Thời gian gần đây trên thế giới và Việt Nam đã xuất hiện ma tuý “núp bóng” dưới dạng đồ uống, thực phẩm như: nước vui, nước xoài, nước nho, trà chanh, socola… đã khiến nhiều người “dính” phải, đặc biệt là giới trẻ đang ở độ tuổi học sinh.
- Đánh sập nhiều cơ sở kinh doanh ma túy núp bóng quán bar, vũ trường
- Phá đường dây buôn ma túy liên tỉnh do Yến "ma" điều hành
- Triệt phá đường dây thuê người đi ''ship'' ma túy cho khách
Gói ma túy “nước xoài” với dòng chữ “Crispy Fruit Mango”
Thủ đoạn nguỵ trang chất ma tuý
Với cái “mác” nước trái cây, nước xoài trên bao bì có in dòng chữ “Crispy Fruit Mango” trong vụ án do Công an quận 5, TP. HCM, phát hiện triệt phá vào tháng 10-2020 đã cho thấy thủ đoạn tinh vi của đối tượng đưa ma tuý vào nội địa nước ta.
“Sản phẩm” này được các đối tượng ngụy trang trong gói nilon có dòng chữ “Crispy Fruit Mango” bên trong chứa bột màu vàng. Loại bột này pha vào nước để uống sẽ tạo ảo giác nguy hiểm cho sức khoẻ, đặc biệt là giới trẻ.
Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế “Crispy Fruit Mango” có chứa Bromazepam, Nimetazepam đều là chất ma tuý (thuộc danh mục III Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ). Đây là loại ma túy mới, thường được các đối tượng gọi là "nước vui" và được đóng thành từng gói bột nhỏ với bao bì có hình ảnh, màu sắc bắt mắt. Loại ma tuý này không chỉ xuất hiện ở một số tỉnh phía Nam mà còn có cả ở tại các tỉnh như Bắc Ninh, Thanh Hóa, TP. Nha Trang, Khánh Hòa.
Đáng lưu ý, “nước vui” đóng gói nhỏ, gọn, có chiều cao 10,5cm, đường kính 5cm nên có thể dễ dàng mang tới các tụ điểm để bán cho dân chơi. Theo các chuyên gia sức khoẻ, chỉ cần một giọt nhỏ “nước vui” được pha vào các loại nước giải khát đã có thể giúp người nghiện đạt đến độ “phê” chỉ trong thời gian ngắn.
Nhiều dạng ma tuý “núp bóng” dưới tên các loại nước khác như “nước nho” Ribena chứa ketamin, “trà chanh”, nước giải khát “Tropicana Twister” chứa chất ma tuý (Ketamin, MDMA). Đây là một dạng ma tuý tổng hợp, có thể hòa tan được vào nước như nước giải khát, khi uống sẽ gây ảo giác mạnh, loạn thần và có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu sử dụng trong thời gian dài.
Bên cạnh các loại ma tuý tổng hợp “núp bóng” dưới dạng nước hoa quả, nước giải khát, trên thị trường còn xuất hiện các loại ma tuý được nguỵ trang dưới dạng thực phẩm, thuốc lá điện tử, thảo mộc. Điển hình là vụ việc nhóm học sinh tại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh sử dụng kẹo có chứa chất ma tuý, bị ngộ độc phải cấp cứu (tháng 10-2021), hay vụ việc sử dụng socola nhãn hiệu Chill Max có chứa chất ma tuý ADB-BUTINACA (thuộc danh mục IIC của Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ) xảy ra tại huyện Đông Anh, Hà Nội vào tháng 6-2022.
Ma tuý tổng hợp được tẩm vào thảo mộc, rồi đóng gói dưới dạng thuốc lá |
Gần đây nhất, tháng 9-2022, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội điều tra khám phá các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội zalo, telegram liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma tuý ở các địa bàn khác nhau. Hình thức chủ yếu là thông qua hệ thống vận chuyển hàng hoá bằng ship cod, phần mềm… với tang vật là chất ma tuý tẩm trong thuốc lá điện tử, thảo mộc, hiện đang được giới trẻ ưa chuộng.
Tuyên truyền để phòng ngừa
Ma tuý tổng hợp dễ dàng xâm nhập vào học đường, khu vui chơi, quán bar bởi việc nguy trang của người làm ra sản phẩm. Do đó, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn thủ đoạn pha trộn ma tuý dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc tại các trường học trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị:
Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống ma tuý, tác hại của ma tuý, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma tuý, cách nhận biết ma tuý, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn nhằm cảnh báo tới nhà trường, phụ huynh và giới trẻ cũng như toàn xã hội về tác hại của các loại ma tuý “núp bóng”.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hoá là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng. Phối hợp với các đoàn thể xã hội tổ chức các hoạt động phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia phòng ngừa tệ nạn xã hội và tội phạm về ma tuý. Chủ động rà soát, phối hợp lực lượng Công an cơ sở phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định những hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý nói chung, ma tuý dưới dạng pha trộn thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thảo mộc… nói riêng.
“Nước vui” xuất hrên thị trường được lực lượng Công an phát hiện, thu giữ |
Ngoài ra, để hạn chế lứa tuổi học trò mua phải sản phẩm ma tuý trá hình nước hoa quả, nhà trường, gia đình cần quan tâm sát sao, lắng nghe tâm tư của con trẻ, đồng hành chia sẻ, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của con, cùng trao đổi với thầy cô, nói chuyện với bạn bè của con để biết con có liên quan đến ma tuý và các tệ nạn xã hội khác không, từ đó có biện pháp phòng ngừa.
Đồng thời, quan tâm định hướng sự phát triển tâm lý, nhận thức của trẻ nhất là với ngưỡng cửa thời kỳ trưởng thành của trẻ; thường xuyên xây dựng chương trình ngoại khoá tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ dưới mái trường an toàn, qua các chương trình tuyên truyền cho các con điều hay lẽ phải, nhận thức rõ về các vi phạm pháp luật nhất là ma tuý.
Đối với các em học sinh cần phải sống trong sáng, lành mạnh, không tiêu xài hoang phí đua đòi; tích cực tìm hiểu thông tin về tác hại, hậu quả của ma tuý. Không tụ tập với người xấu, tham gia xây dựng môi trường học tập lành mạnh của nhà trường… Đặc biệt, không nhận tiền, quà, vật có giá trị của người khác mà không rõ lý do, trong trường hợp người quen nhận chuyển đồ, hàng hoá cần hỏi rõ loại hàng và địa điểm chuyển đi đâu, tốt nhất hỏi ý kiến cha mẹ, người thân trước khi nhận lời.
https://www.anninhthudo.vn/nhan-dien-ma-tuy-nup-bong-nuoc-hoa-qua-post523042.antd