Ngày 21/4/1975, lúc 1 giờ chiều, Thiệu đã tuyên bố từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, điều mà Mỹ cần hơn một năm trước đó.

nguyen van thieu va tran thien khiem duoc my bo tri di tan ra nuoc ngoai nhu the nao
Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức ngày 21/04/1975
nguyen van thieu va tran thien khiem duoc my bo tri di tan ra nuoc ngoai nhu the nao
Trần Thiện Khiêm được Mỹ bí mật tổ chức trốn sang Đài Loan cùng Nguyễn Văn Thiệu

LTS: Cuối cùng sự ngoan cố cũng phải đầu hàng. Đó là trường hợp của Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 21/4/1975, lúc 1 giờ chiều, Thiệu đã tuyên bố từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, điều mà Mỹ cần hơn một năm trước đó. Nếu Thiệu từ chức vào thời kỳ Mỹ mong muốn (sau Hiệp định Paris), thì Mỹ đã tính được một kịch bản có lợi cho Mỹ. “Mỹ dứt nhưng vẫn đứng chân ở Việt Nam”. Thiệu không chịu sức ép của Mỹ khiến những người cầm đầu Nhà Trắng vô cùng tức tối. Kissinger đã từng gọi Thiệu là “điên khùng” và “láo xược” khi ông này đến Sài Gòn thuyết phục Thiệu chấp nhận giải pháp của Hiệp định Paris nhưng Thiệu lại phản đối Mỹ. Thiệu từ chức tuy có muộn nhưng giới chức cầm đầu Nhà Trắng đã đạt được mong muốn để họ tạo ra một kịch bản trước khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, nhưng đã chậm. Chỉ 9 ngày kể từ khi Thiệu từ chức, miền Nam đã được giải phóng hoàn toàn, Mỹ - ngụy chỉ kịp tháo chạy trước khi lực lượng quân giải phóng chiếm Sài Gòn.

Trở lại câu chuyện Thiệu từ chức Tổng thống. Ngay sau đó, Kissinger đã gửi thư cho Graham Martin, Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, yêu cầu Martin chuyển lời bày tỏ "lòng trân trọng" của Kissinger tới Nguyễn Văn Thiệu, và ngỏ ý muốn giúp Thiệu rời khỏi Việt Nam. Tiếp theo là Đại tướng Charles Timmes đã gặp Trần Thiện Khiêm bàn việc Thiệu ra nước ngoài. Những ngày sau đó là thời gian các nhân viên CIA ở Sài Gòn thực hiện kế hoạch đưa Thiệu ra nước ngoài.

nguyen van thieu va tran thien khiem duoc my bo tri di tan ra nuoc ngoai nhu the nao
Trần Văn Hương (chống ba toong) và Nguyễn Văn Thiệu trong những ngày sụp đổ cuối cùng

Có nhiều thông tin về cuộc di tản của Thiệu, nhưng bài tường thuật của Nguyễn Tấn Phận, người phụ trách lực lượng bảo vệ Trần Thiện Khiêm, cùng tháp tùng cuộc di tản của Thiệu và Khiêm, là tương đối đầy đủ các chi tiết của sự việc này. Phận viết và được đăng tải vào mùa thu năm 2008 tại California, Mỹ. Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông trích đăng một phần của bài viết này để bạn đọc tham khảo về cuộc ra đi của những người cầm đầu chính phủ bù nhìn của Mỹ, và được Mỹ giải thoát thế nào. “… Danh sách phái đoàn do cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trình lên Tổng thống Trần Văn Hương có nội dung như sau: (Tổng thống Thiệu viết tay

Kính trình Tổng thống Trần Văn Hương,

Thưa Cụ,

Để thực hiện công tác cụ giao phó, tôi kính xin cụ chấp thuận cho những sĩ quan sau đây gọi là thành phần tối thiểu cần thiết để giúp tôi, đi theo tôi trong suốt thời gian công du:

(Gồm có 8 người (có danh sách), là những người thân cận, trung thành với Nguyễn Văn Thiệu, và 4 người (có danh sách) là những người thân cận của Trần Thiện Khiêm) .

Đại tướng Trần Thiện Khiêm nhờ tôi trình cụ chấp thuận ./.

