Trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11, một số sở GD-ĐT địa phương tuyên bố không tiếp khách, không nhận hoa, không tổ chức mittinh, diễn văn nghệ nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện tặng quà giáo viên chưa bao giờ hết “nóng”.

Cô giáo vùng cao. Ảnh: Báo Lào Cai

Bên cạnh ý nghĩa tri ân nhà giáo, câu chuyện tặng quà ngày 20.11 đang ngày càng biến tướng, không còn giữ được ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, thậm chí đã có những hiện tượng đáng buồn, đáng phê phán.

Một thực tế là hầu hết học sinh, phụ huynh chỉ thăm, tặng quà các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy. Việc thăm, tặng quà cho các thầy cô đã dạy dỗ những năm trước, hoặc đã nghỉ hưu là rất hiếm hoi. Điều này là bình thường, song cũng dẫn đến suy nghĩ đây là một hành vi có tính chất phong trào, đã thành lệ hơn là một hoạt động tri ân đúng nghĩa.

Ở các trường trên địa bàn thành phố, phụ huynh có điều kiện thường “quy chuẩn hóa” quà tặng thành phong bì cho đơn giản, gọn nhẹ. Nhiều phụ huynh phân biệt giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giáo viên môn chính, môn phụ… để chuẩn bị phong bì nặng, nhẹ khác nhau.

Những toan tính ấy thực sự đã “giết chết” tình cảm tri ân tốt đẹp như ý nghĩa vốn có của ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo.

Về bản chất, quà tặng cho giáo viên cũng là một khoản chi cho giáo dục, và nhiều gia đình khó khăn buộc phải tính toán, căn cơ.

Học sinh tặng quà cho nhà giáo cũng vậy. Các em không có tiền, nên phải về xin bố mẹ, rồi góp lại, cử người đi mua quà, hoặc bỏ phong bì tặng thầy cô. Thầy cô nhận được chẳng bao nhiêu, nhưng lại tạo thêm một phiền phức cho gia đình và bản thân các em.

Một số em tặng hoa và phong bì cho thầy cô ngay trên bục giảng, hoặc trong sân trường một cách vội vàng, qua quít. Thực sự, đó là những cách ứng xử kém cỏi, thiếu tôn trọng chứ không phải là tri ân thầy cô.

Tri ân nhà giáo là đạo lý của dân tộc. Nhưng bày tỏ tình cảm ấy như thế nào, cách làm ra sao thực sự là một vấn đề hết sức nan giải.

Những thầy cô giáo vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, các thầy cô đã nghỉ hưu thì không có quà cáp gì trong ngày 20.11. Và buồn nhất, là có hàng trăm cô giáo mầm non, đã nghỉ hưu, nan giải với mức lương chỉ 1,3 triệu tháng, trong quay cuồng những nhu cầu của cuộc sống già yếu, bệnh tật.

Nâng cao mức sống cho nhà giáo, kể cả nhà giáo nghỉ hưu, là cách tri ân tốt nhất để ngày 20.11 hàng năm có ý nghĩa trọn vẹn, không còn bị vướng bận bởi những toan tính vụn vặt, tầm thường.

Và tình cảm tri ân, không chỉ thể hiện rình rang trong ngày 20.11, mà trong tất cả hành trình cuộc sống. Học sinh chăm ngoan, thành đạt, có đóng góp cho xã hội chính là món quà tri ân đáng giá nhất, dành cho các thầy cô.

Khi ngành giáo dục “nói không” với quà tặng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Không nhận hoa, nhận quà dưới mọi hình thức; không tổ chức tiếp khách, tiếp đón phụ huynh, học sinh tại nhà giáo viên… là ...

Vì sao Quảng Nam đột ngột bỏ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam?

Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương, khen thưởng, vinh danh nhà giáo tiêu biểu của sở GD&ĐT Quảng ...

http://laodong.vn/dien-dan/nhan-35-nam-ngay-nha-giao-viet-nam-dau-la-mon-qua-tri-an-dang-gia-nhat-575699.ldo

/ Quang Đại/Báo Lao động