Một nông dân, chưa qua bất cứ trường đào tạo nào, trở thành nhà sáng chế tầm cỡ quốc tế, trong khi đó, một nghiên cứu sinh lao tâm khổ tứ với đề tài “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 ở Việt Nam” để được công nhận Tiến sĩ.

Anh nông dân chế robot: Israel thán phục, Nhật, Mỹ xếp hàng xin mua
Đề tài tiến sĩ bìa sách: Có là chuyện... tầm phào?
Phạm Văn Hát (bên phải) giới thiệu với khách hàng chiếc máy phun thuốc trừ sâu. Ảnh: QĐND

Đề tài Tiến sĩ mà ngay cả những người không thuộc giới chuyên môn, cũng thấy viển vông, không có giá trị thiết thực. Chất lượng của luận án cũng đang còn nhiều bất cập. Không chỉ đề tài “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách” nghe đã thấy không ổn, mà ngay cả giai đoạn nghiên cứu 2005-2015, theo giới chuyên môn, cũng không có gì đặc trưng, để phân lập ra làm đối tượng nghiên cứu.

Và rồi, chúng ta tự hỏi, sau khi bảo vệ thành công, luận án nói trên sẽ đem lại tác dụng, ứng dụng gì trong thực tiễn, hay là để ngăn kéo? Còn tác giả, sau khi bảo vệ thành công (mà Tiến sĩ ở Việt Nam tỉ lệ bảo vệ thành công rất cao), đã trở thành ông Nghè.

Ở một thái cực khác, một nông dân, chưa hề được đào tạo qua trường lớp chính quy, đã trở thành nhà sáng chế đẳng cấp quốc tế, gây chấn động dư luận. Đó là anh Phạm Văn Hát (SN 1972, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).

Từ làm thuê ở một nông trại tại Israel, anh Hát đã sáng chế nhiều máy móc, được ông chủ đánh giá cao. Từ bỏ công việc tốt với mức lương hấp dẫn, anh trở về Việt Nam, tiếp tục sáng chế nhiều máy móc sử dụng trong nông nghiệp như máy tra hạt, máy phun thuốc trừ sâu… với thiết kế, công năng hữu ích, giá cả phù hợp, bán rất chạy không chỉ trong nước và nước ngoài, giải phóng sức lao động, tăng năng suất nông nghiệp.

Anh Hát không có bằng Tiến sĩ, thậm chí anh không có bằng Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp, Kỹ sư… Anh đủ “tiêu chuẩn” để tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước. Nhưng khách hàng trong nước và nước ngoài, họ không cần biết anh có bằng cấp, học vị gì.

Doanh nghiệp Israel tha thiết mời anh làm việc, cũng không cần bằng cấp. Họ tìm đến anh vì những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, phù hợp với thực tiễn do anh sáng chế. Những sáng tạo của anh, đem lại lợi ích cho hàng triệu nông dân. Những sáng tạo, được trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, bằng lao động miệt mài.

Đại sứ Việt Nam tại Israel nói: “Người Việt Nam ra nước ngoài, có những tài năng như Phạm Văn Hát, thì thật đáng tự hào và góp phần làm rạng danh đất nước, con người Việt Nam”.

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng qua hai “hiện tượng” nói trên, cho thấy, tư duy sính bằng cấp, hư danh đã lạc hậu và nguy hiểm như thế nào.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ ngày càng tụt hậu.

https://laodong.vn/ban-doc/nha-sang-che-chan-dat-va-tien-si-bia-sach-moi-nguy-cua-hu-danh-568254.ldo

/ Quang Đại/Báo Lao động