Kính chào Tổng thống

(ký tên Thiệu)

Tổng thống Trần Văn Hương phê thuận,

Đề ngày 25/4/75

Và ký tên Trần Văn Hương

Cựu Tổng thống Thiệu, với bản tính cố hữu, người luôn luôn nghĩ xa, ra lệnh cho Đại tá Cầm ở Đài Bắc làm nhiều bản photocopy danh sách phái đoàn do Tổng thống Trần Văn Hương chấp thuận, phát cho mỗi người một bản để trong trường hợp cần thiết có thể làm bằng chứng với Sở Di trú của quốc gia sẽ đến định cư. Lúc đó chúng tôi chưa biết đi đâu.

Để cho mọi việc có danh chính ngôn thuận, và vào giờ chót muốn dành cho cựu Tổng thống Thiệu và Đại tướng Khiêm một danh dự của chuyến đi, Tổng thống Trần Văn Hương ký Quyết định đề cử cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hướng dẫn một phái đoàn đi Đài Bắc. Bản văn có nội dung như sau: (bản văn này Đại tá Cầm viết tay)

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Hương

Quyết định

1 - Nay đề cử cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đại diện Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đến Đài Bắc để phân ưu cùng Chính phủ và Nhân dân Trung Hoa dân quốc nhân dịp Tổng thống Tưởng Giới Thạch tạ thế.

2 - Sau đó hai vị trên được đề cử tiếp tục viếng thăm các quốc gia trên thế giới xét cần thiết trong vòng 6 tháng để làm sáng tỏ thiện chí hòa bình của Việt Nam Cộng hòa đồng thời vận động các chính phủ và nhân dân các quốc gia đó hỗ trợ lập trường hòa bình của chính phủ và nhân dân ta.

Chương trình thăm viếng sẽ do hai vị tùy nghi quyết định thể theo sự thuận lợi của tình hình đối với các quốc gia đó.

3 - Yêu cầu Bộ Ngoại giao chỉ thị các Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa yểm trợ cần thiết để nguyên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nguyên Thủ tướng Trần Thiện Khiêm cùng phái đoàn chu toàn nhiệm vụ giao phó.

4 - Chi phí công tác do Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đài thọ trong khuôn khổ được luật lệ ấn định. (Tổng thống Hương viết thêm hàng chữ: trong khuôn khổ được luật lệ ấn định).

Sài-gòn, ngày 25 tháng 04, 1975

(ký tên Hương)

nguyen van thieu va tran thien khiem duoc my bo tri di tan ra nuoc ngoai nhu the nao
Thư viết tay của Thiệu đề nghị Trần Văn Hương duyệt cho đi nước ngoài công tác

Tại hành lang trước nhà, trong ánh sáng mờ mờ ảo ảo, các ông Đại tá Cầm, Thiệt, Đức, Điền, Trung tá Chiêu, Bác sĩ Minh đang xúm xít bàn chuyện nhỏ to. Mọi người đều ăn mặc chỉnh tề có vẻ như là những quan chức lớn sắp lên đường đi công tác ở ngoại quốc hơn là sắp đi tỵ nạn. Tất cả chúng tôi cũng không ai tin là sẽ đi tỵ nạn. Trên tay mỗi người xách một túi sắc nhỏ. Cũng cần nói thêm, Đại tá Cầm là người rất nhiệt thành với công vụ và cũng là cấp thừa hành “một cách triệt để”. Sau khi Tổng thống Thiệu ra lệnh “mỗi người chỉ được đem theo một xách tay nhỏ”, thì ông lại khuyên anh em “không nên mang theo gì hết – nên đi tay không!”.

Chúng tôi lần lượt ra xe và yêu cầu họ mở cốp sau. Tôi bỏ cái samsonite vào, (lúc ông Thomas Polgar đang viết, tôi đã bỏ cây K54 vào samsonite) hai khẩu súng nhỏ va chạm vào nhau khua lộp cộp. Trong sách của Frank Snepp có nhắc tới chuyện này. Ông có nghe tiếng kim loại khua khi chúng tôi xếp sắc tay vào cốp xe, và có thể nghĩ đó là tiếng va chạm của vàng bạc, châu báu!

