Vụ bê bối thực hiện theo công thức: Gian lận điểm trong các kỳ thi, hối lộ những người chịu trách nhiệm quyết định sinh viên được chọn và ngụy trang tiền hối lộ dưới mác từ thiện
Bê bối đường dây chạy trường rúng động mới bị phanh phui ở Mỹ phơi bày thực trạng khắc nghiệt về câu chuyện đồng tiền ngang ngược của giới nhà giàu. Nhiều người cho rằng xì-căng-đan này chỉ là phần nổi của tảng băng. Các công tố Liên bang Mỹ cho biết đường dây chạy suất vào các trường ĐH danh giá của Mỹ được công bố hôm 12-3 là vụ gian lận tuyển sinh ĐH lớn nhất từng bị truy tố từ trước tới nay.
"Bôi trơn" giám thị
Tổng cộng 50 người trên khắp 6 bang của nước Mỹ bị buộc tội liên quan tới hàng triệu USD bất hợp pháp để chạy suất vào những trường ĐH danh giá nhất. Tuy nhiên, cốt lõi của bê bối gây choáng váng này lại đơn giản khó tin, theo công thức: Gian lận điểm trong các kỳ thi chuẩn; hối lộ những người chịu trách nhiệm quyết định sinh viên (SV) được chọn và ngụy trang tiền hối lộ dưới mác từ thiện.
Những trường ĐH trong tầm "phủ sóng" của đường dây gian lận này xuất hiện khiến nhiều người không khỏi sửng sốt như: Yale, Stanford hay California… là những trường hàng đầu, mơ ước của nhiều thí sinh.
Tâm điểm của vụ bê bối này là cái tên William Rick Singer, người sáng lập Công ty Dự bị ĐH Edge College & Career Network, còn được biết đến với biệt danh "The Key" (chìa khóa). Tại một cuộc họp báo ở Boston - Mỹ, công tố viên liên bang Andrew Lelling chỉ rõ: "Về cơ bản, Singer thực hiện 2 hành vi: Gian lận điểm SAT (Bài thi năng lực trung học) hoặc ACT (Bài kiểm tra đầu vào ĐH Mỹ) và dùng mối quan hệ của mình với những nhà đào tạo ở ĐH, hối lộ để đưa con cái của những phụ huynh (trong vụ truy tố này) vào trường với thành tích thể thao giả mạo". Trong số những người đã bị bắt giữ liên quan tới vụ án có 2 quản trị viên SAT/ACT, một giám thị, 9 nhà đào tạo tại các trường ĐH danh giá, một nhà quản lý ĐH và 33 phụ huynh.
Những học sinh đạt điểm cao hơn trong các bài thi chuẩn hóa như ACT và SAT rõ ràng sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc đua khốc liệt tới cánh cửa của những trường ĐH hàng đầu. Singer nhận tiền của những phụ huynh giàu có, những người nổi tiếng, doanh nhân thành đạt hay chính trị gia để giúp con em họ gian lận nhằm có một bảng điểm đẹp.
Trong phiên tòa ngày 13-3, tòa kết luận Singer phạm 4 tội danh và kẻ cầm đầu đường dây chạy trường này đã nhận tội. Theo cáo trạng, đối tượng lừa đảo 58 tuổi, quê ở Chicago này dàn xếp để bên thứ ba - thường là Mark Riddell, người cũng bị kết án với 2 tội danh - bí mật làm bài thi thay thí sinh hoặc tráo các đáp án do Riddell thực hiện. Theo các công tố viên, hành động gian lận này chỉ có thể trót lọt nhờ Singer đã "bôi trơn" cho những nhà khảo thí.
William Rick Singer (phải), cầm đầu đường dây gian lận tuyển sinh lớn nhất nước Mỹ. Ảnh: AP
Tại phiên tòa, Igor Dvorskiy - người chịu trách nhiệm tổ chức các kỳ thi SAT và ACT tại Los Angeles, cùng Lisa "Niki" Williams - người quản lý các kỳ thi tại một trường trung học công lập ở Houston, bị buộc tội nhận hối lộ để nhắm mắt làm ngơ cho Riddell thi hộ người khác. Cả hai nhân vật này đều bị kết tội tiếp tay cho hành vi gian lận. Theo cáo trạng, những phụ huynh thuê Singer giúp con họ gian lận được cho là đã trả từ 15.000 - 75.000 USD cho mỗi bài thi.
