Hàng loạt nhà hát tại TP.HCM đang được trưng dụng cho thuê tổ chức tiệc cưới, hội nghị, quán cà phê nhờ lợi thế mặt tiền. Nhiều người dân vẫn chưa có thói quen đến các nhà hát để thưởng thức nghệ thuật, nâng cao chất lượng đời sống.

Nhà hát "đa-zi-năng"

Trong những ngày quyết định xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM tại Thủ Thiêm (quận 2) khiến dư luận xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, nhóm PV Người Đưa Tin đã tìm đến các nhà hát trên địa bàn TP.HCM để tìm hiểu thực trạng sử dụng các "biểu tượng văn hóa" này.

Bất ngờ hơn cả, nhiều nhà hát đang được các đơn vị quản lý tận dụng để cho thuê, thu lợi nhuận nhưng không đến từ các hoạt động nghệ thuật.

Đơn cử như nhà hát Bến Thành (số 6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1), nơi đây thường tổ chức các chương trình ca - múa - nhạc, thời trang, hội nghị, hội diễn, hội thi... Tuy nhiên, ban quản lý còn tận dụng khuôn viên nhà hát này làm nơi tổ chức hội nghị, tiệc cưới. Thậm chí, phía trong nhà hát còn cho thuê một phòng tập gym và một phòng khiêu vũ.

nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym
Nhà hát Bến Thành là một nhà hát thuộc trung tâm Văn hóa quận 1, TP.HCM. (Ảnh: Văn Thi).
nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym
Mặt tiền nhà hát Bến Thành được tận dụng làm quán cà phê hút khách (Ảnh: Văn Thi).

Một phần diện tích mặt tiền đường Mạc Đĩnh Chi lại được cho thuê để kinh doanh cà phê. Sân của trung tâm văn hóa cũng không có khoảng trống cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhường chỗ cho những chiếc xế hộp đắt tiền.

nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym
Khuôn viên nhà hát Bến Thành được sử dụng làm nơi tổ chức hội nghị, tiệc cưới, giữ xe ôtô, phòng gym và một phòng khiêu vũ. (Ảnh: Văn Thi).

Để tìm hiểu thêm về những công năng mới được phát hiện của nhà hát Bến Thành đồng thời đường đi của những nguồn thu phụ trợ này, PV Người Đưa Tin đã nhiều lần liên hệ văn phòng quản lý nhà hát Bến Thành nhưng đơn vị này từ chối cung cấp thông tin.

Một nhà hát khác tại TP.HCM cũng đang trong tình trạng tương tự khi người xem hát thì ít mà đến uống cà phê thì nhiều.

Giới thiệu với PV, ông Nguyễn Anh Điệp - Phó Giám đốc trung tâm Văn hóa Hòa Bình (đơn vị quản lý nhà hát Hòa Bình, số 240-242 đường 3/2, phường 12, quận 10) cho biết: “Nhà hát có chức năng hoạt động chính như: Tổ chức hoạt động thông tin tuyên truyền, tổ chức các cuộc liên hoan hội thi hội diễn quần chúng và hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp đỉnh cao, đào tạo về kiến thức văn hóa cho cán bộ cơ sở. Ngoài ra, nhà hát Hòa Bình còn là nơi liên kết hợp tác kinh doanh cung ứng các dịch vụ về văn hóa thông tin, biểu diễn nghệ thuật”.

nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym
Quán cà phê nằm nép trong góc nhà hát Hòa Bình

Thế nhưng, trái với mục đích cao cả ban đầu, quan sát của PV cho thấy, hai bên hông nhà hát Hòa Bình là hàng loạt các quán cà phê hay nhà văn phòng. Trước sân nhà hát này được sử dụng làm bãi đậu xe chung.

nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym
Hai bên hông nhà hát Hòa Bình (Ảnh: Hoàng Việt).

Đại diện nhà hát Hòa Bình cũng thừa nhận: “Một số phòng ốc đang được sử dụng cho các đối tác thuê hoạt động văn hóa như: Đào tạo văn hóa nghệ thuật, âm thanh ánh sáng sân khấu, khiêu vũ. Mặt bằng nhà hát, như khu vực sân, sảnh được sử dụng làm bãi đậu xe, mở một số quán cà phê, quán ăn...”.

nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym
Quán cà phê Highland Coffee án ngữ phần diện tích không nhỏ của nhà hát TP.HCM. (Ảnh: Văn Thi).

Xây xong đóng cửa, vẫn xin nâng cấp

Một thực tại nhức nhối và là lý do khiến người dân bức xúc nhất về quyết định chi hơn 1.500 tỷ đồng xây nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch đó là nhà hát Trần Hữu Trang - biểu tượng "đắp chiếu" của TP.HCM.

Nhà hát này được xây mới trên nền rạp hát Hưng Đạo nằm tại trung tâm quận 1 (TP.HCM) và được bàn giao vào tháng 4/2015. Tuy nhiên sau khi bàn giao, ngoại trừ việc đội vốn hơn gấp đôi từ 60 tỷ đồng lên 132 tỷ đồng, nhà hát Trần Hữu Trang còn mắc nhiều lỗi trong thiết kế, không phù hợp với nhu cầu biểu diễn cũng như với tiêu chí đặt ra. Vì vậy, công trình được xem là “hiện đại” nhất phía Nam về nghệ thuật cải lương luôn trong tình trạng "đắp chiếu".