Liền sau đó Tổng thống Thiệu, Đại tướng Khiêm, Polgar, Timmes cùng ra xe. Đại tướng Khiêm ngồi xe trước với ông Polgar. Tổng thống Thiệu ngồi xe sau với tướng Timmes; ông ngồi giữa tướng Timmes và Đại tá Đức, Trung tá Chiêu ngồi ghế trước với tài xế là ông Frank Snepp. Chúng tôi chia nhau vào hai xe còn lại.

Thời gian từ lúc ông Thiệu đến nhà Đại tướng Khiêm đến khi bắt đầu ra xe kéo dài độ 10 phút!

Đoàn xe bắt đầu chạy hướng về cổng chính Bộ Tổng Tham mưu, vừa ra khỏi cổng thì quẹo phải, đi thẳng vào cổng phi trường Tân Sơn Nhứt.

Tôi giật mình khi nhận ra cả khu vực phi trường tối om. Dường như hệ thống điện hoàn toàn bị cắt. Nhìn vào cổng VIP – khu vực dành riêng cho các viên chức cao cấp – giờ này vắng tanh giống như cổng vào bãi tha ma. Đoàn xe chạy vòng qua khu dành riêng cho Hãng Air America của cơ quan tình báo Mỹ. Khi sắp tới đường băng, tất cả xe đều tắt đèn, di chuyển trong bóng đêm. Sau đó bóng một chiếc máy bay lù lù hiện ra dưới chân trời nhờ đèn trong buồng máy cháy sang, một loại máy bay giống như DC6. Khi tới gần chiếc máy bay, đoàn xe bất thần thắng gấp vì thấy có bóng người. Xe thứ hai ủi tới suýt đụng vào xe đi trước vì trời tối. Hai xe sau tạt qua hai bên hông xe Tổng thống Thiệu. Chiếc xe tôi ngồi vừa thắng gấp vừa bẻ tay lái kêu nghe ken két. Một cuộc biểu diễn ngoạn mục. Dù đó là do sắp xếp hay chỉ là một “tai nạn” nhưng dưới con mắt an ninh họ là những thành phần phải được liệt vào hàng các tay bảo vệ yếu nhân chuyên nghiệp. Xe Tổng thống Thiệu bị bao vây bởi ba chiếc xe Chevrolet to lớn. Xa xa trong bóng đêm, xung quanh chúng tôi xuất hiện có nhiều người Mỹ vạm vỡ, vận thường phục, súng M16 dựng đứng bên hông, trong thế tác chiến…

nguyen van thieu va tran thien khiem duoc my bo tri di tan ra nuoc ngoai nhu the nao
Martin rời Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn ngay trước khi chính quyền Sài Gòn đầu hàng quân giải phóng. Đây là bức ảnh chụp ông ta vào ngày 1/5/1975 trên chiếc tàu USS Blue Ridge khi được các phóng viên quốc tế phỏng vấn

Chúng tôi tông cửa xe, bước xuống mau. Tổng thống Thiệu đi trước, Đại tướng Khiêm theo sau, rồi Polgar, Timmes. Chúng tôi nối đuôi theo sau. Hình ảnh ông Đại sứ Graham Martin – một quan khâm sai của Đại Vương quốc Hoa Kỳ – hiện ra tại chân cầu thang máy bay như một vị thần hộ mạng, giống với hình ảnh ông thần miếu Ông Tà ở Ô - Môn quê tôi mà hồi nhỏ tôi đã tưởng tượng ra: đôi mắt xanh, tóc bạc trắng, hai tay dài lòng thòng… ai cũng phải sợ. Tổng thống Thiệu bắt tay ông Đại sứ. Hai bên trao đổi mấy lời. Tất cả leo lên mau. Tổng thống Thiệu, Đại tướng Khiêm, tướng Timmes vào buồng danh dự. Tại đây có bốn ghế bành bọc vải trắng. (Sau này mới biết đó là máy bay do đại sứ Martin sắp xếp) Đại sứ Martin vào tận buồng máy nói vài lời tiễn biệt rồi vội vã rời máy bay. Chúng tôi mạnh ai nấy tìm chỗ ngồi ở các hàng ghế phía sau. Vào thời điểm này, Trung tá Nguyễn Văn Phú Hiệp là phi công chiếc máy bay Air Việt Nam 727 có lệnh thuờng trực, chuẩn bị sẵn sàng, chỉ dành riêng cho Tổng thống Thiệu sử dụng. Trung tá Hiệp trước kia là Trưởng phi hành đoàn trực thăng Phủ Tổng thống. Anh Hiệp, giờ chót không đi được. Cũng vào thời gian nói trên, một vài đơn vị phòng thủ, và các đơn vị đóng quân gần khu vực phi trường Tân Sơn Nhất được nghe dư luận đồn đại là có người rỉ tai: “Ông Thiệu sẽ dùng Air Việt Nam để ra khỏi nước...”.