Một trong những cái tên đình đám nhất nổi lên trong bê bối gian lận thi cử chấn động này phải kể tới nữ diễn viên nổi tiếng Felicity Huffman - người từng được đề cử giải thưởng Oscar. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ngôi sao của loạt phim truyền hình ăn khách "Những bà nội trợ kiểu Mỹ" này đã bị bắt giữ tại nhà sau khi bị truy tố các tội danh liên quan tới âm mưu lừa đảo. Huffman bị cáo buộc trả 15.000 USD cho Singer dưới danh nghĩa tiền từ thiện để giúp con gái cô gian lận kỳ thi SAT.
Một nhân chứng khai báo với giới chức trách rằng anh ta đã đi từ Tampa tới một hội đồng thi ở Tây Hollywood để giám sát kỳ thi của con gái Huffman. Thí sinh này đạt 1.420 điểm, cao hơn 400 điểm so với bài kiểm tra PSAT (Bài thi Sơ khảo năng lực trung học) được thực hiện một năm trước đó. Các nhà điều tra đã ghi nhận một cuộc gọi của Huffman cho Singer, trong đó có thảo luận về vấn đề gian lận này.
"Lách" qua cửa thể thao
Những nhà đào tạo thể thao ở các trường ĐH ở Mỹ không trực tiếp quyết định việc tuyển sinh nhưng họ có quyền đề xuất văn phòng tuyển sinh lựa chọn những nhân tài thể thao vào trường.
Theo chuyên gia tuyển sinh ĐH Sara Harberson - cựu Giám đốc Trung tâm tuyển sinh ĐH Franklin & Marshall, thực tế năng khiếu thể thao là một câu thần chú đầy quyền năng với quá trình xét tuyển ở nhiều trường ĐH Mỹ vốn rất chú trọng tới các bộ môn ngoại khóa và thể dục thể thao nhằm xây dựng danh tiếng. Từ thực tế đó, thủ đoạn thứ hai trong đường dây của Singer để giúp những gia đình có điều kiện ở Mỹ mua suất học ĐH là hối lộ các nhà đào tạo. Đổi lại, họ tiến cử con cháu của khách hàng tới đội ngũ tuyển sinh dù cho những thí sinh được gửi gắm này mù tịt về thể thao và chỉ có những chứng chỉ thể thao giả. "Tôi hối lộ các huấn luyện viên để mua suất. Chuyện này diễn ra rất thường xuyên" - Singer thú nhận tại tòa.
Trường hợp của nữ diễn viên Lori Loughlin khắc họa rõ nét nhất cho mánh khóe gian lận nói trên. Loughlin và chồng, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli, bị cáo buộc chi 500.000 USD hối lộ để đưa 2 con gái vào ĐH Nam California bằng con đường "lách luật" vào đội chèo thuyền của trường, dù cho cả 2 ái nữ nhà giàu này đều chưa từng tham gia các cuộc thi chèo thuyền.
Quỹ từ thiện bình phong Theo các công tố viên, Singer ngụy trang cho các khoản hối lộ từ khách hàng bằng cái mác đóng góp từ thiện cho Quỹ Chìa khóa toàn cầu (KWF) do ông ta lập ra. Tuy là quỹ từ thiện nhưng phần lớn tiền của KWF được dùng để mua chuộc các nhà đào tạo ĐH và các giới chức thể thao nhằm phục vụ cho đường dây chạy trường. "Quỹ của Singer đáng lẽ phải là một tổ chức từ thiện nhưng thực tế nó lại là bình phong giúp Singer rửa tiền mà phụ huynh trả cho ông ta" - công tố viên liên bang Lelling ở Boston nhấn mạnh. Bằng chứng về quỹ từ thiện bình phong được ghi nhận trong một cuộc điện thoại ghi âm Singer với nhà Giannulli vào ngày 25-10-2018. |
Yale, Stanford, UCLA bị điều tra vụ nhà giàu chạy trường Bộ Giáo dục Mỹ đã mở cuộc điều tra nhắm vào 8 trường sau bê bối hối lộ và chạy suất vào đại học hàng ... |
Loạt sao xuống dốc do scandal chạy trường ở Mỹ Sao "Full House" Lori Loughlin bị cắt hợp đồng, nhà thiết kế Mossimo Giannulli, diễn viên Felicity Huffman sắp hầu tòa. |
Sao Hollywood bị chế nhạo vì chạy trường cho con Diễn viên Felicity Huffman, Lori Loughlin bị một số đồng nghiệp lên án trên mạng xã hội khi tham gia đường dây gian lận vào ... |