Vụ bắn hạ UAV làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh ở Vùng Vịnh nhưng một số chuyên gia cho rằng Mỹ và Iran có thể có giải pháp ngoại giao.

nguy co xung dot no ra sau khi my tuyen bo ha trinh sat co iran
Tàu đổ bộ tấn công USS Boxer tại Thái Bình Dương hồi tháng 5. Ảnh: US Navy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một máy bay không người lái (UAV) Iran ngày 18/7 tiếp cận tàu đổ bộ USS Boxer ở eo biển Hormuz ở khoảng cách nguy hiểm, buộc tàu chiến Mỹ phải bắn hạ nó để tự vệ.

Đây là lần đầu tiên Mỹ có hành động với khí tài quân sự Iran sau một loạt sự kiện căng thẳng ở khu vực. Chính quyền Trump duy trì chính sách "gây áp lực tối đa" với Iran bằng các biện pháp trừng phạt bóp nghẹt nền kinh tế nước này, nhưng ngần ngại sử dụng vũ lực.

Tháng trước, Trump hủy chiến dịch không kích Iran vào phút chót, vốn được lên kế hoạch để đáp trả vụ Iran bắn hạ một UAV Mỹ. Vụ bắn hạ UAV Iran hôm 18/7 cho thấy Trump dường như đang vạch một "lằn ranh đỏ" nhằm thể hiện được sự cứng rắn với Iran bằng hành động quyết liệt hơn.

Đòn tấn công lần này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến ở Vùng Vịnh. Benjamin H. Friedman, giám đốc chính sách của tổ chức Defense Priority, cảnh báo rằng dù Iran và Mỹ đều nói rằng họ không muốn chiến tranh, "tính toán sai lầm có thể xảy ra và nhanh chóng biến thành một cuộc chiến lớn".

Deborah Haynes, chuyên gia về phân tích đối ngoại của Sky News, cho rằng việc tàu chiến Mỹ hạ UAV Iran sẽ bị Tehran coi là một "hành động thù địch", dù Lầu Năm Góc giải thích rằng đây chỉ là động thái tự vệ. Điều này có thể khiến các quan chức có đường lối cứng rắn của Iran tung ra các hành động trả đũa và đẩy khu vực tiến gần hơn tới bờ vực chiến tranh.

Nguy cơ đụng độ giữa hai bên càng lớn hơn nữa khi Mỹ muốn thành lập một liên minh gồm tàu chiến của nhiều quốc gia để hộ tống tàu dầu, tàu hàng đi qua eo biển Hormuz. Sự gia tăng hiện diện của tàu chiến nước ngoài ở eo biển này sẽ bị các tướng Iran coi là động thái khiêu khích từ phương Tây.

Tất cả những điều đó sẽ khiến quan hệ giữa Iran và Mỹ trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là trong bối cảnh chiến dịch gây áp lực tối đa bằng các lệnh cấm vận của Washington đã gây tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế Iran, nhưng nó chưa đạt được mục tiêu là khiến Tehran hạn chế chương trình hạt nhân. "Nó đã phản tác dụng khi đẩy Iran vào tình thế phải tăng cường làm giàu nguyên liệu hạt nhân và thúc đẩy chính sách cứng rắn ở khu vực", Friedman nói.

Iran tháng trước bắn hạ UAV Mỹ và tuần này bắt một tàu dầu nước ngoài ở eo biển Hormuz. Washington còn cáo buộc Tehran tấn công một số tàu dầu ở Vịnh Oman, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên quan đến thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPOA) tăng cao.

Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào năm ngoái và tung loạt lệnh trừng phạt nhằm cắt đứt nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, Tehran đã cố gắng thuyết phục các nước châu Âu giữ cam kết giúp họ thoát khỏi khó khăn về kinh tế. Khi EU không thể xây dựng được cơ chế thương mại đặc biệt với Iran, Tehran quyết định làm giàu uranium vượt giới hạn quy định trong JCPOA.

Giới chuyên gia cho rằng các hành động cứng rắn của Iran gần đây nhằm thể hiện họ đã hết kiên nhẫn và muốn gây sức ép để các nước khác can thiệp, kiềm chế Mỹ.

Tuy nhiên, Behnam Ben Taleblu, chuyên gia từ Tổ chức Bảo vệ Các nền dân chủ, nhận định vụ Mỹ bắn hạ UAV Iran không thể dẫn đến "Thế chiến III", khi Washington nhấn mạnh đây không phải là hành động trả đũa cho vụ bắn rơi trinh sát cơ không người lái hồi tháng trước.

Mục tiêu của Tehran khi tiến hành các biện pháp cứng rắn là buộc Washington chấm dứt chiến dịch gây áp lực tối đa và trở lại với thỏa thuận hạt nhân, không phải tìm kiếm một cuộc chiến quy mô lớn với nước này.

Mỹ và Iran đều để ngỏ khả năng đối thoại. Trump nói rằng chiến dịch gây áp lực tối đa có thể dẫn đến các cuộc đàm phán và nhấn mạnh tất cả những gì Mỹ muốn là "một thỏa thuận công bằng". Ngoại trưởng Iran tuần này đề xuất Iran có thể cho phép thanh sát viên Liên Hợp Quốc đến kiểm tra toàn bộ chương trình hạt nhân nếu Washington đồng ý gỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Haynes cho rằng cách duy nhất để tháo ngòi căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran là hai nước phải tiến hành một số hình thức đối thoại nhằm đi đến một thỏa hiệp mà cả hai bên đến nay vẫn chưa chịu chấp nhận.

"Chính quyền Mỹ nên sử dụng đề xuất của Iran như một cơ hội để thảo luận nghiêm túc trong nội bộ về những gì họ muốn và đánh giá lập trường của Iran", Richard Nephew, cựu quan chức Mỹ hiện làm việc tại Đại học Columbia, nói.

Phương Vũ (Theo Atlantic/Reuters)

nguy co xung dot no ra sau khi my tuyen bo ha trinh sat co iran Trump có thể 'vạch lằn ranh đỏ' khi tuyên bố hạ trinh sát cơ Iran

Tuyên bố tiêu diệt UAV Iran cho thấy Washington sẵn sàng hành động mạnh tay để bảo vệ lực lượng trước mối đe dọa từ ...

nguy co xung dot no ra sau khi my tuyen bo ha trinh sat co iran Tiết lộ vũ khí Mỹ hạ gục máy bay không người lái của Iran

Hệ thống tích hợp phòng không trên biển hạng nhẹ của Thủy quân lục chiến, được gọi là LMADIS, đã gây nhiễu chiếc máy bay ...

nguy co xung dot no ra sau khi my tuyen bo ha trinh sat co iran Nga kêu gọi Mỹ tránh mọi động thái có thể khiêu khích Iran

Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: "Mọi động thái thiếu thận trọng có thể dẫn tới các cuộc xung đột chứa đầy những hệ lụy khó ...

/ vnexpress.net