Với công nghệ làm giả như thật, không ít người tưởng rằng lực lượng chức năng sẽ không thể phát hiện ra đâu là giấy phép giả, đâu là thật.

Tuy nhiên, với hệ thống dữ liệu liên thông và biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng, không khó để phát hiện.

Làm giả tinh vi cũng khó qua mắt CSGT

Khoảng 21h30 ngày 28/10, Tổ công tác Y10/141 do Thiếu tá Phạm Văn Luyến, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 11 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) làm Tổ trưởng làm nhiệm vụ theo kế hoạch tại đường Lạc Long Quân - Trích Sài, Hà Nội đã dừng xe kiểm tra nam tài xế xe máy có biểu hiện nghi vấn.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ Tổ công tác phát hiện lái xe Hà Anh C. (SN 2002, trú Đông Anh, Hà Nội) sử dụng GPLX nghi là giả.

nguy cơ vướng lao lý vì dùng bằng lái giả

Phiên tòa xét xử Phạm Đình Thành sử dụng GPLX giả xin làm tài xế, rồi gây TNGT làm một người tử vong

Trước đó, vào khoảng 20h30 tối 21/10, trong khi làm nhiệm tại đường Tố Hữu - Lương Thế Vinh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Tổ công tác Y10 cũng phát hiện Nguyễn Anh P. (SN 1997, trú TP Việt Trì, Phú Thọ), điều khiển xe máy BKS 19B1-616.xx dùng GPLX nghi là giả.

Các trường hợp sử dụng GPLX nghi là giả đều được bàn giao cho công an địa bàn xử lý. Theo đó, GPLX nghi là giả sẽ được bộ phận kỹ thuật hình sự giám định, kết luận.

Tại Đắk Lắk, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh này cũng vừa có kết luận giám định GPLX hạng A2 mang tên Y Ka Lep B (SN 2001, trú huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) là giả. Trước đó, ngày 22/9, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện Y Ka Lep B điều khiển xe máy chạy quá tốc độ. Qua đấu tranh, Y Ka Lep B khai nhận đã mua GPLX giả với giá 1,5 triệu đồng qua mạng xã hội.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tá Phạm Văn Luyến cho biết, hiện nay công nghệ làm giả GPLX rất tinh vi. Với công nghệ phát triển, những chiếc bằng lái xe đã được các đối tượng làm giả giống như thật. Nếu là người bình thường, không tiếp xúc với bằng lái xe nhiều, rất khó có thể phát hiện.

Tuy nhiên, Thiếu tá Luyện cho biết, bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, lực lượng CSGT bằng mắt thường đã phát hiện nghi vấn GPLX giả, như chất liệu GPLX giả thường mềm hơn GPLX thật, khi cầm và uốn nhẹ rất dễ cong vênh, ảnh của người được cấp GPLX cũng to hơn…

“Chúng tôi khi thấy nghi vấn sẽ tiến hành kiểm tra thông tin của GPLX nghi giả trên trang web gplx.gov.vn. Nếu tra cứu thông tin mà không có trên hệ thống thì khả năng rất cao GPLX đó là bằng giả. Lúc này, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng để làm rõ”, Thiếu tá Luyện cho hay.

Một cán bộ Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, dù có được làm giả tinh vi đến đâu, những chiếc GPLX giả thường không thể nào có được những chiếc phôi thật nên chữ, số và dấu trên bằng sẽ không sắc nét.

Nguy cơ bị xử lý hình sự

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, sử dụng bằng giả, giấy tờ giả sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự, tùy tính chất và mức độ nghiêm trọng.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng GPLX giả bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền căn cứ vào loại phương tiện mà họ điều khiển. Trong đó, đối với xe máy, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 0,8 - 4 triệu đồng; đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô khác sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.

“Một số người cho rằng, dùng GPLX giả, khi bị phát hiện chỉ bị tịch thu, xử phạt là xong. Nhưng nếu cố tình làm giả GPLX để đối phó khi gặp lực lượng chức năng hoặc tài xế sử dụng GPLX giả gây TNGT thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, khi dùng GPLX giả, tài xế không học lý thuyết, thực hành, không tham gia kỳ thi sát hạch cấp GPLX, đương nhiên không có kỹ năng, kinh nghiệm lái xe an toàn”, Thiếu tá Trần Quang Chinh nói.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích thêm, trường hợp tài xế cố ý làm hoặc sử dụng bằng giả để qua mắt cơ quan chức năng, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

 

Dễ mua nhưng cũng dễ vướng lao lý

Tại phiên xét xử sơ thẩm vừa diễn ra, TAND huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã tuyên phạt tài xế Phạm Đình Thành (SN 1996, trú xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) 36 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và 7 tháng tù về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Thành không có GPLX theo quy định nhưng đã sử dụng 1 GPLX giả để xin việc lái xe ô tô tải tại Công ty TNHH Môi trường xanh Hải Dương. Khoảng 5h10 ngày 12/1/2021, Thành điều khiển ô tô tải của công ty lùi tại nơi không được phép (là nơi đường bộ giao nhau), không có người cảnh giới để đảm bảo an toàn, dẫn đến va chạm với xe máy do anh Đào Kim Long (SN 1997 ở Hiệp Lực, Ninh Giang) điều khiển khiến anh Long tử vong tại hiện trường.

Trước đó, tháng 2/2022, TAND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã tuyên phạt Huỳnh Công Hòa (25 tuổi, trú Thăng Bình, Quảng Nam) 9 tháng cải tạo không giam giữ do sử dụng GPLX giả. Hòa cho biết, đã đặt mua GPLX này trên mạng xã hội. Và khi Hòa đi xe máy chở theo bạn trên đường Điện Biên Phủ (TP Đà Nẵng) thì bị lực lượng công an dừng xe kiểm tra, phát hiện.