Việc bà Mạnh sống trong căn nhà sang trọng và đi lại tương đối tự do dù bị quản thúc khiến nhiều người dân Canada cảm thấy bất bình.
Nhân viên an ninh túc trực bên ngoài căn nhà của Mạnh Vãn Chu ở Vancouver hồi tháng một. Ảnh: Reuters.
Vào một buổi chiều gần đây, Parker Li, sinh viên ngành chính trị Trung Quốc tại Đại học British Columbia, đứng chờ bên ngoài căn biệt thự 7 phòng ngủ có giá khoảng 12 triệu USD tại khu dân cư cao cấp Shaughnessy, thành phố Vancouver, với hy vọng được nhìn thấy giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu, người sở hữu khối bất động sản này, theo New York Times.
Nhưng bà Mạnh, người đang được tại ngoại và chờ kết quả phiên xét xử dẫn độ về Mỹ với cáo buộc lừa đảo, rửa tiền, vi phạm lệnh trừng phạt lên Iran, không xuất hiện. Bà đang ở trong một căn nhà khác có 6 phòng ngủ, trị giá 4,5 triệu USD tại khu dân cư giàu có Dunbar ở Vancouver.
"Bà Mạnh giống như niềm tự hào quốc gia của Trung Quốc và tôi muốn thấy giới siêu giàu châu Á sống như thế nào", Li nói. "Rất nhiều người Trung Quốc từ đại lục cảm thấy bà ấy đang bị Mỹ bắt nạt".
Tuy nhiên, rất nhiều người dân Canada lại không nghĩ như vậy.
Ba tháng sau khi Mạnh bị bắt, bà đã trở thành một trong những chủ đề gây tò mò và tranh cãi nhất ở Vancouver, nơi người châu Á tập trung khá đông đúc kể từ thế kỷ XIX tới nay.
Với một số người, Mạnh chỉ là một trong nhiều người nước ngoài đang đầu tư vào bất động sản của Vancouver và giàu lên nhưng cũng góp phần biến nơi này thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất Bắc Mỹ.
Họ còn so sánh tình trạng thoải mái và được tự do đi lại quanh thành phố của bà Mạnh với điều kiện sống của những công dân Canada đang bị Trung Quốc bắt giam, dường như nhằm trả đũa việc giám đốc tài chính Huawei bị bắt.
Căng thẳng giữa Ottawa và Bắc Kinh tăng cao kể từ khi bà Mạnh bị nhà chức trách Canada bắt theo yêu cầu của Washington. Hôm 4/3, Trung Quốc cáo buộc Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao Canada, tội gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia. Theo Bắc Kinh, Kovrig nhận thông tin mật từ một người Canada khác cũng đang bị bắt là Michael Spavor.
Cáo buộc trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Canada thông qua phiên điều trần dẫn độ đối với Mạnh, dự kiến bắt đầu vào ngày 6/3 tại Tòa án tối cao British Columbia.
Từ khi bị bắt hồi tháng 12 năm ngoái, Kovrig và Spavor đã bị giam tại các nhà tù bí mật, không được gặp luật sư hay gia đình. Một công dân Canada khác, Robert Lloyd Schellenberg, đang đối mặt án tử hình vì tội danh buôn bán ma túy.
Cuộc chiến pháp lý của bà Mạnh đang diễn ra kịch tính với nhiều hành động tại tòa án. Hồi cuối tuần qua, các luật sư đại diện cho bà Mạnh thông báo họ đang kiện Cơ quan Biên phòng Canada, Cảnh sát Hoàng gia Canada và chính quyền liên bang vì xâm phạm các quyền hiến pháp của bà. Luật sư cáo buộc Mạnh bị giữ và thẩm vấn trong ba tiếng tại sân bay Vancouver vào tháng 12/2018 khi chưa có lệnh bắt.
Bên cạnh đó, tập đoàn Huawei cũng chuẩn bị kiện chính phủ Mỹ vì cấm các cơ quan liên bang sử dụng sản phẩm của họ.
Mạnh Vãn Chu rời căn nhà ở Vancouver hồi tháng 12 năm ngoái với sự bảo vệ của các nhân viên an ninh. Ảnh: AP.
Tại Vancouver, sự việc của bà Mạnh đã làm bật lên những bức xúc của người dân trước tình trạng giá bất động sản liên tục tăng mạnh và ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài tới thành phố.
"Mạnh đã chạm tới sự giận dữ và phẫn nộ trước tình trạng bất bình đẳng đáng kinh ngạc ở Vancouver cũng như việc người nước ngoài đang tự do mua bán bất động sản tại đây và biến Vancouver thành một thành phố để họ cất giữ tiền nhưng không ở lại", Andy Yan, giáo sư tại Đại học Simon Fraser đang nghiên cứu về hệ quả xã hội của cơn bùng nổ bất động sản tại Vancouver, nhận xét.
