Các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô hầu hết đã được Hà Nội cấp phép làm nhà ở, trung tâm thương mại. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có đất vàng khi hợp tác liên doanh với tư nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, để chủ đầu tư hưởng lợi khủng trong khi ngân sách thất thu vài ngàn tỷ.
Thanh tra Chính phủ mới đây đã ra kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội giai đoạn 2003-2016.
Nhà máy dời đi, khu đô thị “mọc lên”
Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2003-2016, UBND TP. Hà Nội và các sở ngành đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp hoặc gây ô nhiễm ra ngoại thành. Các khu đất sau đó đều được chuyển mục đích sử dụng đất làm chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại...
Phối cảnh dự án Star Tower.
Đơn cử, dự án Trung tâm thương mại, nhà ở thấp tầng và cao tầng Hano - Vid. Khu đất gần 20 nghìn m2 này ban đầu được Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex thuê làm xưởng sản xuất kinh doanh các sản phẩm may ở 430 cầu Am (Vạn Phúc, Hà Đông).
Năm 2010, Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội, Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex và Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam ký hợp tác đầu tư thực hiện dự án Trung tâm thương mại, nhà ở thấp tầng và cao tàng Hano - Vid. Năm 2014, Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 2/2016, tại thời điểm thanh tra đã xây dựng xong phần thô, đang thi công hoàn thiện.
Số tiền sử dụng đất chủ đầu tư phải nộp của dự án này là 228 tỷ đồng.
Dự án tòa nhà chung cư và dịch vụ Star Tower (283 Khương Trung, Thanh Xuân) trước đó cũng là khu đất được Công ty CP Thăng Long Talimex thuê làm nhà xưởng. Năm 2015, UBND TP. Hà Nội cho phép công ty này chuyển mục đích sử dụng đất để liên danh với Công ty CP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam thực hiện dự án. Tại thời điểm thanh tra, dự án đã xây dựng xong phần thô, đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện.
Tiền sử dụng đất phải nộp cho diện tích hơn 4.000m2 là trên 22 tỷ đồng.
Dự án Khu nhà ở và công trình công cộng tại 409 đường Nguyễn Tam Trinh (Hoàng Mai) trước khi thành dự án nhà ở, khu đất 13,1 nghìn m2 này là cơ sở sản xuất của Công ty Da giầy Hà Nội thuê. Năm 2004, Công ty Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam và Công ty Da giầy Hà Nội đã ký hợp tác đầu tư; công ty đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam được ủy quyền làm chủ đầu tư dự án. Năm 2006, UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Đến nay dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Số tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 53,7 tỷ đồng.
Dự án chung cư cao tầng và trung tâm thương mại - văn phòng tại 250 Minh Khai do Công ty CP May Thăng Long làm chủ đầu tư. Trước khi làm nhà ở, khu đất có diện tích 13,2 nghìn m2 này được công ty thuê làm nhà xưởng sản xuất, kho và văn phòng làm việc. Năm 2009, Công ty may Thăng Long hợp tác với Công ty CP Đầu tư xây dựng Econ để thực hiện dự án. Dự án đã hoàn thành 2 khối chung cư cao 19 tầng và 25 tầng; tòa trung tâm thương mại và văn phòng cao 25 tầng.
Số tiền sử dụng đất dự án này phải nộp là 132 tỷ đồng.
Dự án khu nhà ở, văn phòng, nhà trẻ và trường tiểu học tại ngõ 622, phố Minh Khai. Khu đất 22,6 nghìn m2 này ban đầu do Công ty CP bánh kẹo Hải Châu thuê làm cơ sở sản xuất kinh doanh, năm 2011 được UBND TP. Hà Nội chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở. Tiền sử dụng đất phải nộp là 205 tỷ đồng.
Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn căn hộ tại 47 Nguyễn Tuân.
Diện tích đất 22,6 nghìn m2 ban đầu do Công ty CP Dệt mùa đông thuê quản lý sử dụng. Để thực hiện di dời xưởng sản xuất và chuyển mục đích sử dụng đất, Công ty CP Dệt Mùa Đông hợp tác đầu tư với Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam để thành lập Công ty CP bất động sản Mùa Đông - VID làm dự án kể trên. Tiền sử dụng đất phải nộp là 264 tỷ đồng.
Còn hàng chục dự án khác cũng thuộc diện tương tự, tức sau khi không thuê làm cơ sở sản xuất kinh doanh thì ngay lập tức biến thành dự án nhà ở, trung tâm thương mại.
Dự án Tràng An Complex.
Thất thoát ngân sách, sai phạm gần 4.000 tỷ
Quá trình thực hiện, Thanh tra Chính phủ kết luận “còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm” trong chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài một số dự án, khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá, thu về cho nhà nước số tiền lớn như dự án 31 Láng Hạ, 378 Minh Khai,... vẫn còn doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mà tự thỏa thuận, nên thu được thấp.
Điển hình như dự án GP Complex (số 1 Phùng Chí Kiên), dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn căn hộ (47 Nguyễn Tuân), dự án Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán (108 Nguyễn Trãi), dự án Tòa nhà hỗ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại (44 Yên Phụ), dự án trung tâm thương mại nhà ở cao tầng và thấp tầng Hano - Vid (430 cầu Am)...
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc pháp luật không quy định lợi thế thương mại gắn với giá trị quyền sử dụng đất trong lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết là kẽ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án ở những vị trí đắc địa.
Theo kết luận thanh tra, việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đã không căn cứ vào Thông tư 145 năm 2007 của Bộ Tài chính và thông tư 36 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phương pháp xác định giá đất. Điều này dẫn tới chủ đầu tư được hưởng lợi kinh tế, ngân sách thất thu số tiền lớn.
Đoàn thanh tra tạm tính số tiền sử dụng đất phải thu thêm tại 30/38 dự án lên tới 1.480 tỷ đồng. Đặc biệt, riêng dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ tại 302 Cầu Giấy, số tiền sử dụng đất phải thu thêm lên tới 403,3 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kết luận: Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là gần 4.000 tỷ đồng.
Do vậy, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội xử lý nghiêm những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, và quản lý sử dụng đất trên địa bàn, và sớm có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Lương Bằng
TP.HCM:Triển khai kế hoạch thu hồi 5.000m2 đất vàng bị bán rẻ Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách việc thu hồi, tổ chức đấu thầu lại khu đất... |
Rao bán hơn 5 m2 đất ở Hà Nội giá 20 tỷ đồng Có diện tích chỉ đủ để xây dựng một bức tường, song chủ nhân lô đất rao giá vào khoảng 3,8 tỷ đồng mỗi m2. |
Những khu đất vàng cựu Phó chủ tịch TP.HCM giao cho Vũ \'nhôm\' Trong thời gian giữ chức Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tín đã ký bán chỉ định nhiều tài sản công ở trung ... |
Cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Hữu Tín giao đất vàng nào cho Vũ "nhôm"? Trong giai đoạn làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tín bị cho là có chỉ đạo các sở ban ngành giao 1 ... |