Vì sao nhà vệ sinh thông minh trị giá khoảng 1,6 tỷ được xây tại trung tâm tỉnh Bình Dương để phục vụ du khách và người dân lại bị đập bỏ, thế chỗ cho một công trình khác?

Liên quan đến việc một nhà vệ sinh được xây dựng theo mô hình xã hội hóa để phục vụ miễn phí người dân bị đập bỏ khiến nhiều người bức xúc, cho rằng bị chính quyền “gây khó dễ”, các đơn vị liên quan đã chính thức lên tiếng giải thích nguyên nhân.

Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một Nguyễn Lộc Hà trực tiếp kiểm tra công trình xảy ra nhiều "lùm xùm" tại Chùa Bà Thiên Hậu

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Lộc Hà – Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, những ngày vừa qua có nhiều thông tin cho rằng chính quyền địa phương gây áp lực, buộc phải đập bỏ nhà vệ sinh do Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam (Hiệp hội NVS) xây dựng trước đó là không có căn cứ, gây sự hiểu nhầm giữa TP Thủ Dầu Một đối với nhà đầu tư và Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu.

Theo ông Hà, chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hiệp hội NVS thực hiện việc đầu tư, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh phục vụ cộng đồng, không có lí do gì để gây khó dễ cho các đơn vị làm những việc có ích cho cộng đồng.

Đối với nhà vệ sinh được xây dựng trong khu đất của chùa Bà Thiên Hậu (đường Nguyễn Du, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một) vừa bị đập bỏ, ông Hà cho biết đây là khu vực do Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu quản lý. Công trình này trước đây do Ban trị sự xin phép xây dựng và làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa, do đó việc đập bỏ hay sử dụng thế nào là do Ban trị sự quyết định, chính quyền không thể can thiệp vào việc này. Các cơ quan chức năng chỉ phê duyệt, cấp phép khi đủ điều kiện.

Nhà vệ sinh miễn phí 1,6 tỷ ở Bình Dương 

“Tôi khẳng định thành phố không gây khó dễ và can thiệp vào việc đập bỏ nhà vệ sinh này. Chủ trương của thành phố là ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư”. – Ông Hà nói.

Giải thích về nguyên nhân đập bỏ nhà vệ sinh của Hiệp hội NVS Việt Nam, ông Vương Vĩnh Thắng – Trưởng Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu cho rằng, qua một thời gian ngắn sử dụng, thiết bị trong nhà vệ sinh không đáp ứng được nhu cầu.

Cụ thể, nhà vệ sinh này không có móng kiên cố, thiết bị liên tục hư hỏng khiến nhiều người phàn nàn, trong khi các thiết bị bên trong bằng điện tử, quá hiện đại... nên chùa rất khó tìm người để sửa chữa như thông thường.

Bên cạnh đó, chùa Bà thường có những người khuyết tật đến hành hương nhưng nhà nhà vệ sinh này lại chưa có khu vực phù hợp cho nhu cầu sử dụng của các đối tượng này, gây bất tiện trong quá trình sinh hoạt.

Theo ông Thắng, dù có nhà vệ sinh thông minh tại đây nhưng chùa vẫn phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để thuê nhà vệ sinh di động để người dân sử dụng.

Ông Trần Vĩnh An khẳng định chùa Bà chủ động đập bỏ nhà vệ sinh cũ để xây mới

Trả lời câu hỏi của PV về việc có hay không chính quyền gây áp lực, buộc chùa phải phá bỏ công trình này, ông Trần Vĩnh An – Phó Ban thường trực Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu khẳng định việc đập bỏ và xây công trình mới là hoàn toàn do chùa chủ động thực hiện, không hề có chuyện cán bộ nào hay chính quyền can thiệp vào.

Ông An cho biết thêm, từ trước tới nay mối quan hệ giữa chùa Bà và Hiệp hội NVS Việt Nam rất tốt, tạo điều kiện cho nhau để giúp cộng đồng xã hội, việc chùa đập bỏ nhà vệ sinh này để xây mới chỉ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân, không liên quan đến mối quan hệ giữa các bên.

Nhà vệ sinh miễn phí 1,6 tỷ bị đập: Giải thích nóng
Có 5 thói quen trong nhà vệ sinh khiến bạn trả giá bằng việc giảm tuổi thọ
Uống nhầm chất tẩy rửa toilet vì tưởng là nước ngọt, người đàn ông 59 tuổi nhập viện cấp cứu

/ vietnamnet.vn