Tối qua 4/4, mặc dù được cấp cứu nhưng vì vết đâm trúng động mạch chủ, chảy máu trong nên anh Mai Xuân Lan đã qua đời.
Vào lúc 11g50 ngày 4/4, anh Mai Xuân Lan (33 tuổi, ở phường 2, TP.Đông Hà) đang dừng đèn đỏ ở ngã tư đường Nguyễn Huệ giao cắt đường Hùng Vương thuộc địa bàn phường 1, TP Đông Hà. Lúc thấy Lê Văn Hoài (16 tuổi, phường Đông Thanh, TP Đông Hà) đang chở một bạn gái trên xe máy điện vượt đèn đỏ nên anh Lan nhắc nhở, sau đó giữa hai bên xảy ra cãi vã.
Hết đèn đỏ, anh Lan chạy xe đi thì bị Hoài. đi xe máy điện đuổi theo, ép đường rồi dùng dao thủ sẵn trong người đâm vào phía bụng trái làm anh Lan bị thương nặng. Hoài bị người đi đường bắt tại chỗ. Anh Lan lập tức được đưa vào BV đa khoa tỉnh Quảng Trị cấp cứu. Tuy nhiên vì vết đâm trúng động mạch chủ nên tối qua, anh Lan đã không qua khỏi.
Đó là một câu chuyện buồn và đáng báo động về tình trạng lưu manh, côn đồ trong một bộ phận giới trẻ hôm nay. 16 tuổi, Hoài chở theo bạn gái nhưng vẫn mang dao bấm trong người, chạy xe vượt đèn đỏ. Khi bị nhắc nhở và có va chạm với anh Lan, Hoài không ngần ngại rút dao đâm người khác, bất cần biết hậu quả thế nào. Và cuối cùng là một mạng người đã mất. Anh Lan mới lấy vợ, vợ mới sinh con được vài tháng, giờ đã thành mẹ góa con côi.
Thực sự là một câu chuyện không muốn tin mà vẫn phải tin.
Một đứa trẻ 16 tuổi như Hoài, chắc chắn nhân cách chưa hoàn thiện, đang trong quá trình cần uốn nắn, dạy bảo. Nhưng Hoài lại sẵn sàng rút dao đâm người nhắc nhở mình khi mình làm một việc sai trái (vượt đèn đỏ giao thông) thì đó là một thất bại lớn của giáo dục mà trách nhiệm thuộc về cha mẹ Hoài và cả xã hội.
Có người đã thốt lên: Tại sao xã hội chúng ta lại có những đứa trẻ mới lớn mà đã đầy tính côn đồ như trường hợp này, chỉ một va chạm nhỏ đã rút dao đâm người? Hoài có được đi học không, có được bố mẹ thương yêu dạy dỗ hay không?
Có người lại nói nhìn gương của anh Lan, từ giờ ra đường thì nhắm mắt làm ngơ trước những việc chướng tai gai mắt, mặc kệ những kẻ phạm luật, bởi nhắc nhở thì chỉ thiệt vào thân. Nhẹ thì bị đánh đập, gây thương tích, nặng thì mất mạng.
Cho dù có chọn lối ứng xử thu mình vào như một con ốc ấy, thì đó có phải là một nỗi buồn chung cho tất cả chúng ta?
Một cộng đồng mà đứng trước những việc sai trái, không ai dám nhắc nhở, vì sợ bị đánh, bị giết như trường hợp này, đứng trước việc tốt, không ai muốn làm (vì sợ bị vướng vào vòng lao lý như người tài xế bị vu bắt cóc trẻ em khi cứu giúp một em bé lạc bố mẹ chạy ra ngoài đường), thì thử hỏi, chúng ta sẽ sống ra sao?
Làm sao để con người có thể sống đúng với đạo lý, thấy việc sai trái thì lên án, thấy việc tốt thì xắn tay lên làm nếu như họ gặp phải những hậu quả nặng nề như vậy? Lỗi từ đâu, căn nguyên của tình trạng đáng buồn này là gì?
Không thể đổ lỗi riêng cho một ai cả. Tất cả chúng ta đều cùng có một phần trách nhiệm. Những đứa trẻ hư hỏng, côn đồ manh động không từ trên trời rơi xuống, nó là một sản phẩm thất bại của bố mẹ, của nhà trường, của toàn xã hội.
Rất nhiều những thanh niên choai choai hiện nay thích tụ tập băng nhóm, sống kiểu “giang hồ”, chơi ma túy tổng hợp, xăm trổ, mang theo hung khí bên mình, nói tục chửi bậy, gây gổ đánh nhau như kiểu “thần tượng Khá Bảnh” mới bị cảnh sát bắt gần nhau. Một cộng đồng để cho những đứa trẻ mới lớn chạy theo lối sống đáng lên án như vậy, thì chắc chắn những vụ án mạng đau lòng như trường hợp của anh Lan chắc chắn sẽ xảy ra.
Nhắc nhau khi thấy người vượt đèn đỏ, nếu ở một xã hội văn minh thì có lẽ chỉ có thêm một lời xin lỗi, một lời cảm ơn, một nụ cười.
Còn ở đây, một mạng người đã mất.
Đà Nẵng: Trích xuất camera xử phạt đoàn xe container ngang nhiên vượt đèn đỏ Các tài xế cho rằng do mình quá nôn nóng để về quê ăn Tết nên đã cho xe vượt đèn đỏ trên đường phố ... |
Bộ trưởng Thể: "Thi sát hạch mắc lỗi vượt đèn đỏ thì cho rớt ngay" Nhấn mạnh tỷ lệ tai nạn giao thông 2018 còn cao, Bộ trưởng GTVT cho biết sẽ kiên quyết cải thiện vấn đề này trong ... |