Trong thời kỳ đầu, nhà tái định cư được thực hiện như dự án thuộc ngân sách nhà nước, hiệu quả rất yếu kém.
Trước thực trạng nhà tái định cư chất lượng kém, dân chê không đến ở, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, chất lượng của nhà tái định cư có liên quan đến 2 giai đoạn về chính sách dành cho loại hình nhà ở này.
Cụ thể, ở giai đoạn trước, nhà tái định cư được thực hiện như dự án ngân sách nhà nước, Nhà nước cấp vốn rồi giao cho các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư, xây dựng, kèm theo một số ưu đãi cho các đơn vị này.
Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án nhà tái định cư trong giai đoạn này, theo ông Đính, là rất kém bởi đó là tiền Nhà nước bỏ ra bị coi như "tiền chùa", việc quản lý, kiểm soát chi tiêu ngân sách còn nhiều bất cập, thậm chí, có tình trạng "chạy" dự án tiêu tiền ngân sách.
Bên cạnh đó, trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, việc nghiên cứu xem liệu dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân hay không lại không được tiến hành kỹ càng, sâu sát. Hệ quả là, nhiều quỹ nhà tái định cư được xây dựng trước đây bị bỏ hoang vì không phù hợp với nhu cầu sử dụng và các công trình đó thường xuống cấp rất nhanh.
Đến giai đoạn Nhà nước có sự điều chỉnh lại quy định pháp luật, người dân thuộc diện tái định cư được đền bù theo giá thị trường và mua nhà tái định cư theo giá thị trường.
Khi ấy, những ưu đãi cho chủ dự án nhà tái định cư không còn nữa và các dự án được chia làm 2 dạng: nhà tái định cư và nhà ở thương mại nhưng được giới thiệu để người dân mua tái định cư.
"Khi nhà tái định cư chuyển đổi thành dự án nhà ở thương mại, chủ dự án bắt buộc phải trích lại một phần dự án để bố trí cho người dân tái định cư nhưng vẫn bán theo giá thương mại. Những căn hộ ấy được làm với chất lượng khá tốt, giống như các nhà ở thương mại khác.
Trong các dự án nhà ở thương mại đó, người dân vào tái định cư không bị phân biệt, được hưởng đầy đủ hệ thống hạ tầng của dự án thương mại đó và đương nhiên họ phải trả tiền mua theo gái thương mại bởi trước đó họ đã được nhận tiền đền bù theo giá thị trường. Như vậy, có thể thấy nhà tái định cư khi ấy đã thay đổi toàn bộ chất lượng, hiệu quả vì người dân thuộc diện tái định cư có quyền quyết định mua hay không mua.
|
Nhiều dự án nhà tái định cư xuống cấp nhanh chóng
Tuy nhiên, đối với những dự án đã có chỉ định chủ dự án xây dựng và chủ dự án đó không được hưởng các chính sách ưu đãi, chẳng hạn về lợi nhuận, miễn giảm nghĩa vụ của chủ đầu tư, thì chất lượng dự án tái định cư đó chắc chắn có vấn đề do chủ đầu tư làm thiếu trách nhiệm", Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ rõ.
Theo vị chuyên gia, xét về mặt trách nhiệm, đương nhiên nhà thầu phải có nghĩa vụ đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng theo đúng quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, điều khiến nhiều dự án nhà tái định cư kém chất lượng nằm ở chỗ, nạn ăn gian, ăn bớt đã mang tính hệ thống.
"Nếu chủ đầu tư có trách nhiệm, có sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đúng quy trình và đảm bảo nguyên liệu, vật tư được đánh giá, kiểm định chính xác thì không ai có thể ăn bớt được", ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.
Nhìn lại hàng loạt dự án nhà tái định cư ở Hà Nội không có người đến ở, ông Nguyễn Văn Đính cũng lưu ý rằng, chất lượng nhà tái định cư kém là nguyên nhân chủ yếu nhưng không phải là tất cả. Chính bởi có giai đoạn nhà tái định cư được thực hiện như dự án ngân sách nên tính hiệu quả của việc phát triển các dự án nhà tái định cư không được quan tâm, nghiên cứu cẩn thận, dẫn đến tình trạng nhà tái định cư không phù hợp với nhu cầu của người dân, dân chê không đến ở.
Dẫn ví dụ cho điều này, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhắc lại những khu nhà tái định cư ở Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), được xây dựng khi giải tỏa đường Trần Khát Chân, đê La Thành...
Tỷ lệ người dân xuống Nam Trung Yên sống không nhiều do họ đã quen với cuộc sống ở những khu vực trên, thuận lợi cho công việc và con cái học hành.
"Rõ ràng việc phát triển nhà tái định cư chưa tính đến vai trò của người dân, chưa chú ý đến nhu cầu thực sự của họ như thế nào. Lẽ ra khi làm quy hoạch, dự định phát triển, giải tỏa khu vực nào thì phải nghiên cứu, xây dựng quỹ nhà tái định cư ở quanh khu vực đó để đáp ứng ngay nhu cầu tại chỗ của người dân chứ không phải đẩy người dân đi đâu đó một cách chủ quan", ông Nguyễn Văn Đính nói.
Vị chuyên gia ủng hộ phương án hỗ trợ tiền để người dân tự lo nhà tái định cư và cho rằng đó là phương án phù hợp bởi Luật Đất đai đã quy định phải thỏa thuận với người dân và đền bù theo giá thị trường.
Theo cách này, quyền lợi người dân được đáp ứng đầy đủ và thay vì áp đặt người dân đến đâu đó nhận nhà tái định cư thì người dân có thể đăng ký nhu cầu tái định cư ở khu vực nào, dự án nào. Khi ấy, Nhà nước sẽ hỗ trợ người dân liên hệ đến các dự án mà họ có nguyện vọng, kết nối với chủ dự án nhà ở thương mại và yêu cầu chủ đầu tư phải tạo điều kiện để bán nhà cho người dân.
"Chủ đầu tư dự án vẫn bán nhà theo giá thị trường. Dự án nào được Nhà nước hỗ trợ phần thuế thì người dân vẫn phải trả theo giá thương mại và phần chênh lệch giữa giá chủ đầu tư nhận được với giá bán thực tế cho người tái định cư thì phải nộp lại ngân sách", ông Đính cho biết.
Câu chuyện nhà tái định cư ở TPHCM: Người thừa, người thiếu Nhu cầu cần nhà tái định cư cho các chương trình của TPHCM đang rất lớn, nhưng có một nghịch cảnh là hiện nay nhiều ... |
Xin đập 3 tòa tái định cư xây thương mại: Lợi kép Cơ quan chức năng TP. Hà Nội chưa đưa ra quyết định cuối cùng sau nửa năm Handico 3 xin phá bỏ 3 tòa nhà ... |