Ba tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vừa cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư năm 2023 vào Việt Nam lên đến 3,7 tỷ USD. Nhà đầu tư “ngoại” mong muốn Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam

“Đại bàng FDI” liên tục mở rộng đầu tư

Bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG (Đức) cho biết, VFT Industry UG đã hợp tác với các doanh nghiệp (DN) Đức, Việt Nam để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỷ USD.

“Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã hỗ trợ chúng tôi có cuộc đối thoại với các nhân vật cao cấp của Việt Nam để bàn về quá trình triển khai dự án. Việc sản xuất thép là hoạt động sản xuất toàn cầu nhưng cũng tạo ra nhiều C02. Việc sản xuất điện dựa trên các công nghệ được cấp bằng sáng chế của Đức sẽ triển khai tại Việt Nam, ước tính sẽ sản xuất 700.000.000 kWh/năm. Chúng tôi cũng mong muốn đạt được mức phát thải bằng 0 ngay từ những ngày đầu tiên và tạo ra khoảng 800.000 chứng chỉ Vàng C02 hằng năm. VFT Industry UG rất vinh dự có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền địa phương để triển khai các dự án giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam”, bà Antonia Zahn-Weber cho hay.

Nhà đầu tư ngoại đổ hàng tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam -0
Việt Nam tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch để thu hút vốn FDI.

Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam cũng đánh giá cao về sự cởi mở và khả năng tiếp cận của Việt Nam. Trong nhiều năm, Việt Nam đã có một môi trường đầu tư cởi mở và ổn định. Việc nhận được giấy phép xây dựng là một cột mốc quan trọng khác đối với Tập đoàn LEGO cũng như là sự khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, mở rộng và phát triển sự hiện diện của họ để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Ông Kim Yong Seup, Tổng Giám đốc Công ty Hyosung Đồng Nai cũng cho biết, đã đầu tư lũy kế tổng 4 tỷ USD và đã tuyển dụng khoảng 9.000 người lao động địa phương tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Doanh thu hàng năm đang ở mức 4 tỷ USD. Hyosung không chỉ liên tục tiến hành đầu tư thêm nhằm đẩy mạnh việc phát triển các hoạt động kinh doanh đang thực hiện tại 4 tỉnh, thành mà còn đang xem xét đầu tư với quy mô lớn vào các lĩnh vực mà Hyosung chưa từng thực hiện tại Việt Nam như sinh học (Bio), công nghệ cao, thông tin và truyền thông.

Ông Kim Sung Hun, Tổng Giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam cho biết, lý do Amkor Technology thành lập nhà máy bán dẫn tại Bắc Ninh là do ở nơi đây có môi trường tốt về cơ sở hạ tầng, giáo dục, mạng lưới vận hành liên quan đến điện, nước cũng như thông tin liên lạc, cùng những điều kiện cần thiết để nuôi dưỡng nhân tài, nguồn nhân lực trình độ kỹ thuật cao, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền Trung ương cũng như địa phương đã giúp Amkor Technology có cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

“Chúng tôi biết, Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế cạnh tranh và bảo đảm ổn định xã hội, đồng thời cũng là đối tác linh hoạt và đáng tin cậy, có nền tảng vững chắc để bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh toàn cầu”, ông Kim Sung Hun cho hay.

Mong muốn môi trường kinh doanh ổn định

Mặc dù đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng về sự thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, và có những khuyến nghị để Việt Nam “giữ chân” và thu hút thêm được nhà đầu tư nước ngoài mới.

Ông Preben Elnef cho rằng, tính minh bạch và khả năng dự đoán của môi trường kinh doanh là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nên tránh những thay đổi đột ngột trong chính sách mà không có thông báo đầy đủ hoặc các quy tắc trùng lặp để duy trì khả năng cạnh tranh và xây dựng niềm tin của nhà đầu tư. Việt Nam đã thiết lập nhiều chính sách thân thiện với lao động, cho người lao động, nhưng điều quan trọng là Chính phủ cần hợp tác với các ngành công nghiệp để tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động - chuyển từ lao động chi phí thấp sang lực lượng lao động có kỹ năng cao. Bằng cách này, Việt Nam sẽ giữ được khả năng cạnh tranh của mình với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhà đầu tư ngoại đổ hàng tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam -0

Ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam cho rằng, trong thu hút nguồn vốn FDI thì phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để tạo dựng cạnh tranh quốc gia và đề nghị Chính phủ tích cực đóng vai trò đi đầu để điều phối hệ sinh thái giữa các doanh nghiệp, giới học thuật và các bên liên quan để thúc đẩy hoạt động cải thiện một cách cụ thể nguồn nhân lực cũng như cung cấp tài chính cho lĩnh vực này.

Bosch Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nhân lực chất lượng cao, đầu tư nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên còn một số khó khăn như quy định hạn chế về nhập khẩu thiết bị, khiến khó nhập khẩu thiết bị cho nghiên cứu phát triển. Bosch cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để giúp Việt Nam trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển toàn cầu.

Để thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, ông Joseph Frank Uddo III, Chủ tịch Tập đoàn AES cho rằng, AES đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng Việt Nam trong 12 năm nay và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch của tập đoàn này chỉ khả thi nếu có các chính sách và khung pháp lý thuận lợi của Chính phủ Việt Nam.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, hiện có khoảng 9.000 DN Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và sử dụng khoảng 700.000 lao động. Nhiều DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định, đặc biệt là các DN công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng. Nhiều ý kiến cho rằng doanh nhân nước ngoài mong muốn sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Sắp tới sẽ có nhiều DN lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như: Công ty Điện tử Samsung – doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam – cũng đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái. Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek hiện đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ôtô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

https://cand.com.vn/Thi-truong/nha-dau-tu-ngoai-do-hang-ty-usd-von-fdi-vao-viet-nam-i691107/

Lưu Hiệp / cand.com.vn