Song song với đó, những nhà hát tại TP.HCM đang được trưng dụng để làm lợi cho những nhà hàng, quán cà phê như đã đề cập ở trên cũng đang đề xuất được cải tạo, nâng cấp?!

“Hiện nay, trung tâm Văn hóa Hòa Bình đã xây dựng và trình UBND thành phố đề án thực hiện dự án tôn tạo, nâng cấp và xây dựng kết cấu hạ tầng nhà hát Hòa Bình theo hình thức kêu gọi đầu tư xã hội hóa”, ông Nguyễn Anh Điệp - Phó Giám đốc trung tâm Văn hóa Hòa Bình cho biết.

nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym
Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM (rạp Thủ Đô cũ) (Ảnh: Hoàng Việt).

Theo lý giải của ông Điệp thì "từ tháng 9/2014, sau khi bàn giao hơn 7.000m2 cho hội Phật giáo thành phố để xây dựng chùa Việt Nam Quốc Tự nên khuôn viên nhà hát bị thu hẹp lại, chỉ đủ để dành phần làm bãi đậu xe".

Tương tự, nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP.HCM (Rạp Thủ Đô cũ - số 125A Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5) cũng đang xin nâng cấp. Trao đổi với PV, ông Lê Ích Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội cho biết: “Trong năm nay, nhà hát nghệ thuật Hát Bội cũng đã đề xuất lên sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM cho tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất như trần, ghế ngồi, sàn sân khấu đã bị xuống cấp để biểu diễn, tập luyện và phục vụ khán giả tốt hơn”.

nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym
Mặt tiền của nhà hát kịch TP.HCM đang được người dân kinh doanh, buôn bán. (Ảnh: Văn Thi).

Ông Diễn lý giải: “Xét về công năng sử dụng, biểu diễn thì Rạp Thủ Đô không đạt công suất diễn, đủ tiêu chuẩn về trang thiết bị như âm thanh, ánh sáng, ghế ngồi cũng như diện tích quá nhỏ (nhà hát này có 700 ghế ngồi, không có bãi đậu xe cho khán giả)… Hiện, nhà hát đang nhận bảo quản, sử dụng rạp Thủ Đô để hoạt động hành chính, thực hiện những chương trình phúc khảo, mở lớp đào tạo, truyền nghề và cho nghệ sỹ tập luyện để đi biểu diễn khi có lịch”.

Theo thông tin mà PV có được, mỗi năm nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP.HCM biểu diễn trên 300 suất, bình quân gần 1 ngày 1 suất diễn. Đến tháng 9/2018, doanh thu nộp về cho sở Văn hóa – Thể thao trên 600 triệu đồng.

Người dân không đến nhà hát

Theo ý kiến của nhiều người dân, hiện nay, các nhà hát chỉ phục vụ cho một tầng lớp nhất định nào đó. “Ví như các nhà hát Bến Thành, nhà hát TP.HCM hay nhà hát Hòa Bình… khi tổ chức các sự kiện, chương trình biểu diễn đều mời một số lượng ít ỏi hoặc bán vé. Như chúng tôi là dân quận 2 mà chưa bao giờ được đặt chân đến các nhà hát này. Nếu là chương trình bán vé ca nhạc chẳng hạn thì không có tiền mua để vào xem”, ông Nguyễn Minh Hòa, ngụ đường Trần Não, quận 2 cho biết.

nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym
Mặt tiền nhà hát TP.HCM.

Tương tự, ông Hoàng Bằng Việt (ngụ quận Phú Nhuận) cũng cho biết: “Tôi đã từng 3 lần đến nhà hát Hòa Bình nhưng chỉ là tham gia lớp tập huấn tại hội trường sân khấu, chứ chưa bao giờ được nghe, xem một chương trình nghệ thuật nào”.

Trong khi đó, chuyên gia văn hóa Nguyễn Ngọc Anh chia: "Rõ ràng, người dân rất ít được hoặc tìm đến các nhà hát này, thay vào đó, họ bỏ tiền để xem, thưởng thức các chương trình nghệ thuật như hài, kịch, phim… Nói thế để hình dung ra nhu cầu của người dân hiện nay, chứ không phải bài xích việc xây dựng nhà hát mới, vì mỗi loại hình sẽ có người nghe, xem khác nhau. Đồng thời, các đơn vị cần phải khai thác hết và đúng công năng của các nhà hát hiện đang có, tránh để lãng phí hoặc lợi ích nhóm”.

Nhóm PV

nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym Chủ tịch TP.HCM: Thành phố hết lòng vì quyền lợi chính đáng của dân

“Hôm nay, chúng ta muốn nghe thêm người dân trong 4,3ha, sau đó nghe thêm người dân ngoài 4,3ha. Thành phố sẵn sàng lắng nghe, ...

nha hat tai tphcm ho bien thanh quan ca phe phong gym Trung tâm triển lãm TP.HCM: Từ niềm hy vọng thành cái gai trong mắt người dân

Trung tâm triển lãm ở Thủ Thiêm từng được kỳ vọng sẽ giúp truyền tải hình ảnh và thông điệp của thành phố đến người ...

/ Người Đưa Tin