Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam lo lắng khi thời điểm chạy nước rút, giá cả vật tư, vật liệu vẫn cao.
- Bộ GTVT "mời" kiểm toán vào làm sớm các gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
- Thí điểm 5.000 m3 cát biển làm vật liệu đắp nền cao tốc khu vực ĐBSCL
Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam vẫn đang căng mình huy động nguồn lực để đưa dự án về đích đúng tiến độ trong bối cảnh nhiều loại vật liệu vẫn tăng hoặc giữ mức giá cao ngất ngưởng.
Các nhà thầu cao tốc Bắc - Nam đang nỗ lực vượt qua thách thức giá vật liệu để thi công dự án đúng tiến độ (Ảnh minh họa)
Giá vật liệu vẫn leo thang
Một tuần kể từ ngày phong trào thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được triển khai, hơn 800 kỹ sư, công nhân cùng gần 500 đầu máy, thiết bị tại gói thầu XL04 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn hừng hực khí thế thi công.
Ông Nguyễn Công Ý, Giám đốc điều hành gói thầu XL04 cho biết, sau lễ phát động, nhiều mũi thi công tại gói thầu đã được tăng cường thi công 3 ca, nâng sản lượng gói thầu lên 54% so với con số gần 50% được báo cáo 10 ngày trước đó.
Vui mừng trước tín hiệu tích cực, song vị chỉ huy vẫn tỏ ra lo lắng khi thời điểm chạy nước rút, giá cả vật tư, vật liệu vẫn cao.
“Vật liệu đá thời điểm bỏ thầu là 250.000 đồng/m3, hiện nhà thầu vẫn phải nhập khoảng 330.000 đồng/m3. Nhựa đường thời điểm bỏ thầu chỉ có giá 10.500 đồng/kg, hiện ở mức 16.000 - 17.000 đồng/kg. Sơ bộ theo giá vật liệu hiện nay, giá trị gói thầu XL04 đã tăng lên khoảng 15% so với thời điểm bỏ thầu (tổng giá trị gói thầu là khoảng 3.200 tỷ đồng, tính cả dự phòng)”, ông Ý nói và cho biết, chi phí phát sinh nhưng chỉ số giá cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận công bố mới bù được khoảng 60 - 70% giá trị thực tế của một số loại vật liệu chính.
Tương tự, ông Trần Hữu Hoàn, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL13 dự án thành phần Mai Sơn - QL45 thông tin, chi phí thi công gói thầu vẫn phát sinh hơn 10% so với giá trị trúng thầu.
Tại gói XL04 dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, giá vật liệu đất đắp đến chân công trình tăng từ hơn 122.700 đồng/m3, thời gian cao điểm và hiện tại là gần 181.900 đồng/m3; cấp phối đá dăm loại 1 tăng từ 233.300 đồng/m3 thời điểm bỏ thầu, cao điểm và hiện tại là 340.000 đồng/m3; đá bê tông nhựa bỏ thầu với giá 275.351 đồng/m3, cao điểm lên 390.000 đồng/m3, hiện giảm còn 373.250 đồng/m3…“Dễ thở” hơn, tại khu vực thi công gói thầu XL03 tại dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, giá đất đắp đã giảm từ 167.160 đồng/m3 ở thời gian cao điểm, hiện còn hơn 155.000 đồng/m3 (bỏ thầu là 85.000 đồng/m3); đá bê tông nhựa cao điểm vọt lên 508.174 đồng/m3 đồng hiện giảm còn hơn 497.000 đồng/m3 (bỏ thầu gần 270.000 đồng/m3); nhựa đường hiện ở mức 16.400 đồng/kg so với mức giá cao điểm lên tới 17.800 đồng/kg (bỏ thầu là hơn 11.400 đồng/kg).Riêng giá đá cấp phối đá dăm loại 1 trong khi giá bỏ thầu chỉ nhỉnh 193.000 đồng/m3, mức giá hiện tại vẫn giữ nguyên như lúc cao điểm (300.000 đồng/m3).
Dẫn chứng cụ thể, ông Hoàn cho biết, hiện vật liệu đất đắp đang được mua khoảng 130.000 đồng/m3 đến chân công trình, trong khi thời điểm bỏ thầu, giá chỉ hơn 80.000 đồng/m3.
Với vật liệu đá, thời điểm bỏ thầu giá 190.000 đồng/m3, nay cũng vẫn giữ nguyên giá như thời gian cao điểm… Nhựa đường có xu hướng giảm từ 17.200 đồng/kg lúc cao điểm xuống 16.600 đồng/kg ở thời điểm hiện tại. Nhưng lúc bỏ thầu, giá vật liệu này chỉ 13.000 đồng/kg.
Điều khiến lãnh đạo ban điều hành gói thầu XL13 trăn trở là thời gian qua, mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã chỉ đạo rốt ráo về việc rà soát, công bố giá và chỉ số giá xây dựng kịp thời, thường xuyên, song đến nay tỉnh Thanh Hóa vẫn công bố chỉ số giá theo quý.