Khi tất cả chúng tôi ngồi vào chỗ Tổng thống Thiệu từ phía trước bước ra sau chỗ chúng tôi. Ông đứng giữa hai hàng ghế với khuôn mặt không còn giống như hồi ở nhà Đại tướng nữa. Nét nghiêm nghị như giận dữ hiện rõ trên khuôn mặt như tôi đã từng chứng kiến nhiều lần trước kia. Các sĩ quan làm việc quanh ông đôi khi phải đón nhận những phản ứng dữ dội từ ông, thay cho các đối tượng mà ông vì cần phải giữ hòa khí ở một mức độ có thể coi được, ông thường “giận cá chém thớt” và hay “phang nhầm” chúng tôi. Với cái nhìn sáng quắc, mặt đỏ gay, Tổng thống Thiệu gằn từng tiếng: “Nè, các chú nhớ là không được nói gì hết. Có ai hay báo chí hỏi thì trả lời là không biết gì hết! Nghe chưa!”. Nói xong ông liền trở về phía trước.

Đúng 9 giờ 15 phút, giờ Sài Gòn.

Buồng máy máy bay tắt đèn. Phi cơ từ từ lăn bánh ra phi đạo, đem theo cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, một tướng lĩnh Mỹ và 9 tùy tùng, hộ vệ! Chiếc phi cơ lượn một vòng trên bầu trời “đen tối” của không phận Sài Gòn, rồi hướng về biển Đông…

Tôi bật người ra thành ghế, hít một hơi thở thật dài, nhắm mắt lại; hai dòng lệ từ từ lăn xuống má...

Xin giã biệt quê hương… tạm biệt mọi người thân…

Bí mật của gói quà!

Tôi ôm cái món quà của Đại tướng trong suốt chuyến bay. Suy nghĩ vẩn vơ. Đi đâu làm gì ở xứ người. Một quân nhân Mỹ, đoàn viên phi hành ngồi gần cửa cầu thang, luôn luôn bận rộn nhiệm vụ liên lạc. Thỉnh thoảng anh liếc tôi. Anh không cười cũng không nói gì. Có lẽ anh thông cảm hoàn cảnh của những kẻ sắp xa nhà. Thỉnh thoảng tôi nhìn ra cửa sổ. Cũng chỉ là một màu đen.

Chúng tôi không ai nói chuyện với ai. Mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của mình...

Chiếc máy bay bắt đầu giảm độ cao, đảo một vòng rồi từ từ hạ cánh. Đường bay nằm dài trước mặt là phi trường Đài Bắc. Chiếc C118 bốn động cơ của Không lực Hoa Kỳ đáp xuống nhẹ nhàng rồi từ từ dừng hẳn. Tôi nhìn đồng hồ. Đúng 3 giờ 40 sáng. Anh hạ sĩ quan mở cửa cầu thang. Gió ùa vào nghe lành lạnh. Mọi người lần lượt xuống máy bay. Tại chân cầu thang, dưới ánh điện lờ mờ, tôi nhận ra bà Nguyễn Văn Kiểu, phu nhân ông Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Đài Bắc; một vị Trung tá, Tùy viên Quân sự tại Đại sứ quán Việt Nam; một nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân quốc – ông này nói tiếng Việt rất giỏi; một hai người nữa tôi không biết tên; và một nhân vật không kém phần quan trọng, đó là Trưởng Chi nhánh tình báo Hoa Kỳ tại Đài Bắc, tôi không biết tên. Gió ở Đài Bắc lạnh hơn Sài Gòn. Lại có những cảm giác là lạ lướt qua mau, khác hơn những cảm giác ở quê nhà. Lòng bồn chồn khó tả. Có một điều đặc biệt là không có mặt sĩ quan di trú vào lúc này tại phi trường vì đây là một trường hợp ngoại lệ...

Tổng thống Thiệu và đoàn tùy tùng của ông về nhà Đại sứ Nguyễn Văn Kiểu. Đại tướng Khiêm và chúng tôi về nhà Đại tướng Khiêm.

