Trần Tiến vừa sáng tác vừa hát hay, sống phóng túng, nghệ sĩ và có “gu” riêng từ cách ăn mặc đến giao tiếp.

 

 

 

Tôi không nhớ đã quen với Trần Tiến từ bao giờ, chỉ nhớ mùa đông năm ấy, khi anh ở Sài Gòn ra Hà Nội vào mùa đông. Nhà em trai tôi ở Khâm Thiên, anh thường ghé đến, lúc thì lấy xe Honda để chạy công việc (hồi đó Hà Nội còn hiếm người có xe máy), lúc thì làm vài ba chén rượu suông. Em dâu tôi có cửa hàng quần áo, tôi lấy đại mấy mét nhung đũa, hỏi anh có thích thì đem may áo vest. 

Rồi show diễn đầu tiên ở Cung Thanh niên, tôi cũng hỏi Giám đốc Cung cho anh mượn địa điểm, không thu phí để đem nhóm nhạc của anh ra biểu diễn. Chả cứ tôi, người Hà Nội yêu mến anh nhiều lắm, tôi không giúp anh cũng có nhiều người giúp. Ngôi nhà 94 Lê Duẩn của anh Trần Tuấn Giáo sư Toán, anh trai cả của Trần Tiến lúc nào cũng đông khách đến chơi.

Những bài hát của Trần Tiến từ khi còn chưa ai gọi là nhạc sĩ đã hay rồi.  Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp đã sớm đoạt Giải A cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Nhưng sau tốt nghiệp mang chủ đề quê hương đất nước và tình yêu lứa đôi: Giai điệu Tổ quốc, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Vết chân tròn trên cát, Ngẫu hứng Sông Hồng, Ngẫu hứng Lý qua cầu… cùng với cây guitar gỗ, Trần Tiến thực sự thu hút đông đảo công chúng yêu nhạc. 

Biết bao nhiêu người thầm yêu trộm nhớ cái hình ảnh Trần Tiến trên sân khấu duyên dáng, thủ thỉ tự tình. Tôi còn nhớ rất rõ những buổi diễn trong đó có Trần Tiến, cho dù ngày ấy chưa có hò reo, con người còn đóng kín mọi biểu lộ công khai ở chỗ đông dù là cổ vũ tiết mục vậy mà cũng có những tiếng vỗ tay, kêu to tên Trần Tiến.

Tôi cũng trong số thích nghe Trần Tiến hát và một tình cờ khiến tôi và anh quyết định là bạn của nhau và cùng lo cái show âm nhạc đầu tiên của anh với sự giúp đỡ về địa điểm của giám đốc Cung văn hóa Thanh niên Hà Nội. Ngày đó tôi làm phóng viên báo của Thành Đoàn Hà Nội. Show diễn đầu tiên cũng như mấy show sau đó đều hết sức tốt đẹp…

1990 là năm có chủ trương Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang ở điểm cao trào, nhà nước vận động giảm sinh, thanh niên lập gia đình muộn, Trung ương Đoàn mời anh tham gia dự án Âm nhạc cho cuộc vận động chủ trương này. Trần Tiến mời tôi làm trợ lý.

Tôi là người viết thư mời các nhạc sĩ nhưng ai cũng biết đó là dự án của Trung ương Đoàn do Trần Tiến làm chủ sự. Rất nhiều nhạc sĩ tham gia như: Nguyễn Cường có bài “Sói con ngơ ngác của tôi”; Trương Ngọc Ninh có bài “Lời ru chia đôi”… Riêng Trần Tiến, ở dự án này có liền mấy bài, bài nào cũng được ưa thích trong giai đoạn đó như:

Sao em nỡ vội lấy chồng, Cô bé vô tư; Chim sẻ tóc xù…



Nói không ngoa thì Trần Tiến là người hát nhạc của mình hay nhất, dù giọng ông có hơi khê nhưng vì phong thái biểu diễn sinh động, duyên dáng và chất giọng trầm khàn, hát đầy cảm xúc Trần Tiến luôn thu hút khán giả. Sau là Trần Thu Hà, cháu gọi ông là chú ruột, con của NSND Trần Hiếu. Trần Thu Hà hát hay nhiều tác giả khác nhưng có lẽ hát hay nhất là nhạc của chú ruột mình vì nhiều bài cứ như thế Trần Tiến viết cho Hà.

Trần Thu Hà cũng hiểu chú mình từ cuộc đời, khát vọng đến tâm tình, thông điệp gửi gắm của chú tới cuộc sống. Rồi đến Hồng Nhung, Y Moan, Lâm Xuân, Trần Thái Hòa, Quang Lý và Tùng Dương… Tùng Dương hát Mẹ tôi của Trần Tiến trong show Bộ tứ sông Hồng khiến không ít người chảy nước mắt.

