9 doanh nghiệp vận tải của Quảng Nam và Đà Nẵng với khoảng 100 xe buýt đang đứng trước nguy cơ bị khai tử; 300 tài xế, nhân viên có thể thất nghiệp nếu UBND TP.Đà Nẵng thống nhất chủ trương của Sở GTVT TP.Đà Nẵng, không cho các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng hoạt động ở khu vực nội thành TP.Đà Nẵng.
Ông Hồ Tấn Ba - Giám đốc HTX Vận tải KDTH TP. Tam Kỳ (bên trái) phản đối chủ trương của Sở GTVT TP. Đà Nẵng về việc không cho xe buýt Quảng Nam - Đà Nẵng vào nội thành. Ảnh: L.P
Xe buýt gần 20 tuổi sắp khai tử?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng có 5 tuyến xe buýt liền kề không trợ giá gồm: Hội An - Đà Nẵng, Ái Nghĩa - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Đà Nẵng, Phú Đa - Đà Nẵng và Quế Sơn - Đà Nẵng phục vụ nhu cầu đi lại của khoảng 10.000 lượt khách/ngày, tạo thói quen đi lại cho nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, đầu năm 2017, Sở GTVT TP. Đà Nẵng có văn bản đề xuất UBND TP. Đà Nẵng điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng không đi vào nội thành TP. Đà Nẵng. Điều này gây bức xúc và hoang mang cho 9 doanh nghiệp của 2 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và 300 tài xế, nhân viên đang làm việc trên các tuyến xe buýt này.
Mới đây, 9 doanh nghiệp nói trên đồng loạt ký vào văn bản kiến nghị gửi UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và Sở GTVT của 2 địa phương này phản đối kiến nghị của Sở GTVT TP.Đà Nẵng điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa Quảng Nam và Đà Nẵng theo hướng không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng. Văn bản nêu rõ, nếu “việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng theo hướng không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng được áp dụng từ ngày 1.1.2019 thì đây là bản án tử đối với 5 tuyến xe buýt với gần 100 đầu xe và 300 tài xế, nhân viên của 9 doanh nghiệp”.
Theo ông Ông Văn Dũng - Giám đốc Xí nghiệp Vận tải, Công ty CPGT Vận tải Quảng Nam - các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng không trợ giá đã hoạt động từ những năm 1990, giải quyết nhu cầu đi lại của đông đảo công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân của Quảng Nam và Đà Nẵng. Mặt khác, các tuyến xe buýt này cũng giải quyết việc làm cho 300 tài xế, nhân viên của 2 tỉnh. “Nếu theo chủ trương của Sở GTVT TP.Đà Nẵng, từ 1.1.2019, lộ trình các tuyến thay đổi, tuyến Ái Nghĩa - Đà Nẵng chỉ được chạy về đến trung tâm hành chính của huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), tuyến Đà Nẵng - Hội An chỉ được chạy đến Trường Cao đẳng Việt - Hàn, tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng chỉ được chạy đến Bến xe Đức Long, các tuyến khác xuất phát từ huyện Quế Sơn, huyện Duy Xuyên cũng chỉ được chạy đến Bến xe Đức Long.
Như vậy, nếu người dân muốn vào trung tâm thành phố phải đi thêm 1 tuyến xe buýt khác, điều đó rất phức tạp, bất tiện. Chắc chắn rằng người dân không thể chấp nhận được cách lưu thông này. Hơn nữa, nếu chủ trương này thực thi thì khoảng 100 đầu xe buýt chỉ có thể bán sắt, 300 tài xế, nhân nhân viên thất nghiệp” - ông Dũng nói.
Sẵn sàng đổi mới để cạnh tranh
Theo ông Hồ Tấn Ba - Giám đốc HTX Vận tải KDTH TP. Tam Kỳ - riêng tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng có khoảng 12 xe, mỗi ngày chạy 32 chuyến. “Tuy nhiên, thời gian gần đây rất khó khăn. Đà Nẵng có xe buýt trợ giá Quảng An 1, Quảng Nam có loại xe 7 chỗ ngồi khiến hoạt động của xe buýt Quảng Nam - Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn. Riêng trong năm 2017, doanh thu chỉ bằng 50 - 60% so với trước đây. Xe buýt phải đi vào trung tâm thành phố để học sinh, sinh viên, nhân dân đi lại thuận lợi. Nếu chỉ được lưu thông ở rìa thành phố sẽ gây bất lợi cho nhân dân, hạn chế sự lưu thông của người dân các huyện. Xe buýt truyền thống hoạt động gần 20 năm không được trợ giá thì bị chèn ép, xe buýt có trợ giá lại được hỗ trợ, chừng mực nào đó tôi thấy bất bình trong sự điều hành chung” - ông Ba bức xúc.
Ông Văn Dũng cũng nêu rõ: “Nếu UBND TP. Đà Nẵng đồng ý cho các tuyến xe buýt Quảng Nam - Đà Nẵng hoạt động ở khu vực nội thành TP.Đà Nẵng thì 9 đơn vị vận tải sẵn sàng đầu tư mới phương tiện, lắp đặt hệ thống điều hòa, camera quan sát trên các xe, con người cũng được đổi mới với cách phục vụ tốt hơn, lịch sự hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng chủ động điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt để không vào sâu trung tâm thành phố, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt trợ giá Quảng An 1”.
Trước lo lắng của 9 doanh nghiệp vận tải của Quảng Nam và Đà Nẵng, ngày 25.4.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Đinh Văn Thu - ký văn bản gửi UBND TP.Đà Nẵng đề nghị: “Trước mắt tạm dừng, chưa thực hiện việc điều chỉnh hành trình chạy xe các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng; Rà soát lại nội dung điều chỉnh hành trình chạy xe các tuyến buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng trong quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP.Đà Nẵng để điều chỉnh quy hoạch các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng cho đi vào nội thành TP. Đà Nẵng. Từ đó kết nối với các tuyến xe buýt nội đô TP.Đà Nẵng đến các trường học, bệnh viện, nhà ga,… tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, học sinh, sinh viên”.
Người Sài Gòn hào hứng trải nghiệm buýt sông ngày đầu vận hành Trong ngày đầu vận hành tuyến buýt sông Bạch Đằng - Linh Đông, rất đông lãnh đạo TP cùng người dân đã trải nghiệm loại ... |
Một loạt cán bộ điều hành xe buýt tại TP HCM bị đình chỉ việc Phó giám đốc cùng 8 nhân viên trung tâm điều hành xe buýt bị đình chỉ công tác nửa tháng để điều tra liên quan tiêu ... |