Sau khi gõ cửa vài phút thì có người ra mở cửa. Tôi nhìn vào thấy bà Đinh Thủy Nga, bà Trần Bạch Yến... đứng khép nép bên trong, vừa mừng vừa lo. Đại tướng bước vào trước. Chúng tôi lần lượt vào sau. Nghe có tiếng người nói chuyện lào xào, bà Trần Thiện Khiêm thức giấc. Bà bước ra khỏi phòng trong bộ áo ngủ, đứng tựa lan can nhìn xuống. Yên lặng trong vài giây rồi bà từ từ quỵ xuống sàn nhà. Bà cố gắng lần xuống tới giữa cầu thang, khi nhận ra Đại tướng, bà kêu lên: “Anh đó hả?” rồi òa lên khóc...

Những ngày ở Đài Bắc Tại một villa nhỏ 3 phòng ngủ có lầu ở ngoại ô thành phố Đài Bắc, Đại tướng Khiêm và chúng tôi không có việc gì làm, buồn và nhớ nhà nên thường hay bắt đài phát thanh Sài Gòn để theo dõi tin tức. Các sự kiện đáng chú ý nghe được qua làn sóng đài phát thanh được tôi ghi chép như sau: Ngày 27/4 - 20 giờ Tổng thống Trần Văn Hương yêu cầu Quốc hội chọn người thay thế ông để thương thuyết với cộng sản - 20 giờ 45 Quốc hội họp. - 2 giờ 25 Quốc hội biểu quyết chọn Đại tướng Dương Văn Minh làm Tổng thống thay thế Tổng thống Trần Văn Hương. Ngày 28/4 - 17:00 giờ, Lễ bàn giao chức vụ Tổng thống giữa cụ Hương và Đại tướng Dương Văn Minh được cử hành tại Dinh Độc Lập. Cụ Hương trao quyền Tổng thống lại cho Đại tướng Minh lúc 17 giờ 15. Tân Tổng thống Dương Văn Minh chọn cụ Huyền làm Phó tổng thống, ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng... trong bài diễn văn cụ Hương nhấn mạnh “hãy quên oán thù, đừng tạo thêm oán thù”... Ngày 29/4... sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm được thả. Lý Quí Chung được đề cử Tổng trưởng Thông tin. Cộng sản phá cảng Newport, đốt kho dầu gần xa lộ, chiếm vài xã ở Gò Vấp… Ngày 30/4… Lúc 11 giờ 15, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố trao quyền lại cho Chính phủ “Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam”. Có tin Việt Cộng đã cắm cờ trên thượng đài Dinh Độc Lập lúc 13 giờ. (giờ Sài Gòn…)

nguyen van thieu va tran thien khiem duoc my bo tri di tan ra nuoc ngoai nhu the nao

Các tin trên được tôi ghi nhận qua chiếc máy thu thanh hiệu Zenith 4 băng, có băng tần làn sóng ngắn, và nghe rất rõ tiếng nói của đài phát thanh Sài Gòn.

Cái radio đó chính là món quà gói trong giấy màu hồng điều thật đẹp mà tôi trân trọng cất giữ từ khi Đại tướng Khiêm trao cho tôi ở Sài Gòn như đã nói ở trên.

***

Một thời gian sau đó, bà Anna Chennault tuân hành lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford sang Đài Bắc, Đài Loan để gặp Tổng thống Thiệu và Đại tướng Khiêm.

Bà Anna Chennault là vợ của vị tướng anh hùng thời Đệ II Thế chiến, Trung tướng Claire Lee Chennault Tư lệnh Không đoàn 14 của Không lực Hoa Kỳ hoạt động ở Trung Hoa lục địa. Bà Anna Chennault sau này là một nhân vật quan trọng trong Bộ Tham mưu tranh cử của ông Richard Nixon; bà là người trung gian trong sự liên hệ mật thiết giữa ông Nixon và Tổng thống Thiệu trong thời gian đó. Nhiệm vụ trong chuyến đi này của bà là chuyển lời Tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu Tổng thống Thiệu và Đại tướng Khiêm đừng vào nước Mỹ.