Nhưng từ trước nữa không thể không nói đến Ngọc Tân. Dường như đó là một cặp bài trùng được Trời sinh ra cho nhau. Ngọc Tân hát Tạm biệt chim én, Ngọn lửa cao nguyên, Ngẫu hứng sông Hồng, Giấc mơ Cha pi; Ngẫu hứng lý qua cầu, Chiếc vòng cầu hôn, Vết chân tròn trên cát,…

Hầu hết các bài hát của Trần Tiến giai đoạn đó như thuộc về giọng hát Ngọc Tân. Có khi hai người hát song ca. Sau Ngọc Tân phải kể đến Hồng Ngọc. Hồng Ngọc phù hợp với giai đoạn du ca của Trần Tiến, cách hát với cây đàn thùng với một nhóm nhạc nhỏ cách rong ruổi khắp nơi khắp chốn, lên Tây Nguyên, ra Hà Nội, về miền Trung, sang châu Âu…

Cũng như các bạn trong bộ tứ, Trần Tiến sử dụng chất liệu dân gian rất tài tình, chắt lọc lấy cái tinh túy, gắn với sáng tạo mang đặc tính của mình vào và làm nên tác phẩm. Rất mượt nhưng không sến âm nhạc của Trần Tiến đi vào lòng người, chinh phục đông đảo những người đã quen nghe nhạc Bolero.

“Bằng lòng đi em về với quê anh/ một dòng sông xanh một cù lao xanh/ Bằng lòng đi em anh đó qua cầu…” là một ví dụ. Nhưng, ý thức công dân luôn thường trực thôi thúc anh nghĩ nhiều hơn vào cái thời nhà nước chủ trương đổi mới…



Những người bạn của Trần Tiến, trong đó có tôi cũng luôn nhớ hình ảnh Trần Tiến thời anh chuyển đổi xu hướng sáng tác, vẫn là rock và pop nhưng chuyên chở một hình thái tư tưởng, mới và chân thật hơn, dũng cảm hơn nhưng anh đã gặp phải sự bảo thủ và... dính đòn.

Có lẽ vì sự dính đòn, vì những thử thách quá lớn đối với Trần Tiến lúc đó mà những người bạn yêu thương anh hơn. Ai cũng thấy: Đối thoại 87, Trần trụi 87, Ý nghĩ trong phòng hải quan, Đồng hồ…là những ca khúc mạnh bạo nhất và gây tranh cãi nhất và nó khiến Trần Tiến khốn đốn một dạo.

Sau giai đoạn đó, từ 1990 Trần Tiến đổi từ pop đơn thuần sang phong cách dân gian đương đại và cũng giành được sự đón nhận của khán giả. Những sáng tác tiêu biểu cho phong cách này của ông bao gồm: Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng, Quê nhà…

Rồi năm 2000, Trần Tiến tổ chức liveshow lớn tại Nhà hát Hoà Bình, Hãng phim Phương Nam đã sản xuất mang tên Ngẫu hứng Trần Tiến. Trong phim, Trần Tiến là người dẫn chuyện kiêm nhạc sĩ và hát xuyên suốt chương trình với các ca sĩ như Trần Thu Hà, Ngọc Anh 3A, Phương Thanh, Hồng Nhung...

Cũng giống như các bạn trong bộ tứ: Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến là người không chỉ được mến mộ, là thần tượng của công chúng yêu nhạc mà tác phẩm đều có tuổi đời cao và hầu hết đều tự viết lời cho bài hát của mình. Ca từ sâu sắc và có giá trị như âm nhạc, họ ít sử dụng thơ của người khác. Trường hợp Trần Tiến sử dụng thơ của Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, hay Bế Kiến Quốc là hy hữu, có thể xuất phát từ tình bạn, từ điều làm tốt cho bạn hoặc có thể vì lời thơ gây xúc động cho nhạc sĩ…

 

Cũng như Dương Thụ, Trần Tiến còn là người của văn học. 24 Ngẫu hứng văn học của Trần Tiến sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập giới thiệu trên blog đã in thành sách. Xin trích một đoạn trong 1 Ngẫu hứng viết về Trịnh Công Sơn: "… Ngày ra Hà Nội chơi, anh gặp thêm các danh sĩ Bắc Hà, Nguyễn Tuân, Văn Cao. Tôi dẫn anh đi gặp các đệ tử của Đốt (Dostoievky), của Pau-u (Paustovsky), nghe người ta trêu nhau: \'Thằng này Pavel lắm\'. \'Thằng kia dân con nhà Piez Berzukhov\' (nhân vật của Tolstoy), \'con này Acxenia\' (nhân vật của Sholokhov)...

