Nhân chứng nói việc kiểm soát an ninh ở nhạc hội là lỏng lẻo, trong khi cơ quan chức năng khẳng định "làm đúng quy trình". 

Lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng bắt đầu từ 15h30 ngày 16/9 tại Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) thu hút hàng nghìn người tham dự, đa phần là bạn trẻ.

Công an Hà Nội xác định 7 người tử vong và 5 bệnh nhân cấp cứu sau lễ hội đều dương tính với ma túy. Tại hiện trường, cảnh sát thu được “bóng cười”, một số viên nén nghi ma túy tổng hợp.

Là một trong những nhân chứng tham dự lễ hội, anh Quang (Hà Nội) cho biết vé được anh đặt mua trước một tháng với giá 650.000 đồng. Khi có vé trong tay, anh Quang đã nghĩ sẽ có một buổi tối thú vị bởi số tiền bỏ ra không nhỏ.

Đến lễ hội từ lúc 18h, anh thấy ban tổ chức bố trí không gian có mái che khá chật với ba sân khấu gồm một chính và hai phụ. Từ cổng ra vào, khán giả sẽ đi qua qua hai sân khấu phụ và cuối cùng là sân chính có DJ (người chỉnh nhạc). Xung quanh khu lễ hội bị căng kín rèm tạo cảm giác ngột ngạt.

"Gần cuối đêm nhạc, một số khách dự bị ngất, trong đó có người phải đưa ra ngoài bằng cáng nên ban tổ chức mới kéo rèm lên. lúc đó không khí trở nên dễ thở hơn”, anh Quang nhớ lại.

nhan chung viec kiem soat an ninh o le hoi am nhac rat long leo
Khán giả đi qua cổng soát vé để vào dự lễ hội. Ảnh: P.A.

Anh An (quận Hoàn Kiếm) và một số nhân chứng khác nói việc kiểm soát an ninh ở lễ hội rất lỏng lẻo. Để vào được khu sân khấu, anh An đi qua cổng soát vé chia làm hai cửa là "Có đồ” và “Không đồ”.

"Tuy nhiên, bảo vệ kiểm soát khá sơ sài. Tôi chỉ cần trả lời là không khi bảo vệ hỏi có thuốc hay bật lửa gì không là được qua cửa”, anh An cho hay.

Qua cổng soát vé là đến lối đi giữa hai sân khấu, nơi có một số người ngồi bơm bóng và bán công khai cho khách. "Giá mỗi quả bóng là 200.000 đồng song họ thường bán theo từng cặp", một nhân chứng phản ánh.

Một số người tham dự lễ hội cũng cho hay, đêm nhạc lên cao trào khi trời đã tối, khó quan sát xung quanh, nhạc mạnh, cả nghìn người nhảy cuồng nhiệt nên "lúc đó mọi người chỉ thấy vui và không để ý đến việc kiểm soát an ninh, trật tự".

nhan chung viec kiem soat an ninh o le hoi am nhac rat long leo
Khu vực bán những quả bóng giá 200.000 đồng tại hành lang đi vào sân khấu. Ảnh: P.A.

Cơ quan chức năng nói gì về việc kiểm soát an ninh, trật tự ở lễ hội?

Ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội cho biết, đơn vị tổ chức sự kiện là Công ty Á Châu, từng tổ chức nhiều nhạc hội trước đây. Chương trình lần này có sự tham gia của bốn nghệ sĩ nước ngoài, đã được thành phố cấp phép biểu diễn. Toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, cấp phép đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Theo ông Tiến, các sự kiện cấp thành phố đều có sự phối hợp từ lực lượng chức năng và có phương án bảo vệ riêng.

"Sở rút kinh nghiệm và sẽ yêu cầu đơn vị tổ chức phải phối hợp với công an khi sự kiện có khả năng thu hút đông khán giả", ông nói.

nhan chung viec kiem soat an ninh o le hoi am nhac rat long leo
Lễ hội âm nhạc thu hút hàng nghìn người tham dự. Ảnh: Hải Quân.

Về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nói, trước khi đêm nhạc diễn ra một ngày, quận đã kiểm tra hợp đồng thuê địa điểm biểu diễn, các giấy tờ liên quan.

Ngày 16/9, lực lượng chức năng của quận có mặt từ khi "chạy thử" cho đến lúc kết thúc chương trình. "Như vậy là quận giám sát chặt chẽ, đúng trình tự", ông Tuấn nói.

Lãnh đạo quận Tây Hồ khẳng định, việc đảm bảo an ninh, quản lý người tham dự để phòng chống sử dụng ma túy thuộc về Ban quản lý công viên nước Hồ Tây; quận Tây Hồ chỉ chịu trách nhiệm giám sát. “Tuy nhiên, để khẳng định trách nhiệm trong sự cố thuộc về cán nhân, tổ chức nào thì phải chờ kết luận của cơ quan điều tra”, ông Tuấn nói.

Hiện Ban quản lý công viên nước Hồ Tây và lãnh đạo Công ty Á Châu chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc.

Ngoài 7 người đã tử vong, đến sáng 18/9, ba bệnh nhân tiếp tục cấp cứu tại bệnh viện E; hai bệnh nhân khác ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Công an Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, tử thi, từ đó, nhà chức trách sẽ có căn cứ khởi tố vụ án, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan.

Tháng 6/2017, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu sở ngành siết chặt quản lý, xử lý vi phạm trong kinh doanh, buôn bán "bóng cười" (bóng bay bơm khí N2O). Theo nhà chức trách, hiện một bộ phận thanh niên, học sinh dùng sản phẩm này làm thú vui trong khi ngành y tế không cấp phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành.

Khí N2O tác dụng gây cười, có hại lớn đến sức khoẻ là loại khí thuộc danh mục hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp, được dùng chỉ định trong một số lĩnh vực y tế. Việc sản xuất, kinh doanh, dùng khí N2O phải chấp hành quy định của Luật Hóa chất.

nhan chung viec kiem soat an ninh o le hoi am nhac rat long leo 7 thanh niên chết trong lễ hội âm nhạc, ai lơ là?

1 lễ hội âm nhạc được tổ chức rầm rộ nhưng có đến 7 thanh niên chết vì sốc ma túy.

nhan chung viec kiem soat an ninh o le hoi am nhac rat long leo 7 người chết trong lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây: Bóng cười tàn phá cơ thể khủng khiếp tới mức nào?

Kết quả test nhanh cho thấy cả 8 dương tính với ma tuý đá, cần sa và thuốc lắc, những nạn nhân này đều có ...

/ VnExpress