"Người dân đang tức giận vì bà ấy chỉ bị giám sát tại gia trong khi hai công dân Canada khác lại bị tống giam ở Trung Quốc", ông nói thêm.
Yan lưu ý rằng ngôi nhà của Mạnh ở khu Dunbar ở phía tây thành phố chính là một trong những nguồn cơn chính gây giận dữ. Khu vực này từng được mệnh danh là địa phận của tầng lớp trung lưu đầy khát vọng nhưng nay lại trở thành khu vực tràn ngập vốn đầu tư nước ngoài.
"Bây giờ, chỉ những triệu phú mới đủ tài lực sống ở đây", ông cho hay.
Tại các bữa tiệc và quán cà phê quanh thành phố, không ít người tỏ ra bất bình trước ý kiến cho rằng Mạnh chỉ là "một phụ nữ con nhà giàu tội nghiệp".
Với số tiền bảo lãnh 10 triệu USD, Mạnh được phép rời nhà tới 23h, có thể đến Richmond, thành phố lân cận với cộng đồng người gốc Hoa đông đúc, thưởng thức dim sum tại nhà hàng hay dạo quanh các trung tâm thương mại.
"Nếu phải vào tù thì nhà tù này không quá tồi", Karen Weichel, hàng xóm với Mạnh ở Dunbar, nói, tay chỉ vào ngôi nhà của giám đốc tài chính Huawei, nơi được canh phòng cẩn mật bởi đội ngũ an ninh đi những chiếc xe SUV Cadillac sang trọng.
Một nhân viên an ninh bên ngoài ngôi nhà của Mạnh ở Dunbar cho hay những tuần gần đây, bà khá kín tiếng và chỉ ở nhà. Có một lần, Mạnh còn mua pizza cho các phóng viên túc trực bên ngoài nhà.
Bà Mạnh tự mình chi trả cho đội ngũ bảo vệ từ Lions Gate Risk Management Group, công ty an ninh tư nhân chịu trách nhiệm giám sát bà, ghi lại thông tin về bất cứ ai đến và đi khỏi ngôi nhà.
Mạnh là con gái của Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei. Trong phiên điều trần tại ngoại hồi tháng 12, David Martin, luật sư của Mạnh cho hay bà mong chờ được dành thời gian quý giá bên gia đình trong thời gian bị giam giữ.
Bà ấy "chưa đọc một cuốn tiểu thuyết nào suốt nhiều năm", David nói trước tòa và thêm rằng Mạnh đang cân nhắc học tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Đại học British Columbia, nơi Huawei đang đầu tư hàng triệu USD cho công tác nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả mạng không dây 5G.
Li, sinh viên học ngành kinh tế chính trị Trung Quốc tại Đại học British Columbia, cho hay vụ của bà Mạnh đã gây chia rẽ trong chính các sinh viên đại học. Các sinh viên đến từ Trung Quốc cảm thông với bà trong khi những người khác cho rằng việc Mạnh bị bắt là đúng pháp luật.
Theo Wenran Jiang, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học British Columbia, với những người nhập cư Trung Quốc trong thành phố, vụ bắt Mạnh đã khơi lại những ký ức lịch sử về việc Canada phân biệt đối xử với người Trung Quốc.
Từ năm 1885 đến 1923, chính phủ Canada áp đặt thuế "đầu người" đối với dân nhập cư Trung Quốc nhằm hạn chế số lượng người Trung Quốc vào nước này. Năm 1923, Canada còn cấm hoàn toàn người nhập cư đến từ Trung Quốc. Lệnh cấm có hiệu lực trong hơn hai thập kỷ.
"Vancouver là một thành phố mang nhiều dấu ấn châu Á nên nhiều người ở đây có sự quan tâm đặc biệt sâu sắc đối với Mạnh bởi bà là một người có địa vị ở Trung Quốc", Jiang nói. "Với một số người, bà ấy đã trở thành biểu tượng cho thấy người Trung Quốc đang một lần nữa bị đè nén".
Một người biểu tình yêu cầu thả Mạnh Vãn Chu ngay lập tức bên ngoài Tòa án Tối cao British Columbia hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: AP.
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu kiện chính phủ Canada Mạnh Vãn Chu cáo buộc chính phủ Canada đã vi phạm Hiến chương về Quyền và Tự do của nước này khi bắt bà tại ... |
Hệ quả nếu Trump can thiệp vụ xử giám đốc Huawei Mạnh Vãn Chu Tổng thống Mỹ có khả năng gây suy yếu pháp quyền và làm người dân mất niềm tin vào hệ thống xét xử nếu can ... |