Người ta có thể chết vì thiếu hiểu biết và cũng có thể chết vì không có việc để làm. Nhưng không ai chết vì không thích đọc sách. Có đọc vẫn có hơn. Đọc làm cho mình bớt ngu đi nhiều lắm… Người mê sách, gặm chữ như bò gặm cỏ, như mối gặm gỗ, như sư tử gặm xương. Gặm vậy mà vẫn đói. No chữ thì đói cơm. Người có chữ thường đói, nên trông yếu sìu, đến cái kính cũng không giữ nổi, suốt ngày tụt xuống mũi. Gái mê tiền, không mê đồ mọt sách, dài lưng tốn vải, nhưng người có chữ đi đâu, cũng được trọng… Nhưng cuốn sách cần đọc nhất, vẫn chính là: “Đời mình”. Nguyễn Cường bảo với tôi: "Trần Tiến là ông hoàng số 1 của Pop Việt đấy".

Cả 4 ông trong Bộ tứ sông Hồng, ông nào cũng là dân mê sách, đọc sách nhưng không chết chìm trong sách mà họ biến những gì tiếp nhận được từ sách thành một điều mới, tác phẩm nghệ thuật với giá trị mới… Đôi khi Trần Tiến còn viết báo, dí dỏm duyên dáng, điệu đàng và nhiều thuyết phục.

Gần đây nhất, anh có một bài dài “Nơi tuổi xuân mãi mãi của tôi” tâm tình chuyến thăm mùa thu Hà Nội 2019, trong đó anh nhắc lại quá khứ, ôn tình xưa, nhắc tên nhiều bạn cũ. Trong đó có câu: “Nghệ sĩ mà đánh mất đi sự hồn nhiên thì già thật, chết thật, chết ngay từ khi còn trẻ”. Thì ra, anh tôn trọng hồn nhiên, và anh đã hồn nhiên sống trong khi nhiều người không hồn nhiên như vậy… 

Đôi khi Trần Tiến còn viết báo, dí dỏm duyên dáng, điệu đàng và nhiều thuyết phục. Gần đây nhất, anh có một bài dài “Nơi tuổi xuân mãi mãi của tôi” tâm tình chuyến thăm mùa thu Hà Nội 2019, trong đó anh nhắc lại quá khứ, ôn tình xưa, nhắc tên nhiều bạn cũ. Trong đó có câu: Nghệ sĩ mà đánh mất đi sự hồn nhiên thì già thật, chết thật, chết ngay từ khi còn trẻ". Thì ra, anh tôn trọng hồn nhiên và đã hồn nhiên sống trong khi nhiều người không hồn nhiên như vậy…

Cách đây gần 30 năm tôi cũng đã từng vào nhà Trần Tiến hồi vợ chồng anh còn ở Cao Thắng. Chị Ngà thường đèo tôi đi chơi, đi chợ Sài Gòn. Chị Ngà là giáo viên, một người yêu chồng nhất mực, những tối chồng đi diễn, chị bắc ghế ngồi ở cửa chờ đến khi nào chồng về mới vào trong nhà. Hai đứa con gái rất ngoan, giờ chúng đã lớn, nghe nói đều sống ở nước ngoài. Trần Tiến cùng vợ sống ở Vũng Tàu từ mấy năm trước nhưng mới đầu năm 2020 mới dọn về căn nhà gần biển phong cách rất độc đáo được thiết bởi KTS Vĩnh Phúc. 

Nhạc sĩ khuyến khích Kiến trúc sư tự do biểu đạt ý tưởng sáng tạo. KTS đã dành nhiều thời gian để nghe nhạc Trần Tiến và hiểu được cuộc sống cùng gu thẩm mỹ của nhạc sĩ. Nơi ở mới có lẽ là một không gian sống được Trần Tiến hài lòng nhất từ trước tới nay. Ở đó có phòng sáng tác, có nơi tiếp đãi bạn bè, có khán phòng để thưởng thức âm nhạc…

Hàng ngày, cặp vợ chồng Trần Tiến hạnh phúc đi dạo tay trong tay ngoài bờ biển. Âm nhạc theo ông đi suốt cuộc đời, dù chiến tranh hay hòa bình, dù trong Nam hay ngoài Bắc hay đi bất cứ đâu, thì khi có cảm hứng là âm nhạc xuất hiện. Nhưng nghe nói, những ngẫu hứng văn xuôi của ông đều được nảy sinh và hoàn thiện ở vùng biển này. Còn cả những bản phác thảo giao hưởng nữa, dường như cũng có nhiều tiếng sóng…

 

 

Nhà văn Trần Thị Trường

Ảnh: Nguyễn Việt Đức
Thiết kế: Quốc Dũng

Phó Đức Phương, nhạc sĩ nghèo sống trong căn nhà 49m2
Nhạc sĩ Phú Quang nhập viện
Nhạc sĩ Trần Tiến và những day dứt về Trịnh Công Sơn

 

 

/ vietnamnet.vn