Như trước đã nói, Thủ tướng Lý Quang Diệu thông báo là giới chức Mỹ muốn ông Thiệu sống lưu vong ở các nước Đông Nam Á. Tổng thống Thiệu đã ở Đài Bắc trong một thời gian khá lâu là đúng với những gì chính quyền Mỹ muốn. Gợi ý của Tổng thống Trần Văn Hương với Đại tướng Khiêm trước kia chắc có lẽ cũng do ý của Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Nhưng theo những gì bà Chennault biết trước đó thì Hoa Thịnh Đốn đã chấp thuận và có kế hoạch đưa Tổng thống Thiệu vào Mỹ. Điều này làm cho bà Chennault rất bất mãn khi được lệnh qua gặp ông Thiệu trong một tình huống thật khó xử vì chính sách “nước đôi” của Hoa Kỳ; hơn nữa bà là bạn thân được Tổng thống Thiệu tin cậy trong mối liên hệ mật thiết giữa Tổng thống Thiệu và Tổng thống Richard Nixon, mà huyền thoại- hay là sự thật – về bà đối với việc đắc cử của Tổng thống Richard Nixon năm 1968 còn đang được nhiều người đề cập tới.

Trước hết bà Anna Chennault qua nhà thăm Đại tướng và bà Trần Thiện Khiêm. Tôi nhận thấy bà không có gì thay đổi sau nhiều năm vắng mặt ở Sài Gòn; bà vẫn giữ được vẻ đẹp quý phái như xưa trong chiếc áo dài sườn xám đậm màu với dáng người đài các của một nhà ngoại giao lỗi lạc.

Khi rời nhà Đại tướng Khiêm bà đi thẳng qua nhà Đại sứ Kiểu thăm Tổng thống Thiệu. Bà Chennault kể trong cuốn hồi ký The Education of Anna như sau:

“Khi đến căn nhà nhỏ của Đại sứ Nguyễn Văn Kiểu tại Đài Bắc, tôi đi vào cửa hông. Ông Kiểu tiếp tôi tại sân cỏ. Ông nói ít lời rồi nắm tay tôi dìu vào phòng khách. Ông Thiệu đã ngồi sẵn tại đó, xoay lưng về phía tôi. Thật hết sức là bất ngờ và ngạc nhiên về những gì xảy ra cho ông Thiệu…

"Tôi đã từng gặp gỡ ông vào các ngày cuối tuần ở Bạch Dinh là tòa nhà trắng đồ sộ của Hoàng đế Bảo Đại trước kia dùng để nghỉ mát ở bãi biển xinh đẹp Vũng Tàu. Ông Thiệu cũng đã tiếp tôi tại dinh Độc Lập ở Sài Gòn, nơi mà trong một phòng khách vàng rộng lớn bên đại sảnh đường, ngay trước phòng làm việc của ông, có cặp ngà voi đứng chầu, đây là cặp ngà voi được xếp vào hàng lớn nhứt thế giới…

“Một cảm giác đau buồn tràn ngập lòng tôi khi tôi bước tới vài bước để chào ông. Ông đứng lên và xoay lại nhìn tôi. Chúng tôi bắt tay và ôm chặt trong một giây yên lặng. Rồi cuối cùng nhìn lên mặt ông, tôi thấy nước mắt ông dâng trào"./.

TMH (sưu tầm và biên soạn)

nguyen van thieu va tran thien khiem duoc my bo tri di tan ra nuoc ngoai nhu the nao Sự thật về cuộc di tản trước Giải phóng miền Nam năm 1975

Gần nửa thập kỷ đã trôi qua sau khi Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, vẫn tồn tại những dư luận tố cáo Nhà ...

nguyen van thieu va tran thien khiem duoc my bo tri di tan ra nuoc ngoai nhu the nao Ảnh độc: 48 giờ trước thời khắc giải phóng miền Nam 30.4.1975

Những hình ảnh do phóng viên quốc tế chụp đã ghi lại khoảnh khắc thành phố Sài Gòn 2 ngày cuối cùng trước khi được ...

nguyen van thieu va tran thien khiem duoc my bo tri di tan ra nuoc ngoai nhu the nao Ký ức ngày Giải phóng Miền Nam của người lính xe tăng anh hùng

Với ông Nguyễn Trần Đoàn, niềm vinh dự nhất được đóng góp một phần công sức bé nhỏ của mình vào chiến thắng của dân ...