SIM kích hoạt sẵn trở lại tràn ngập thị trường, khả năng kiểm soát SIM rác đang có nguy cơ “vỡ trận”. Khách hàng phản ánh bị nhà mạng làm phiền, thoái thác trách nhiệm khi có ý đổ vấy cho khách hàng “gian dối”…
Các nhà mạng cần thiết quản lý đại lý phân phối chặt hơn nữa để hạn chế tình trạng SIM rác quay trở lại. Ảnh: Đ.T |
Qua khảo sát, thời gian gần đây, hiện tượng SIM đã kích hoạt sẵn được bán khá thoải mái chứ không còn bị kiểm soát gắt gao như cam kết của các nhà mạng.
Tuyến phố Kim Mã (Hà Nội) có nhiều đại lý SIM thẻ điện thoại vô tư bán SIM cho khách hàng mà không ràng buộc bất kỳ thủ tục nào ngoài việc trả tiền và lắp SIM vào sử dụng. Nếu như khách hàng nào muốn đảm bảo quyền lợi cho mình thì đại lý sẵn sàng làm luôn các thủ tục chụp ảnh và đăng ký số CMTND.
Mặc dù vậy, nhiều khách hàng dù đã tuân thủ đúng các quy định về chụp ảnh, cung cấp số CMTND nhưng vẫn bị nhà mạng “quấy rầy” bằng các tin nhắn yêu cầu tới cửa hàng phân phối dịch vụ của mình để xác nhận thông tin.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ít nhất hai nhà mạng ghi nhận việc này.
Trong khi đại diện truyền thông của Vinaphone khẳng định, sẽ kiểm tra lại việc quản lý và cung cấp dịch vụ từ phía các đại lý, thì đại diện truyền thông của Viettel cho rằng, “có thể SIM của khách hàng trước đó đã được đăng ký bởi một cá nhân hoặc tổ chức, nhưng trong thời gian sau đó việc phát sinh cước rất ít nên hệ thống mặc định đưa vào diện cảnh báo.
Khi khách hàng mua lại thì việc sang tên đổi chủ được thực hiện. Nhưng khi ấy SIM đã bị liệt vào diện cảnh báo nên dù khách hàng đã đăng ký vẫn cần phải xác nhận lại. Hoặc cũng có thể khách hàng phản ánh mình đã thực hiện chụp ảnh và cung cấp số chứng minh thư nhưng thực tế lại không làm việc ấy… ”.
Rõ ràng, vị đại diện truyền thông của nhà mạng này đang cố thoái thác trách nhiệm và đổ lỗi cho khách hàng mà quên mất rằng, dù thế nào thì việc chuyển tên đổi chủ sở hữu SIM ở thời điểm này bắt buộc phải đầy đủ các điều kiện mới đảm bảo được quyền sở hữu. Chỉ khi đảm bảo những điều kiện ấy, SIM mới có thể kích hoạt hợp pháp. Đồng thời, nếu không bị làm phiền một cách phi lý, chẳng khách hàng nào bỗng dưng đi khiếu nại.
Giả dụ, ngay kể cả trong trường hợp khách hàng không tuân thủ đúng mà vẫn được sở hữu SIM di động, thì cần quay trở lại vấn đề nhà mạng quản lý đại lý phân phối yếu kém, dẫn tới việc mất kiểm soát và để đại lý “tự tung tự tác” mà không hề gặp bất kỳ sự cảnh báo, nhắc nhở hay chế tài nào.
Còn nhớ, tại cuộc họp cùng Bộ TTTT hồi tháng 6, đã có đề xuất các nhà mạng cùng tham gia thu hồi SIM kích hoạt sẵn trôi nổi trên thị trường bằng hình thức thu hồi chéo. Không biết việc này được thực hiện tới đâu, tuy nhiên, tới nay những thông báo về giảm SIM rác xem ra không còn thực chất.
http://laodong.vn/cong-nghe/nha-mang-siet-chua-du-chat-cac-dai-ly-sim-rac-tung-bung-tro-lai-567523.ldo