Charles Schumer gọi vụ vệc là hành động “trơ trẽn”  “nguy hiểm” từ Nga. "Tôi muốn nói với ông Putin rằng hãy dừng hành động như vậy lại trước khi hứng căng thẳng leo thang ngoài ý muốn. Chúng tôi đã chứng kiến ​​hành vi tương tự của quân đội Nga trước đây và điều đó sẽ không ngăn cản quân Mỹ tiến hành các hoạt động trên biển Đen”, ông cảnh báo.

Theo Becca Wasser - chuyên gia tại viện nghiên cứu Trung tâm An ninh mới của Mỹ, sự cố va chạm UAV ở biển Đen có thể nghiêm trọng hơn so với những lần chạm mặt trước đây. Tuy nhiên, vị này nhận định, sự cố này liên quan đến một máy bay không có người lái nên căng thẳng khó có thể bùng nổ thành xung đột. 

"Vụ việc gây lo ngại sâu sắc trong bối cảnh hiện nay, song thực tế khó leo thang bởi máy bay bị rơi là UAV", bà Becca Wasser nói, đồng thời chỉ ra một sự cố tương tự vào năm 2019 khi Iran bắn hạ một chiếc RQ-4 Global Hawk mà không dẫn đến phản ứng quân sự trực tiếp từ Mỹ.

Trong khi đó, Stephen Twitty, cựu phó chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), nhận định sự việc có thể được Nga và Mỹ dàn xếp, song ông nhấn mạnh điều quan trọng là Washington không có những hành động làm căng thẳng leo thang thêm.

"Chúng ta không thể liều lĩnh đẩy cả hai nước vào xung đột trực tiếp. Chúng ta không thể để Nga kích động Mỹ làm điều gì đó phi lý. Sự việc này không chỉ liên quan đến Mỹ và còn ảnh hưởng tới 29 quốc gia khác thuộc NATO", ông nói, cho rằng Mỹ "cần hành xử hợp lý để không đẩy NATO vào một cuộc xung đột trực diện với Nga".

KÔNG ANH / VTC NEWS