Chỉ số công bố chỉ bù đắp được khoảng 50 - 60% giá thực tế thị trường, các nhà thầu phải xoay xở mọi cách để có nguồn lực huy động vật liệu theo đúng tiến độ.
Là một trong những doanh nghiệp đảm nhận nhiều gói thầu nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang triển khai, lãnh đạo Tổng công ty Vinaconex cũng không khỏi sốt ruột khi nhìn vào báo cáo chi tiết giá cả vật liệu.
Theo báo cáo này, so với thời gian cao điểm, tại gói thầu XL14 dự án thành phần Mai Sơn - QL45, giá một số vật liệu chính gần như không đổi, thậm chí cao hơn.
Cụ thể, giá vật liệu đất đắp đến chân công trình hiện là 196.880 đồng/m3, trong khi giá bỏ thầu chỉ gần 84.800 đồng/m3; vật liệu cấp phối đá dăm loại 1 thời điểm bỏ thầu là gần 138.400 đồng/m3, cao điểm tăng lên 170.000 đồng/m3, hiện 222.000 đồng/m3; đá bê tông nhựa tăng từ 164.284 đồng/m3 lúc bỏ thầu lên 240.000 đồng/m3 thời gian cao điểm, hiện tiếp tục tăng ở mức 349.488 đồng/m3...
Đẩy nhanh thủ tục nghiệm thu, gỡ khó cho nhà thầu
Xác định thời gian đưa gói thầu XL14 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết về đích chỉ còn hơn 100 ngày với 46% sản lượng chưa thực hiện, ông Nguyễn Công Ý cho rằng, ưu tiên số 1 hiện tại là phải khẩn trương gỡ vướng thủ tục để tài chính thanh toán cho nhà thầu nhanh nhất có thể, tập trung nguồn lực huy động đủ vật liệu chạy tiến độ, tăng ca tăng kíp.
Tương tự, theo ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, trong khuôn khổ pháp luật cho phép, Ban QLDA 7 đã đẩy nhanh tối đa hồ sơ nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu, kịp thời xử lý các phát sinh trên hiện trường để tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho nhà thầu.
Bên cạnh ban điều hành thường trực, cán bộ các phòng chức năng trực thuộc Ban (kế hoạch, thẩm định) cũng được bố trí tại hiện trường để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo đủ pháp lý lên hồ sơ nghiệm thu, thanh toán. Ngay sau khi công tác xác nhận khối lượng thi công hiện trường được các bên liên quan xác nhận, hồ sơ sẽ được gửi trực tuyến lên phòng chức năng của ban QLDA rà soát, kiểm tra, trình phê duyệt.
Theo ông Huy, nếu thời gian trước, thời gian giải quyết hồ sơ thanh toán từ lúc được nhà thầu trình lên đến khi đưa ra kho bạc mất khoảng 1 - 2 ngày thì hiện tại, hồ sơ có thể chuyển đi kho bạc thanh toán ngay trong ngày.
Là một trong những đơn vị phụ trách nhiều dự án giao thông quan trọng đang triển khai, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được triển khai để kịp thời “bơm vốn” cho nhà thầu đủ nguồn lực triển khai dự án.
Trong khuôn khổ pháp luật cho phép, Ban QLDA Mỹ Thuận đã thực hiện tạm ứng vật liệu, cấu kiện bán thành phẩm cho nhà thầu ngay sau khi vật liệu, cấu kiện bán thành phẩm được đưa về công trường. Đơn vị cũng yêu cầu cán bộ, nhân viên giải quyết hồ sơ thanh toán cho nhà thầu không kể giờ giấc để hồ sơ được đưa ra kho bạc nhanh nhất.
Đối với các khoản tiền giữ lại chờ quyết toán và bảo hành, Ban QLDA Mỹ Thuận đã chấp thuận cho nhà thầu thay thế bằng bảo lãnh ngân hàng và giải ngân khoản tiền này, tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu.
Đôn đốc các địa phương công bố chỉ số giá hàng tháng
Theo đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA làm việc trực tiếp với các nhà thầu để thu thập đầy đủ thông tin biến động giá các loại vật liệu xây dựng của từng dự án thành phần, từng gói thầu... làm cơ sở phân tích đánh giá khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý đối với từng dự án.
Từ tháng 6/2022 đến nay, Bộ Xây dựng đã cử 7 đoàn công tác làm việc với các địa phương (Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ, Đồng Nai, Tiền Giang). Bộ GTVT có cử đại diện tham gia phối hợp.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng kiểm tra, đôn đốc các địa phương công bố giá, chỉ số giá hàng tháng, đầy đủ, sát với biến động thị trường để có cơ sở phê duyệt bù giá, giải quyết khó khăn tài chính cho nhà thầu, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
https://www.baogiaothong.vn/nha-thau-cao-toc-chua-het-dau-dau-vi-bao-gia-d566535.html